Bộ KH-ĐT chưa làm 'tròn vai' trong phân bổ vốn đầu tư công

(ĐTTCO) - Việc tham mưu, phân bổ, cân đối và điều chỉnh vốn đầu tư công trong trung hạn của Bộ KH-ĐT còn chưa sát với thực tế.
Đó là kết luận của báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề về đề việc quản lý, sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) trong nước của kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2016-2020 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (DPC).
Cụ thể, đối với việc giao, phân bổ và điều chỉnh vốn, Bộ KH-ĐT chưa ưu tiên giao vốn cho một số dự án dở dang và đã đăng ký nhu cầu. Giao 52 tỷ đồng cho 4 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2024 trong khi các dự án chưa phân khai cụ thể cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án theo quy định.
Bộ KH-ĐT chưa làm 'tròn vai' trong phân bổ vốn đầu tư công ảnh 1 Việc phân bổ, điều chỉnh vốn dự án đầu tư công còn chậm trễ, chưa sát thực tế. Ảnh minh họa.
Bộ KH-ĐT cũng chưa tham mưu điều chỉnh KHĐTCTH đối với một số dự án được giao vốn nhưng không có khả năng thực hiện, không phân bổ vốn hằng năm. Có 25 dự án của 5 bộ, cơ quan trung ương và 07 tỉnh đã được giao vốn trung hạn 7.307,21 tỷ đồng, tuy nhiên phân bổ vốn hằng năm chỉ đạt 6.309,156 tỷ đồng, bằng 86%.
Bộ điều chỉnh vốn cho một số dự án không thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn DPC 136,804 tỷ đồng, 3 dự án được giao 118,5 tỷ đồng nhưng không giao hết KHV năm và đã điều chuyển để thu hồi vốn ứng trước 38,326 tỷ đồng.
Một số tỉnh có dự án về đường ven biển được giao vốn trung hạn, nhưng các tỉnh chưa có văn bản “cam kết sử dụng chủ yếu ngân sách địa phương, kết hợp với các hình thức đầu tư khác” theo quy định Nghị quyết số 71/2018/QH14.

Kết luận của KTNN cũng nêu rõ, việc tham mưu, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án của Bộ KH-ĐT còn chậm trễ, chưa sát thực tế. Theo đó, dự kiến phương án phân bổ nguồn DPC vốn NSTƯ trong nước KH ĐTCTH giai đoạn 2016 - 2020 chưa căn cứ đầy đủ khả năng cân đối vốn đầu tư của NSNN hằng năm theo quy định tại Nghị quyết số 71/2018/QH14.
Điều này đã dẫn đến số vốn thực tế đã giao trung hạn sau Nghị quyết số 84/2019/QH14 là 35.195,122 tỷ đồng, cao hơn dự kiến tại Báo cáo số 483/BC-CP ngày 13/10/2019 của Chính phủ 14.288,222 tỷ đồng. Nguyên nhân do được bổ sung từ nguồn tăng thu NSTƯ năm 2019 và nguồn thu được để lại của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Bộ KH-ĐT cũng chưa tập trung nguồn lực để “xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn” theo quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14, số vốn còn thiếu của KH ĐTCTH giai đoạn 2016-2020 là 139.000 tỷ đồng trong khi vẫn tham mưu để giao vốn DPC cho 106 dự án chuẩn bị đầu tư 247,042 tỷ đồng và 377 dự án khởi công mới 12.566,519 tỷ đồng, chiếm 36% trong tổng mức vốn trung hạn đã giao.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư, Bộ KH-ĐT chưa thực hiện đầy đủ nội dung “tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu” đối với các trường hợp theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ, các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp còn chưa có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.


Các tin khác