Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngày 9-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thành ủy – UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Tại điểm cầu TPHCM, tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và các chuyên gia, nhà khoa học…
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị đã giúp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao thương quốc tế lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, hiện nay vùng đang gặp thách thức, nghiêm trọng nhất là phát triển dưới mức tiềm năng của vùng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước.
Đồng chí Phan Văn Mãi chỉ ra, đó là tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Vai trò đầu mối xuất nhập khẩu suy giảm; hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và thấp hơn so với bình quân của cả nước. Kinh tế của vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của cả nước. TPHCM đóng góp trên 50% vào tăng trưởng của vùng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, TPHCM tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng chung của cả vùng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Một nguyên nhân khác đó là thể chế hiện hành chưa đủ khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết. Trong khi đó, vai trò của Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức. Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên lực kéo thay vì lực đẩy cho phát triển của vùng; trong đó quy hoạch trùng lắp chức năng dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, thiếu liên kết, thiếu phát huy những thế mạnh hỗ trợ phát triển. Hệ thống giao thông đô thị không theo kịp, gây cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa, đó là định hướng chiến lược nhiều tham vọng nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế và chưa có cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư xã hội. Sự phát triển chậm lại của TPHCM trong nhiều lĩnh vực và các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển có tác động lớn đến vùng.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế cũng như không bền vững về lao động và dân số ngày càng gia tăng.
Trước những hạn chế, nguyên nhân trên, Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất một số định hướng chính, đó là nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Việc này là rất quan trọng”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng; bộ máy giúp việc cần có Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng, có tổ giúp việc kể cả tổ tư vấn. “Ở đây cần một cơ chế đồng bộ vượt trội để có thể phát huy được liên kết vùng”, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị.
Bên cạnh đó, đồng chí đề xuất cần có liên kết phát triển giao thông vùng, cả đường bộ từ đường vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối; đường thuỷ phát huy hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ. Đặc biệt kết nối đường thuỷ giữa vùng Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long, kể cả nước bạn Campuchia.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất cần có liên kết phát triển giao thông vùng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng với đó, đầu tư phát triển đường sắt theo quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường sắt, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị thêm, cần tiếp cận triển khai mạng lưới đường sắt kết nối vùng. Đồng thời liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sông ngòi, xử lý chất thải sinh hoạt - công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề xuất, cần phải có đầu tư mạnh hơn để phát huy trung tâm đào tạo nhân lực của vùng cũng như liên kết phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thị trường lao động chung của vùng. Liên kết phát triển hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu vùng kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng. Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, nội dung này cần quan tâm đầu tư thoả đáng cho cơ sở hạ tầng chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu cho vùng.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TPHCM và đầu tư phát triển thành phố để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước. Trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù, vượt trội. Đồng thời đầu tư để TPHCM là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trung tâm chăm sóc sức khoẻ, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế; triển khai chương trình chuyển đổi số TPHCM.
Trước ý kiến vì sao TPHCM cũng như vùng Đông Nam bộ đã có cơ chế riêng rồi vẫn đề nghị có cơ chế đặc thù, vượt trội, Chủ tịch UBND TPHCM giải thích: "Ở đây không phải xin tiền cho người giàu mà chúng ta tăng thêm nguồn lực, điều kiện để TPHCM và vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm tốt vai trò đầu tàu của mình đối với nền kinh tế của cả nước. Từ đây phân bổ nguồn lực cho sự phát triển chung của cả nước".
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM nhìn nhận, việc triển khai Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 vẫn còn nhiều nút thắt về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn lực thực hiện. Một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết chưa đạt như mong đợi; tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng giảm dần. PGS.TS Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng 6,87% nhưng đến giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 5,5%. Trong khi mục tiêu định hướng ở giai đoạn này là 9-10%. Đóng góp thu ngân sách từ 54% (giai đoạn 2006-2010), hiện nay giảm còn 46%, không đạt mục tiêu đề ra là đóng góp 55-60%... Ngoài ra, GRDP bình quân đầu người của vùng cũng không đạt mục tiêu đề ra là gấp 2 lần. |