Tô hủ tiếu “mỏng” miếng thịt!
Ghi nhanh trong ngày 14-3, giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng đáng kể so với một tuần trước. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), súp lơ Đà Lạt có giá 50.000-60.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg. Tại chợ tự phát trên đường Tân Thới Hiệp 21 (quận 12), đu đủ chín có giá 19.000-22.000 đồng/kg, tăng 2.000-4.000 đồng/kg; xoài cát chu từ 48.000-50.000 đồng/kg, tăng khoảng 25.000 đồng/kg so với cách nay 10 ngày.
Anh Nguyễn Minh Vương, nhân viên bảo vệ một công ty trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn), cho hay, trước đây anh mua bí hoặc bầu bán dạo trên đường có giá 10.000 đồng/3 trái, nhưng nay người bán tách ra, bán 10.000-15.000 đồng/trái; súp lơ cách nay nửa tháng có giá 10.000 đồng/cây, nhưng nay tăng lên 30.000 đồng/cây (đắt gấp 3 lần bình thường)…
“Trước đây chiếc xe gắn máy này đổ 50.000 xăng đi cả tuần, nay đi được 3 ngày. Phần cơm bình dân có vài lát thịt heo mỏng dính, tô canh lõng bõng nước cũng có giá 25.000 đồng, tăng 5.000 đồng/phần so với cách nay 2 tuần. Khó khăn quá nên tôi tính đạp xe đi làm, chứ chạy xe máy thế này tốn tiền xăng quá”, bà Ngô Thị Lanh, làm tạp vụ tại một chung cư trên đường Tô Ký, quận 12, cho biết.
Theo lý giải của một số tiểu thương, các mặt hàng được điều chỉnh tăng giá do chi phí nhiên liệu, công vận chuyển đều tăng, nên không thể giữ giá để bù lỗ.
Anh Lê Hải, ngụ tại quận Tân Phú cho biết, khu vực anh ở là khu lao động, nhiều nhà trọ, lâu nay giá cả khá ổn định, phù hợp với thu nhập bình dân. Tuy nhiên, mấy ngày qua, nhiều dịch vụ đã tăng theo giá xăng dầu. Sáng nay, hớt tóc tại tiệm quen gần nhà trên đường Lũy Bán Bích, tăng thêm 10.000 đồng (lâu nay 50.000 đồng). Anh chủ tiệm giả lả: “Mặt bằng thuê không tăng giá nhưng bó rau, phở, miếng thịt, cọng hủ tiếu đã tăng giá. Nếu không tăng giá hớt tóc, nhiều nhân viên sẽ nghỉ tìm việc chỗ khác”.
Dạo quanh nhiều tuyến đường, các tiệm kinh doanh ăn uống đều đã điều chỉnh giá tăng 5.000-10.000 đồng. Tuần trước 30.000 đồng/tô hủ tiếu, thì nay thành 40.000 đồng/tô. Một quán phở trên đường Thoại Ngọc Hầu, trước khi xăng tăng giá thì đã tăng lên 5.000 đồng/tô, sau khi xăng lên giá thì không tăng giá mà xắt miếng thịt mỏng, bớt chút rau.
Một số mặt hàng thiết yếu được các tiểu thương điều chỉnh theo vật giá của thị trường (cửa hàng gạo tại phường Tân Kiểng, quận 7, TPHCM) Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ghi nhận tại một quán cơm trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), chủ yếu quán cơm phục vụ công nhân, người lao động, đã có điều chỉnh cho “phù hợp” với thị trường. Trước đây, một số món miễn phí như trà đá thì nay bỏ trà chỉ còn nước lọc, không còn cơm miễn phí, giảm lượng cơm, món ăn ít hơn…
Giá cước vận tải tăng mạnh
Anh Khắc Nguyễn cho biết, bình thường anh đi Grab car lúc 8 giờ 30 sáng từ nhà ở đường Mai Xuân Thưởng, phường 2, quận 6 đến địa chỉ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3 là 68.000 đồng, thì sáng 14-3 giá cước là 91.000 đồng. Anh bày tỏ: “Giá xăng cao quá, giá cước taxi tăng cũng phải thôi”.
Thật ra, mấy hôm nay cước vận tải tăng giá đã lan tỏa khắp nơi. Chiều 14-3, có mặt tại Bến xe miền Đông, lượng khách đến bến vẫn nhộn nhịp. Đang ngồi chờ lên xe về Đắk Nông, chị Nguyễn Thị Mai Anh nhận xét: “Giá vé đã tăng 20.000 đồng, nhưng giờ giá xăng cũng phải “thấu hiểu” nhà xe.
Mà hãng nào cũng tăng, từ doanh nghiệp tư nhân cho đến xe bến”. Một lãnh đạo Bến xe miền Đông cho biết, hiện tại có 25 đơn vị, doanh nghiệp vận tải chạy 68 tuyến đã tăng giá bán vé, tỷ lệ trung bình tăng 26%. Đơn vị tăng ít nhất là 3%, đơn vị nhiều nhất là 39%. Đơn cử, tuyến TPHCM đi Phan Rí (Bình Thuận) từ 140.000 đồng/vé lên 160.000 đồng/vé, TPHCM đi TP Đà Lạt từ 240.000 đồng/vé lên 270.000 đồng/vé…
Tương tự, theo đại diện Bến xe miền Tây, hiện đã có 17 doanh nghiệp vận tải gởi đơn xin tăng giá vé như Phương Trang, Thanh Thủy, Kim Hoàng, HTX Việt Thắng, Châu Đốc… đi các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… với mức tăng từ 7%-8%.
Trong khi đó, một số hãng lữ hành du lịch cho biết, các nhà hàng, quán ăn sẽ điều chỉnh giá thực đơn, do nguyên liệu đầu vào tăng giá. Dịch vụ vận tải tăng giá từ 18%-25%, nhà hàng tăng từ 10%-15%, nên giá tour sẽ được điều chỉnh tăng 20%-25%. Đặc biệt, chi phí vận chuyển (máy bay, tàu hỏa, xe khách…) chiếm khoảng 35%-40% giá tour, nên việc tăng giá nhiên liệu đầu vào sẽ đẩy giá tour tăng đáng kể.
- Theo nhiều nhà thầu, chủ cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, hơn tuần nay, giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng đã liên tục tăng mạnh so với cuối năm 2021. Cụ thể, xi măng tăng 5.000-7.000 đồng/bao, cát tăng 30.000-40.000 đồng/m3; gạch ống tăng lên 1.250-1.300 đồng/viên; gạch men tăng 3.000-6.000 đồng/thùng… - Tại TP Cần Thơ, ông Phạm Quốc Minh, chủ doanh nghiệp phân phối cát đá xây dựng cho biết thêm, hiện không dám báo giá trước cho khách hàng vì giá vật liệu đầu vào đang “nhảy múa” từng ngày. Chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65%-70% giá dự toán xây dựng công trình, do đó thực trạng tăng giá đã gây khó khăn đến chi phí đầu tư của nhiều công trình, nhà ở. - Hiện nay giá các loại phân bón như Ure, DAP, Kali... trong nước đã tăng thêm 300-700 đồng/kg (tùy loại) và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và hiện cao nhất từ trước tới nay, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại… - Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định), cho biết, giá cả xăng dầu liên tục tăng cao khiến cho chi phí vận chuyển logistics leo thang lên 25% so với trước; các chi phí sản xuất, chạy máy móc cũng tăng nên giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng mạnh lên 27%. Nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất tăng khiến giá sản phẩm đầu ra tăng cao, mất đi sự cạnh tranh trên thị trường, sức tiêu thụ sụt giảm. Đây là vấn đề khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại Bình Định. |
Tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn giá cả “ăn theo” giá xăng Trước tình hình giá cả leo thang, đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đơn vị đã ra quân tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh xăng dầu, cũng như tăng cường quản lý địa bàn, việc bán hàng đúng giá niêm yết tại các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại… Hiện có 18 đội quản lý thị trường trực 24/24 ở cơ quan, theo dõi đường dây nóng để kịp thời xử lý phản ánh của người dân Chiều 14-3, Văn phòng Bộ Công thương thông tin, để kiểm soát giá cả hàng hóa, ngăn ngừa nguy cơ giá các loại hàng hóa “ăn theo” giá xăng dầu tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu và giá cả thị trường. Trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định. VĂN PHÚC |
Chợ đầu mối, siêu thị vẫn kìm giá Ngày 14-3, ghi nhận tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm như Bình Điền (quận 8), Thủ Đức (TP Thủ Đức), Hóc Môn (huyện Hóc Môn), cho thấy lượng hàng hóa về chợ đều đặn, không bị gián đoạn nguồn cung, giá các mặt hàng ổn định. Cụ thể, lượng hàng nhập chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đêm 13 rạng sáng 14-3 là 2.149 tấn các loại, gồm thịt heo, trái cây, rau củ quả. Giá bán các mặt hàng khá rẻ, theo lý giải của một tiểu thương thì “sức mua trái cây, rau củ tươi rất yếu, tăng giá nữa biết bán cho ai”. Ví dụ, xoài cát chu giá 18.000 đồng/kg, dưa hấu tròn Long An 12.000 đồng/kg, bầu Tây Ninh giá 5.000 đồng/kg, khổ qua 12.000 đồng/kg, khóm Tiền Giang 10.000 đồng/kg…; thịt heo mảnh loại 1 giá 70.000 đồng/kg, loại 2 giá 63.000 đồng/kg; thịt cốt lết heo 68.000 đồng/kg… Chiều 14-3, sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, sẽ giảm 40% cước phí vận chuyển so với biểu phí cũ đưa ra trước đó, được áp dụng đồng thời với các chương trình vận chuyển Freeship+ và các ưu đãi miễn phí vận chuyển từ chương trình Tiki Rewards (SEP). |