Cạnh tranh chấp nhận luật chơi

(ĐTTCO) - Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là bộ phận hữu cơ quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng:

Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Panasonic tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Panasonic tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
FDI có những vấn đề như ta đã biết, như chưa gắn bó với nền kinh tế Việt Nam, đôi khi buộc người ta phải nói đến nền kinh tế lưỡng thể. Bên cạnh đó, nhiều dự án FDI chưa tạo đảm bảo sự phát triển bền vững, có chất lượng cho kinh tế Việt Nam. Tức sự chuyển giao công nghệ, chuyển giao kỹ năng, lan tỏa của đầu tư FDI còn hạn chế. Đây là câu chuyện không mới và đã được nói trong nhiều năm. 
PHÓNG VIÊN: - Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Điều này tạo nên sự thay đổi gì, thưa ông?
Cạnh tranh chấp nhận luật chơi ảnh 1
Ông VÕ TRÍ THÀNH: - Nghị quyết 50 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong định hướng thu hút FDI. Nghị quyết nói rõ chuyển từ thu hút số lượng sang chất lượng FDI. Thí dụ, ưu tiên thu hút dự án công nghệ tốt, bảo đảm môi trường nguồn; các dự án thân thiện môi trường, có hiệu ứng lan tỏa cao về công nghệ, kỹ năng, đặc biệt tạo được sự liên kết với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang cần nguồn đầu tư tốt cả trong và ngoài nước, dòng vốn FDI sẽ tạo sự chuyển biến trong tăng trưởng và phát triển gắn với tái cấu trúc nền kinh tế. Nguồn vốn bên ngoài là FDI gắn với chiến lược hội nhập càng sâu hơn, tạo vị thế tốt hơn cho Việt Nam.
- Bối cảnh đối đầu chính trị và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đang tạo ra nhiều thách thức với Việt Nam trong thu hút FDI, thưa ông?
- Các yếu tố này đúng là thách thức nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho chúng ta. Đó là các dòng vốn FDI đang có sự chuyển dịch, tìm những nơi hấp dẫn kinh doanh, đầu tư ổn định và mang lại hiệu quả đầu tư hơn. Trong đó, sự chuyển dịch đáng nói là từ Trung Quốc. Sự dịch chuyển này còn có sự hỗ trợ của một số nước có nguồn FDI lớn ở Trung Quốc, cụ thể là Mỹ, Nhật Bản... Tuy nhiên, các nước khác cũng nhận thấy xu thế chuyển dịch đầu tư này, nên họ cũng thay đổi để thu hút FDI, từ đó tạo sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút các dòng vốn DFI chuyển dịch. Vấn đề là Việt Nam phải cạnh tranh với một số nước trong ASEAN và Ấn Độ.
Trong sự cạnh tranh này, có thể nói Việt Nam đang có lợi thế nhưng cần làm cho hấp dẫn hơn. Đồng thời, chúng ta phải có quan hệ đối tác tốt với thế giới, vì nhà đầu nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không chỉ làm việc với chúng ta, còn kết nối với thế giới. Để đón sự chuyển dịch đầu tư này, các tập đoàn đa quốc gia có nhiều lựa chọn. Với Việt Nam tạo sự hấp dẫn thu hút FDI bằng chính sách khuyến khích, ưu đãi có tính cạnh tranh quốc tế cao. Những điều này chúng ta đã làm nhưng cần nỗ lực nhiều hơn. Thí dụ, có thể chế tốt, cải thiện để môi trường kinh doanh thông thoáng; tạo đất sạch, vị trí đầu tư thuận lợi; tạo nguồn nhân lực chất lượng và tăng khả năng hấp thụ đầu tư. Như vậy, bài toán thu hút FDI không hoàn toàn đơn giản. 
Thứ nhất, nhiều nghiên cứu chỉ ra, nếu chỉ ưu đãi thuế sẽ không có quá nhiều tác động đến thu hút FDI, đặc biệt các dòng đầu tư có tính căn cơ, bài bản, có tính dài hạn. Ưu đãi thuế là cần nhưng không phải đủ, cần phải tính đến các yếu tố, lợi thế khác, như nguồn nhân lực, hạ tầng, hệ sinh thái của khu công nghiệp, trung tâm sáng tạo, hay mức độ hội nhập và kết nối với thế giới bằng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Những vấn đề này phụ thuộc vào chính mình, đòi hỏi phải có các chương trình, cách thực thi chính sách rõ ràng, minh bạch để triển khai quyết liệt, có trách nhiệm với tốc độ nhanh. Nếu nghĩ hay nhưng làm “rề rề” cũng mất hiệu quả.
Thứ hai, bên cạnh thu hút FDI có chất lượng, lan tỏa tốt, cần chính sách ưu đãi và hệ thống động lực cho FDI một cách thích hợp. Bởi lẽ, có nước ưu đãi nhưng không yêu cầu các cam kết như lan tỏa doanh nghiệp trong nước, không đòi hỏi chuyển giao công nghệ… Cam kết này phải ở mức nào đó để đảm bảo cạnh tranh quốc tế.
- Ấn Độ đang thu hút FDI với kiểu của nước giàu khi bơm tiền mời chào các tập đoàn công nghệ lớn đến. Trong khi chúng ta phải cạnh tranh với họ trong thu hút FDI chất lượng cao. Nhưng chúng ta đâu có thể làm được như họ, thưa ông?
- Cạnh tranh là tốt và luôn tốt. Cạnh tranh tạo thêm áp lực tốt để ta tự cải thiện mình. Hội nhập, mở cửa làm cái bánh to ra và chúng ta sẽ có thêm phần trong bánh đó, nên không có gì phải sợ, phải ngại. Thực ra, việc Ấn Độ thu hút FDI, truyền thông nước này có vẻ đang tạo ra sự hoảng loạn và cách nhìn thiếu công bằng. Bởi lẽ, kinh tế thị trường là phải chịu áp lực, phải cạnh tranh sòng phẳng. Giả sử có tập đoàn nào đó rời khỏi Việt Nam, chúng ta cũng có đôi chút buồn nhưng không khó chịu, vì đây là luật chơi. Khi đánh giá vấn đề gì cũng phải nhìn nhiều chiều, nhiều cạnh. Mình phải tự tin, có so sánh với quốc tế, từ đó nỗ lực và quyết liệt làm. Cho dù không có cạnh tranh của các nước mình vẫn phải nỗ lực làm tốt nhất có thể.
Việt Nam có nên tiếp tục điều chỉnh nới lỏng thu hút FDI hay không cần hết sức thận trọng. Chúng ta không thể bắt chước hay nuôi tham vọng “đón đại bàng”, bởi cần hiểu rõ nền kinh tế của ta đang ở đâu, trình độ nào. Vấn đề trọng tâm hiện nay là chúng ta vẫn cần chọn lọc vốn FDI, chấp nhận lối chơi “mèo nhỏ nên bắt chuột con”, tức chọn những dòng vốn FDI thực sự phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế và có thể tạo ra sức lan tỏa cho các thành phần kinh tế khác, thay vì nuôi tham vọng đón những tập đoàn FDI lớn.
- Xin cảm ơn ông.
 Kinh tế thị trường là phải chịu áp lực, phải cạnh tranh sòng phẳng. Giả sử có tập đoàn nào đó rời khỏi Việt Nam, chúng ta cũng có đôi chút buồn nhưng không khó chịu, vì đây là luật chơi.

Các tin khác