Gói an sinh khó đến NLĐ
Ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay sau hơn 3 tháng Nghị quyết 68 được ban hành và có hiệu lực, việc tiếp cận của DN và NLĐ vẫn còn nhiều gian nan.
Theo Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) trong 12 nhóm đối tượng thụ hưởng hỗ trợ, nhiều nhóm chưa thể tiếp cận. Cụ thể, hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ bản NLĐ chưa nhận được do các thủ tục khá phức tạp.
Tương tự, hỗ trợ NLĐ ngừng việc theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động (được thỏa thuận mức lương ngừng việc với người sử dụng lao động) thuộc đối tượng phải cách ly y tế, hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên, được hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng/người. Nhưng nhiều NLĐ không được hưởng do tự cách ly, hoặc thiếu các thủ tục liên quan đi cách ly.
Hay như hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng hầu như không thực hiện được do không có cơ quan thẩm quyền xác nhận.
Đáng chú ý, chính sách cho DN vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho NLĐ bị ngừng, nghỉ việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời phục hồi sản xuất, nhưng cũng vướng mắc thủ tục theo quy định tại Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 7-7-2021.
Bởi quy định phải có cấp thẩm quyền quyết định dừng sản xuất (không chấp nhận Chỉ thị 16/CT-TTg là cơ sở pháp lý tương ứng), tức phải chứng minh DN không có nợ xấu tại ngân hàng, phải có bản sao hồ sơ quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020… đã khiến nhiều DN khó tiếp cận khoản vay này.
Đối với các gói an sinh theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM theo 3 đợt hỗ trợ, gói hỗ trợ đợt 1 và 2 do thời gian thực hiện cấp bách, nên việc thực hiện bị động, chưa chặt chẽ các nhóm đối tượng. Một số địa phương không đủ nguồn nhân lực để kiểm tra, rà soát, cập nhật, thẩm định và tổ chức chi hỗ trợ cho dân, trong khi đối tượng này ngày càng mở rộng, nhiệm vụ càng nặng nề.
Do đó kê khai đăng ký hỗ trợ tại địa phương bị bỏ sót nhiều qua đợt hỗ trợ 1, phải điều chỉnh bổ sung trong đợt hỗ trợ 2, nhưng vẫn còn nhiều cư dân phản ánh chưa nhận được tiền hỗ trợ, hoặc nhận tiền không đúng như thông báo.
Tiền hỗ trợ không đến được NLĐ do chính quyền địa phương không nắm sát lực lượng là NLĐ là công nhân, thì tại sao không giao việc này cho DN? Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, việc hỗ trợ NLĐ nếu giao cho DN làm sẽ hiệu quả hơn.
Thế nhưng với Nghị quyết 68 DN không tiếp cận được gói vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong khi 3 đợt hỗ trợ theo Nghị quyết 09 cũng không thấy bóng dáng DN được tham gia.
Chưa kể 3 đợt hỗ trợ theo Nghị quyết 09 còn dàn trải chưa phân loại rõ lao động tự do và lao động tại DN bị tạm ngưng, nghỉ việc nên nhiều NLĐ tại các nhà máy, DN chưa nhận được hỗ trợ.
Mệt mỏi văn bản thiếu nhất quán
Thời điểm này, nhiều DN đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên với số lao động về quê ồ ạt đang khiến DN rơi vào tình cảnh thiếu lao động trầm trọng.
Theo chia sẻ của ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, trước thời điểm 1-10, các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) có khoảng 288.000 lao động, trong đó hơn 70.000 lao động làm việc 3 tại chỗ (hoặc 1 cung đường 2 điểm đến).
Từ 1-10 đến nay, trong 70.000 lao động trên giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm khoảng 57.000 người. Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại KCX, KCN chỉ khoảng 135.000, bằng 46% so với trước.
Thiếu lao động, các DN còn mệt mỏi vì những bất nhất trong các văn bản quy định. Cụ thể, ngày 3-10 Bộ Y tế ban hành Văn bản 8318 về xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch Covid-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ, khiến nhiều DN băn khoăn trước yêu cầu "người di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao sang vùng có nguy cơ phải xét nghiệm, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày", dù đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Trong khi trước đó mấy ngày, bộ này có hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 với cơ sở sản xuất, kinh doanh, cho phép NLĐ đã tiêm đủ 2 liều vaccine không phải xét nghiệm định kỳ.
Chưa hết, quy định giữa các địa phương cũng thiếu tính thống nhất. Ngày 4-10, TPHCM áp dụng phương án tổ chức cho NLĐ đi lại liên tỉnh từ TPHCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có điều kiện. Trước khi tổ chức cho NLĐ đi lại liên tỉnh, Sở GTVT TPHCM có gửi văn bản xin ý kiến sở GTVT các tỉnh nhưng Sở GTVT Đồng Nai cho biết chưa nhận được.
Đến ngày 6-10 các tỉnh mới cơ bản thống nhất phương án cho NLĐ đi lại liên tỉnh của TPHCM. Có thể thấy DN, NLĐ vốn đã mệt mỏi vì dịch, nay càng thêm đuối sức vì sự thay đổi chóng mặt của các văn bản.
Đón và giữ chân NLĐ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TPHCM, nhìn nhận việc NLĐ tiếp tục về quê sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, phần nào cho thấy chúng ta chưa đo lường hết tâm trạng cũng như thực tế cuộc sống của họ suốt thời gian giãn cách xã hội.
Để thu hút họ trở lại TP cần nhiều chính sách. Trước hết cần tiêm đủ cho NLĐ ở các tỉnh/thành để đạt tiêu chí khi quay lại TPHCM làm việc. Các DN cũng cần có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với NLĐ. Cụ thể, vấn đề lương, thưởng một trong những yếu tố tiên quyết giữ chân NLĐ gắn bó với DN phải được tính toán tốt hơn.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean, cho biết thiếu hụt lao động khiến DN vốn đuối sức sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Song đây không còn là câu chuyện của từng DN. Vì thế, bên cạnh những nỗ lực tự thân của DN, rất cần các chính sách hỗ trợ chung của TP.
Cụ thể, bên cạnh các chuyến xe đưa NLĐ trở về cần thiết lập vùng đệm khám sàng lọc, ưu tiên tiêm vaccine trước khi quay lại TP, hỗ trợ lưu trú 14 ngày cho NLĐ ngoại tỉnh tại các trường học chưa có học sinh quay lại.
Nhiều DN nhìn nhận về lâu dài cần có quy hoạch lưu trú tập trung cho công nhân. Hiện phần lớn công nhân vẫn ở trọ xung quanh các nhà máy, môi trường sống này có nguy cơ lây dịch bệnh rất cao.
TP cần quy hoạch quỹ đất và kêu gọi đầu tư theo hình thức công tư hỗ trợ lãi suất ưu đãi, khuyến khích thu hút DN tham gia phát triển nhà ở xã hội, khu lưu trú tập trung cho công nhân. Trong bối cảnh chúng ta chọn sống thích ứng, an toàn với dịch, việc xây nhà lưu trú cho NLĐ là giải pháp an toàn nhất trong lâu dài.
Ông Phạm Việt Anh, Chuyên gia chiến lược tăng trưởng DN cho rằng, thị trường lao động cũng tuân theo quy luật cung cầu, quy luật tự nhiên, có cầu ắt có cung. Khi DN thiếu hụt lao động, họ sẽ dùng chính sách tốt hơn để thu hút lao động quay lại.
Nhưng chính sách phải nhất quán, không nay mở mai đóng, NLĐ thấy bất an sẽ không quay trở lại nữa. Khi ấy, việc thiếu hụt lao động tạm thời thành vấn đề thường trực, là trở lực lớn cho tăng trưởng bền vững của TP.
Chìa khóa thành công là chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh phải nhanh chóng, hiệu quả, từ đó DN sẽ đẩy nhanh kế hoạch tuyển dụng, thu hút NLĐ trở lại.