Khi Robert L. Stevenson tổ chức cuộc họp với tất cả công nhân tại nhà máy Eastman Machine ở Buffalo hồi giữa tháng 3, lần đầu tiên trong lịch sử các doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ phải đóng cửa vì lệnh giãn cách xã hội. Nhưng Eastman, 1 công ty chuyên sản xuất máy cắt sợi, đã trải qua không ít hoàn cảnh đặc biệt và thế hệ thứ 4 của gia đình Stevenson không có ý định sẽ kết thúc câu chuyện ở đây.
Phát biểu ngay tại nhà ăn của công ty, Stevenson liệt kê lại những cuộc khủng hoảng mà Eastman đã trải qua trong suốt lịch sử 132 năm: chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, cuộc đại suy thoái và cả thế chiến thứ hai. "Chúng ta đã sống sót sau tất cả, và lần này cũng vậy. Là 1 doanh nghiệp gia đình, tất cả mọi người đều sẽ được quan tâm", vị giám đốc nói với các nhân viên.
Hơn 1 tháng sau, có thể nói Eastman đã tạm thành công trong cuộc chiến với đại dịch: họ sống sót, nhưng tất nhiên cơn bão vừa qua cũng để lại những "vết sẹo". 40 trong số 57 công nhân sản xuất của nhà máy đã bị sa thải – động thái mà Stevenson cho là không thể tránh khỏi.
"Điều đó thật đau đớn, chúng tôi không bao giờ muốn sa thải nhân viên. Nhưng nếu không làm như vậy công ty sẽ không tồn tại được nữa". Stevenson vẫn tiếp tục chi trả bảo hiểm y tế cho các nhân viên bị sa thải, vì thế ông cảm thấy mình vẫn giữ được lời hứa. Và đến hôm 4/5 vừa qua, 5 nhân viên đứng máy đã quay trở lại làm việc.
Nhu cầu đối với các máy cắt sợi mà Eastman làm ra đã giảm 50%, nhưng vẫn có đủ đơn hàng để sản xuất cầm chừng. Thiết bị của Eastman được sử dụng trong ngành vận tải và hàng không, nhưng khách hàng còn có cả các nhà sản xuất khẩu trang y tế và tấm chắn mặt. Do đó công ty đủ tiêu chuẩn để được xếp vào nhóm thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian cách ly xã hội. 76 nhân viên văn phòng của Eastman vẫn đang làm việc từ xa, mặc dù các công việc như marketing và bán hàng bị ảnh hưởng nặng nề.
Những công ty nhỏ như Eastman chính là nền móng của thị trường lao động Mỹ, cung cấp tới một nửa số lượng việc làm trong khu vực tư nhân. Sự bền bỉ của Eastman cho thấy các công ty nhỏ và vừa của Mỹ đã vượt qua khủng hoảng bằng cách nào.
Thời hậu chiến, Buffalo đã mất đi hàng nghìn việc làm vì các công ty công nghiệp lớn như Bethlehem Steel, Curtiss-Wright và Bell Aircraft phải đóng cửa. Tuy nhiên, những công ty tầm trung như Eastman lại tồn tại đến tận ngày nay. Trong số 1.500 nhà sản xuất ở Buffalo, chỉ có 2% sử dụng trên 500 nhân viên.
Kể từ khi tiếp quản công ty từ cha mình năm 1988, Stevenson luôn né tránh việc nợ quá nhiều hay đưa ra những quyết định quá rủi ro. Và điều đó đã giúp ông sống tốt trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Eastman đã nhận được khoản vay 2 triệu USD theo chương trình Bảo vệ tiền lương (Paycheck Protection Program) của chính phủ. Stevenson hi vọng sẽ có thể gọi toàn bộ công nhân quay trở lại trước ngày 30/6 để có đủ điều kiện được miễn nợ. Ngoài ra Eastman cũng đã phải cắt giảm mạnh chi phí R&D cũng như chi phí vốn.
Hiện đang có nhà xưởng rộng khoảng 140.000 feet vuông, Eastman dự tính sẽ bổ sung thêm 10.000 feet vuông nữa. Kế hoạch từng sẵn sàng để có thể triển khai vào tháng 4 vừa qua, nhưng vì dịch bệnh nên đã bị hoãn lại.
Tuy nhiên, con trai của Stevenson, Trevor, người sẽ tiếp quản công ty trong tương lai, rất lạc quan về thời gian tới. Ở tuổi 44, anh là thứ thế hệ thứ 5 của gia đình và hiện đang là phó Chủ tịch phụ trách mảng sản xuất. Trevor luôn ghi nhớ những bài học mà anh đã học được từ khi bắt đầu là 1 thợ lắp máy năm 2004.
Trong khi Trevor dành trọn thời gian ở Buffalo, người cha Robert điều hành mọi thứ từ căn nhà nghỉ đông ở Florida. Ông thường xuyên trao đổi công việc với các lãnh đạo cấp cao của công ty qua điện thoại, có lúc tới 10 lần một ngày.
"Chúng tôi vẫn không ngừng tự làm mới bản thân", Robert nói. 80% số máy mà công ty đang bán ra hiện nay chưa hề tồn tại khi ông tiếp quản công ty cách đây 32 năm. Lực lượng lao động của công ty cũng thay đổi, với ít lao động chân tay nhưng nhiều chuyên gia phát triển sản phẩm và kỹ sư hơn trước.
Chuyển sang các loại máy tự động cũng mở ra 1 thế giới các khách hàng mới xử lý rất nhiều loại vật liệu, từ sợi tổng hợp Kevlar và sợi thủy tinh đến sợi carbon tổng hợp. Các dụng cụ cắt của Eastman được sử dụng để cắt mọi thứ, từ các phần của tên lửa SpaceX đến thân tàu hay bề mặt ván trượt tuyết. Ngành điện gió cũng là 1 thị trường béo bở khi các máy móc của hãng có thể được sử dụng để cắt vật liệu làm nên những cánh quạt khổng lồ.
Trong dịch bệnh vừa qua, hàng chục khách hàng đã chuyển sang sản xuất khẩu trang và tấm chắn mặt y tế, cùng làm việc với Eastman để lập trình lại máy móc để có thể tạo ra những sản phẩm giúp ứng phó dịch bệnh.
Những lao động được giữ lại chủ yếu là người lớn tuổi (độ tuổi trung bình là 60). Xưởng sản xuất đã được sắp xếp lại để đảm bảo khoảng cách giữa các công nhân tối thiểu là 6 feet, và họ ăn bữa trưa ngay tại chỗ làm việc thay vì tập trung tại phòng ăn như trước.
Những nhân viên lâu năm của Eastman có niềm tin sắt đá vào gia đình Stevenson – điều làm gợi nhớ lại thời kỳ mà các doanh nghiệp Mỹ mang đậm tính gia trưởng hơn nhiều so với ngày nay, khi người chủ luôn được tin tưởng là sẽ làm điều đúng đắn và đổi lại các nhân viên sẽ được bao bọc.
Sau khi nối gót cha theo học tại Yale, Robert Stevenson quyết định trở về công ty của gia đình trong khi những bạn học của ông rời Buffalo để khởi nghiệp ở phố Wall. "Gia đình tôi luôn cảm thấy rằng hỗ trợ cộng đồng là một trong những điều quan trọng nhất trong việc sở hữu 1 doanh nghiệp. Tôi được nuôi dưỡng với triết lý đó", ông chia sẻ.
Trong khi các doanh nghiệp khác ở Buffalo chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico hay tới những bang có hoạt động công đoàn yếu ớt hơn ở phía Nam, gia đình Stevenson vẫn quyết định giữ lại công đoàn ở Eastman. Robert và Trevor đều chọn sống ở Buffalo thay vì chuyển tới những vùng ngoại ô sầm uất hơn như Amherst.
"Năm 1973, khi tôi quay trở về từ Yale và Buffalo đang xuống cấp, tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ ở lại đây và chờ đợi thời cơ tốt hơn. Cuối cùng thì Buffalo đã hồi sinh nhờ những khoản đầu tư mới", Robert nhớ lại.
Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, Buffalo có nhiều người tử vong hơn và bị thiệt hại nặng nề hơn cả so với tình hình hiện nay. Nhưng giống như ông nội Wade đã vững tay chèo giúp Eastman Machine vượt qua khủng hoảng, Robert tin rằng ông cũng sẽ làm được điều tương tự.
Mắc bệnh ung thư, năm 2014 Robert từng được bác sĩ nói rằng ông chỉ còn sống được 6 tháng nữa. Thế nhưng một cách thần kỳ ông đã hồi phục sau khi tham gia trị liệu tại Mayo Clinic. Có lẽ chính điều này giúp ông lạc quan hơn. "Đã từng đối mặt với cái chết nên tôi không sợ gì nữa. Chắc chắn mọi thứ sẽ tốt lên", ông nói.