Cán bộ dám nghĩ, dám làm thì bộ máy mới chuyển động

(ĐTTCO) - Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, vấn đề là phải quyết liệt thực hiện và phải tạo động lực cho những người dám nghĩ dám làm. 

TPHCM rất quyết liệt với nhiều biện pháp để xứng danh đầu tầu kinh tế cả nước. Ảnh: HOÀNG DƯỠNG
TPHCM rất quyết liệt với nhiều biện pháp để xứng danh đầu tầu kinh tế cả nước. Ảnh: HOÀNG DƯỠNG

PHÓNG VIÊN: - GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Ông nhìn nhận trạng thái nền kinh tế như thế nào?

TS. VÕ TRÍ THÀNH: - Có thể phổ quát nhất trên bức tranh tình hình kinh tế là khó khăn đang bao trùm. Khó khăn đó thể hiện rất rõ qua sự suy giảm thương mại, đặc biệt là xuất khẩu, là đầu ra. Khó khăn ấy còn thể hiện đầu tư tư nhân, tuy ít nhiều đã có những thay đổi tích cực, nhưng cơ bản không có những chuyển biến mạnh. Khó khăn nữa thể hiện ngay ở dịch vụ - lĩnh vực đang phần nào dẫn dắt tăng trưởng - khi tốc độ tăng tiêu dùng đã có dấu hiệu chững lại.

Tuy nhiên, trong quý II cũng đã có một số dấu hiệu tích cực hơn. Đứng ở góc độ vĩ mô, rõ ràng ổn định kinh tế vĩ mô đã tốt hơn. Các điều kiện tài chính tiền tệ đã đỡ hơn, như thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt hơn. Lãi suất chưa giảm mạnh nhưng đã có xu hướng giảm. Thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực hơn, khi đã tháo gỡ nhiều khó khăn về pháp lý và có chính sách tiền tệ hỗ trợ. Các doanh nghiệp (DN) bất động sản cũng đã và đang tái cấu trúc…

Cán bộ dám nghĩ, dám làm thì bộ máy mới chuyển động ảnh 1

Dấu hiệu tích cực nữa là giải ngân đầu tư công tuy chưa như kỳ vọng, nhưng đã nhanh hơn những năm qua rất nhiều. Các địa phương đã tích cực thúc đẩy đầu tư công, một số địa phương và TPHCM đã có cơ chế đặc thù nên sẽ giải tỏa cho nhiều dự án, giúp đầu tư công những tháng tới sẽ tốt và nhanh hơn.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng Việt Nam trên dưới 6%, cho thấy tăng trưởng quý III và quý IV sẽ tốt hơn. Những dự báo này đã nhìn thấy tác động tích cực của các chính sách như giảm khó cho xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI); hỗ trợ người lao động; kích cầu tiêu dùng, du lịch; giảm thuế VAT…

- Nhưng để đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% áp lực tăng trưởng những tháng cuối năm rất lớn, nhiều thách thức và khó khăn đến từ bên ngoài chúng ta không kiểm soát được. Theo ông cần hành động thực thi thế nào để đạt được kết quả cao nhất?

- Phải nói còn rất khó. Không chỉ năm nay mà năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình thế giới đang khiến xuất nhập khẩu hàng hóa cùng giảm. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước; còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng nhập khẩu âm đã phản ánh khó khăn của DN, đồng thời cho thấy đầu tư ở khu vực tư nhân vẫn khó. Nhập khẩu liên quan đến đầu ra xuất khẩu, phần lớn DN nhập khẩu trang thiết bị máy móc liên quan đến đầu tư.

Với FDI, các nhà đầu tư đang gặp khó khăn với dòng tiền, việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu cũng khiến các tập đoàn lớn phải xem xét thêm… Trong khi đó, dịch vụ tiêu dùng dù tăng nhưng tốc độ tăng đã chững lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 0,5% so với tháng 5, quý II tăng 1,6% so với quý I.

Vì thế cần quan tâm đến các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu của nền kinh tế. Đó là kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân, giữ cho tiêu dùng không giảm, trong đó đặc biệt kích cầu du lịch quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu và nỗ lực thu hút FDI, đặc biệt tăng giải ngân.

Linh hoạt, chủ động trong khó khăn, dám nghĩ dám làm, là tư duy của quản trị hiện nay và cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải theo tư duy đó.

Chúng ta là nền kinh tế mở và nhỏ, phụ thuộc nhiều ở bên ngoài. Đơn cử, DN thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm là do tình hình thế giới. Môi trường bên ngoài biến động ta không quyết được.

Vì vậy, chúng ta phải biết thích ứng, tìm cách thích ứng. Đơn cử, để gia tăng xuất khẩu phải đa dạng hóa sản phẩm, thị trường; đồng thời tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng, phân phối và tiêu thụ hàng nội địa…

- Cơ chế đặc thù là cơ hội, động lực và điều kiện thuận lợi góp phần tạo nên tăng trưởng tốt hơn và sự quyết liệt trong thực hiện. Với TPHCM, ông có nhìn thấy sự quyết liệt và khả năng có thể bứt lên để lấy lại vị thế đầu tàu tăng trưởng?

- Tôi nghĩ TPHCM đang rất quyết liệt với nhiều biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế đã được thực hiện trong quý II. Đồng thời cũng đã chuẩn bị tốt để sẵn sàng thực hiện ngay khi Nghị quyết 98 (thay thế Nghị quyết 54) có hiệu lực. Cụ thể, trong quý II TPHCM đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, thực hiện các chính sách kích cầu du lịch, gỡ khó cho sản xuất công nghiệp và bất động sản, thúc đẩy đầu tư…

Giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc cho DN và đã khởi công, khánh thành nhiều dự án quan trọng. Kết quả, 6 tháng đầu năm (GRDP) TP ước tăng 3,55% so cùng kỳ 2022. TP rất tự tin quý III sẽ tăng trưởng cao hơn và quý IV sẽ nằm trong top địa phương có mức tăng trưởng cả năm tiệm cận 7,5%.

- Theo ông làm sao để thúc đẩy hành động, tạo động lực dám nghĩ dám làm?

- Có 3 điều tôi muốn nói: (1) Bộ máy phải chuyển động; (2) Xử lý các sai phạm sao cho thị trường không bị chững lại, mà vẫn chuyển động; (3) Tạo động lực cho dám nghĩ dám làm. Chúng ta vừa có cơ chế đặc thù cho từng địa phương và đang xây dựng nghị định cho cơ chế đặc thù. Chính phủ đang xây dựng nghị định tạo khuôn khổ pháp lý cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Cơ chế đặc thù này kiểu như sandbox, theo đó không thể tư duy theo luật hiện hành để làm nghị định cho cơ chế đặc thù này, mà phải là tư duy theo đòi hỏi của quản trị trong bối cảnh mới. Thí dụ, vấn đề tốc độ, linh hoạt, các bên liên quan và tác động cũng như yêu cầu các bên liên quan tham gia. Vậy dám nghĩ dám làm phải gắn với quản trị mới, không phải dựa trên luật hiện hành. Đó là tư duy của quản trị hiện nay cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải theo tư duy đó.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác