Chính sách phải thuận, năng lượng sạch mới thông

(ĐTTCO) - Một trong những vấn đề được các học giả quốc tế trao đổi tại Hội thảo quốc tế “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh” đó là phát triển năng lượng không carbon, năng lượng tái tạo.

“Chúng ta không phải gửi tiền để trả tiền cho mặt trời hoặc gió. Nó miễn phí. Đó là một nguồn tài nguyên tuyệt vời và có thể tái tạo, lại bền vững”- GS. Paul Burke, đến từ Đại học Quốc gia Australia nhấn mạnh và minh chứng cho biết ở Australia, khoảng 1/3 lượng điện đến từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Đây là điều mà nhiều học giả quốc tế đánh giá đáng kinh ngạc. Thế giới cũng đang chuyển mạnh theo hướng này, nhưng không nhanh như Australia. Dự báo năng lượng mặt trời và gió sẽ nhanh chóng đạt khoảng 15% sản lượng điện của thế giới.

Nghiên cứu về “Cơ hội năng lượng không carbon ở châu Á - Thái Bình Dương”, GS. Paul Burke chỉ ra rằng năng lượng tái tạo rẻ và là giải pháp tốt khi chúng ta phải đối mặt với thách thức ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Năng lượng sạch này mang đến một con đường rất rõ ràng cho phát triển bền vững và còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đông dân nhất thế giới, là khu vực năng động, kinh tế đang phát triển và rất đa dạng. Hầu hết sự tăng trưởng dự kiến này đều sử dụng năng lượng tái tạo. Bởi nếu mức tăng trưởng này vẫn dựa vào than đá, dầu mỏ, khí đốt thì lượng khí thải lớn và có thể sẽ khiến thế giới phải trải qua mức tăng nhiệt độ >2°C.

Nghiên cứu của GS. Paul Burke cũng khẳng định, Việt Nam thực sự là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi năng lượng, nhanh chóng phát triển năng lượng sạch, hiện hơn 10% sản lượng điện đang sử dụng là điện mặt trời và điện gió.

Ông nói với các học giả quốc tế: “Khi bạn tới Hạ Long hoặc phía Nam, bạn sẽ nhìn thấy ngoài khơi các tua-bin gió đang sản xuất điện. Bạn cũng sẽ thấy một trang trại gió gần bờ ở Đông Hải (tỉnh Trà Vinh) và những trang trại năng lượng mặt trời ở Tây Ninh, hay những tấm pin điện mặt trời trên mái nhà ở TPHCM. Dù Việt Nam còn có nhiều nhà máy thủy điện”.

Theo quan sát của học giả quốc tế Paul Burke, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo, với các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đến năm 2045 tỷ trọng năng lượng tái tạo (bao gồm điện mặt trời, điện gió và cả thủy điện) sẽ chiếm 65-70% trong nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, đối với điện sạch từ nắng và gió dù có tiềm năng nhưng chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu.

GS. Paul Burke nhấn mạnh: “Việt Nam thật hạnh phúc khi có nhiều nắng và gió, may mắn hơn một số quốc gia khác như Singapore vì họ có ít cơ hội hơn về năng lượng sạch. Năng lượng chính là lợi thế kinh tế rất lớn. Tất cả các hoạt động kinh tế của chúng ta đều cần năng lượng ở loại này hay loại khác. Nếu có nguồn điện giá rẻ, nền kinh tế hưởng lợi rất nhiều. Điện mặt trời, điện gió tạo ra năng lượng rất rẻ và sẽ mở ra các hoạt động kinh tế khổng lồ”.

Năng lượng sạch, rẻ cho người sử dụng, nhưng lại đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Do vậy vấn đề quan trọng nhất là làm sao thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này? Thế giới cần một khoản tiền 4.000 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm đạt mức khí thải bằng 0 tới 2050. Còn với Việt Nam, dự tính đến 2030 sẽ cần 12 tỷ USD để đầu tư nguồn điện mới.

Một vấn đề nữa được các học giả nêu lên, đó là giải pháp nào cho những địa phương đang có nhà máy nhiệt điện, khai thác than phục vụ cho nhiệt điện, đó là vấn đề sinh kế cho những người lao động trong những đơn vị này. Do vậy, chính sách đóng một vai trò rất lớn trong việc tăng tốc quá trình chuyển đổi và đảm bảo rằng nó hoạt động để “đèn luôn sáng”.

Bên cạnh đó phải tạo ra những cơ hội cho những địa phương khác nhau, tạo ra những việc làm thay thế phù hợp. Điều rất quan trọng là phải nhớ đến cộng đồng và để họ không bị thiệt thòi trong quá trình chuyển đổi. Để có việc làm mới, ngành nghề mới, khu công nghiệp cũng có thể xây dựng ở khu vực khai thác than cũ.

Các tin khác