Cần kịch bản liên thông cho miền Tây

(ĐTTCO) - Phục hồi kinh tế, tạo điều kiện đi lại cho người dân có kiểm soát là cách thức các tỉnh, thành miền Tây chọn lựa từ sau ngày 1-10. Tuy nhiên, mở cửa trước yêu cầu “sống chung với virus” đặt ra nhiều thách thức, cần các kịch bản “bình thường mới” tốt nhất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mở cửa phải an toàn
Thực tiễn đòi hỏi phải chuyển từ chống dịch bị động sang chủ động hơn bằng cách mở cửa khôi phục và phát triển sản xuất. Từ ngày 1-10, các địa phương miền Tây đã từng bước nới lỏng kiểm soát, mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Hầu hết  tỉnh, thành đã phủ vùng xanh, mang lại niềm tin mới. Nhiều doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo việc làm, mạch máu giao thông điều hòa, đi lại của người dân thuận tiện hơn, trường học chuẩn bị đón trẻ em đến lớp, những cánh cửa du lịch đang mở ra... với niềm phấn khởi trong trạng thái bình thường mới.
Nhưng diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong 2 tuần qua tại khu vực này với các chuỗi lây nhiễm mới rất đáng lo ngại, nhất là số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch mới hiển hiện nếu chủ quan, lơ là.
Theo báo cáo của Bộ Y tế sáng 28-10, những ngày qua có 381.000 người di chuyển từ các tỉnh thành có dịch ở khu vực phía Nam, đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 363.400 người và ghi nhận 6.222 người dương tính, trong đó nhiều người đã tiêm vaccine.
ĐBSCL gần như ngày nào cũng có tên 5-6 tỉnh, thành góp mặt vào “top 10” địa phương có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất nước. Đáng lo ngại, với các điểm dịch tập trung đông người phải thực hiện biện pháp phong tỏa ngay một nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Thốt Nốt.
Bản đồ theo dõi dịch bệnh cũng ghi nhận diễn biến phức tạp tại hầu hết địa phương miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau. Chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu phát hiện 131 F0 tại một công ty thủy sản với 700 lao động. An Giang phát sinh 1.481 ca Covid-19 mới, tăng 170% so với tuần trước đó. 
Cần kịch bản liên thông cho miền Tây ảnh 1
Yêu cầu mở cửa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục kinh tế, lo sinh kế cho người dân, tiến đến trạng thái bình thường mới là cách tiếp cận đúng đắn, nhưng thách thức mới sẽ nặng nề hơn.
Doanh nghiệp trở lại sản xuất, hoạt động mua bán được khôi phục, làn sóng hồi hương số lượng lớn từ TPHCM và các tỉnh miền Đông về quê miền Tây diễn ra trong thời gian ngắn, tâm lý bung ra đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân sau thời gian dài giãn cách xã hội; học sinh, viên viên quay lại trường học… sẽ tạo ra nhiều áp lực mới, càng đòi hỏi mở cửa phải an toàn.
Kịch bản cho bình thường mới?
Các kịch bản phục hồi kinh tế cần linh hoạt, thích ứng với 3 trạng thái diễn biến của dịch bệnh: Bình thường mới, nguy cơ thấp và nguy cơ cao.
Phải khẳng định, thay đổi tư duy phòng tránh dịch bằng cách thích ứng an toàn là chọn lựa không thể đảo ngược. Có hoạt động kinh tế, sinh kế mới có sức khỏe chống dịch.
Nhưng cũng không thể vì diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn các địa phương quay lại cách chống dịch cực đoan, bằng cách phong tỏa cứng nhắc, đặt ra các quy định hạn chế bất cập, làm test và xét nghiệm trên diện rộng. 
Do tính chất liên vùng, dịch bệnh ở miền Tây nóng lên sẽ trực tiếp đe dọa đối với TPHCM và miền Đông Nam bộ, khi vùng này đang mở cửa hoạt động kinh tế và du lịch, thu hút lượng lớn lao động quay trở lại làm việc.
Vì vậy, bên cạnh việc từng địa phương có kịch bản và chủ động triển khai thực hiện theo yêu cầu, phù hợp diễn biến tình hình mỗi nơi, phải tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, chỉ huy thống nhất dựa trên các nguyên tắc cốt lõi để tránh tình trạng mỗi nơi ban hành quy định riêng cản trở cái chung. 
TPHCM mở cửa kinh tế, thách thức lớn nhất là thiếu lao động. Các doanh nghiệp sử dụng 2/3 lao động ngoại tỉnh, trong khi vừa qua hàng triệu người đã về quê tránh dịch. Giải quyết lao động cho sản xuất của TPHCM và các tỉnh miền Đông tập trung nhiều lao động ngoại tỉnh rất cần sự phối hợp liên vùng.
Yêu cầu của mở cửa phải khơi thông dòng chảy chuỗi cung ứng, sự vận hành của hệ thống logistics đảm bảo mạch máu nền kinh tế, không chỉ là hàng tiêu dùng thiết yếu, còn là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đầu ra cho tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp.
Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp xây dựng, cần được các tỉnh thành cụ thể hóa phù hợp với từng địa phương. Trong đó, giải pháp đầu tiên cần được quán triệt là kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
ĐBSCL là vùng có tỷ lệ tiêm vaccine còn mỏng so các nơi, cần đẩy nhanh độ che phủ khi nguồn vaccine mới đang khơi thông thuận lợi hơn. Cần quan tâm sớm triển khai tiêm ngừa cho trẻ em dưới 18 tuổi để đảm bảo học sinh phổ thông trở lại trường học trong an toàn.
Cần xem xét chủ trương xã hội hóa tiêm vaccine có kiểm soát, bằng cách khuyến khích doanh nghiệp có nhu cầu chủ động lo tiêm vaccine cho công nhân, Nhà nước hỗ trợ bằng cách tạo nguồn và kiểm soát bằng các tiêu chuẩn y tế. 
Mở cửa, phục hồi kinh tế, cần xác định việc chuyển đổi phương thức mua bán, trao đổi hàng hóa từ trực tiếp là chủ yếu, sang phát huy thế mạnh của thương mại điện tử là cấp bách.
Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành, hệ thống đường truyền tải và các ứng dụng trực tuyến, kết hợp với việc số hóa, kinh tế chia sẻ. Khuyến khích phục hồi các hoạt động đầu tư hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Đối với các mặt hàng nông sản, cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp. Yêu cầu tăng hàm lượng chất xám, quản lý tốt vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nâng cao giá trị. 
Các kịch bản phục hồi kinh tế cần được tích hợp với các yêu cầu y tế, xã hội và công nghệ. Thực thi kịch bản phải có sự linh hoạt thích ứng với 3 trạng thái diễn biến của dịch bệnh: Bình thường mới, nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Theo đó, yêu cầu thích ứng với đại dịch Covid-19 là tạo ra hệ thống liên hoàn đòi hỏi sức mạnh tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành.
Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… chính là cách thức để các hoạt động kinh tế nhanh chóng phục hồi và đời sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới.  

Các tin khác