Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường giúp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, nhiều giải pháp đã được Bộ Công Thương triển khai nhằm đáp ứng sản xuất và tiêu dùng.
Phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tham chiếu khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, khả năng sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hiệp hội ngành hàng liên quan để xây dựng, ban hành Quyết định phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 4/2022 (nếu cần thiết) để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho thấy, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn quý 4 dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
“Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, riêng Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Song song với giải pháp trên, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Trước tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ngày 31/8, Bộ Công Thương đã chỉ đạo thành lập 3 Tổ công tác chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương đã có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa, chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối), không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh… để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
“Bộ đã kiến nghị Bộ Tài chính sớm rà soát một số mức chi phí theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường,” đại diện cơ quan này thông tin.
Sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn điều hành giá
Theo Nghị định 95/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh mỗi tháng 3 lần vào các ngày: 1, 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần, thay vì 15 ngày một lần).
Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này thời gian qua gặp nhiều khó khăn do mức chiết khấu thấp. Hơn nữa, nhiều chi phí chưa phản ánh đúng thực tế.
Lý giải điều này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc điều hành hiện nay của liên bộ Công Thương-Tài chính rất công khai, minh bạch, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nắm bắt được xu hướng tăng hay giảm giá xăng dầu.
“Thông thường, khi nguồn cung xăng dầu dồi dào hoặc giá thế giới có xu hướng giảm, các doanh nghiệp đầu mối tăng lượng bán xăng dầu ra thị trường, mức chiết khấu sẽ tăng và ngược lại,” ông Hải nói.
Để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.
Đặc biệt, quỹ bình ổn giá (BOG) được sử dụng một cách hiệu quả và linh hoạt trong thời gian qua nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Ước tính trong những tháng đầu năm (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), mức chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn áp dụng từ 100-1.500 đồng/lít tùy loại.
Trong lần điều chỉnh gần nhất (ngày 3/10), mức trích lập quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 là 600 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa là 300 đồng/lít, còn mazút là 741 đồng/kg, nhờ đó xăng RON 95-III giảm 1.141 đồng, về mức 21.443 đồng; xăng E5 RON92 có giá mới là 20.732 đồng, giảm 1.049 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 328 đồng/lít, về mức 22.208 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 753 đồng, xuống còn 21.688 đồng mỗi lít và dầu mazút giảm 562 đồng, về mức 14.094 đồng/kg.
Nhờ điều chỉnh liên tục, giá các loại xăng đã về mức thấp hơn so với tháng 7/2021, còn dầu diesel cũng thấp hơn thời điểm tháng 3/2022.