Chuyên gia hiến kế mô hình chăn nuôi cho Tây Nguyên

(ĐTTCO) - Các giải pháp cho mô hình chăn nuôi hiện đại được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên, tổ chức ngày 30-10, tại Gia Lai.

Hội nghị do Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức cùng với UBND tỉnh Gia Lai. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì tại đầu cầu trực tuyến Hà Nội. Tham dự trực tiếp tại Gia Lai có ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

4df95bd013ebabb5f2fa.jpg
Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên

Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của các đại diện từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Úc (AusCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Nhật (VJBA), Hiệp hội Người Việt Nam ở nước ngoài, các ngân hàng và hơn 100 DN, hợp tác xã.

Khai thác tối đa nguồn lực đầu tư

Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Hùng, Trưởng ban Công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp thực phẩm EuroCham, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết Tây Nguyên, với vị trí địa lý thuận lợi, diện tích đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa và đa dạng sinh học, đang trở thành một trong những vùng đất đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khai thác tối đa do thiếu nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ. Ông Hùng lấy ví dụ từ lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao. Đây không chỉ là đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn là xây dựng một chuỗi giá trị bền vững.

“Chúng tôi chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang các mô hình quy mô lớn, hiện đại, tích hợp công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa năng suất, kiểm soát tốt hơn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Hùng nói.

5db7f5f515cdad93f4dc.jpg
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, các tỉnh Tây Nguyên cần có quy hoạch rõ ràng và nhất quán về vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi

Để dẫn chứng cho nhận định này, ông Hùng chia sẻ thêm về chuỗi dự án DHN, liên doanh giữa Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan). DHN là một ví dụ cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Liên doanh đã triển khai nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên với quy mô lớn. Chẳng hạn, tại Lâm Đồng, DHN có 3 dự án chăn nuôi gà với tổng quy mô 30ha, tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng. Tại Đắk Lắk, DHN có dự án với diện tích 200ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Riêng tại Gia Lai, DHN có dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, hiện đã đạt 60% tiến độ thi công và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 12 năm nay.

DN cần được trợ lực

Chuỗi dự án không chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà còn đặt nền móng cho một mô hình nông nghiệp kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp toàn diện cho Tây Nguyên.

Tuy nhiên, để các dự án này phát triển thuận lợi, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Qua thực tiễn triển khai, vẫn còn nhiều thách thức và trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Với tư duy đổi mới, sự mở rộng đầu tư của các DN hàng đầu, Tây Nguyên có thể chuyển mình từ một nơi vốn tập trung trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su và cà phê để thu hút thêm nhiều DN trong lĩnh vực chăn nuôi".

Từ thực trạng này, ông Hùng đề xuất các địa phương cần có quy hoạch rõ ràng và nhất quán cho các vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi; quy hoạch cần bám sát các tiềm năng và có sự đồng bộ giữa các địa phương, giúp các DN nhìn thấy được hướng phát triển dài hạn, đồng thời đảm bảo việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý.

Tuy nhiên, bản thân DN vẫn phải chủ động tìm ra hướng đi cho riêng mình. Theo ông Hùng, một trong những giải pháp mà DHN triển khai thực hiện là việc đầu tư vào dự án nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn, đi đôi với việc xây dựng các mô hình hợp tác xã.

“Hướng đi này không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung cấp ngô bền vững cho ngành chăn nuôi, mà còn là một chiến lược dài hạn để tăng cường an ninh lương thực và giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu trong nước và quốc tế về ngô đang tăng cao”, ông Hùng nhận định.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Thực tế, đây là cách làm của De Heus tại Việt Nam. Xuất phát điểm là một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hơn 100 năm kinh nghiệm, De Heus nhận ra thực trạng của ngành chăn nuôi Việt Nam. Đó là mỗi năm chúng ta phải chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nguyên nhân một phần bởi nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành.

6f8a3b499d71252f7c60.jpg
Theo nhận định của các chuyên gia, Tây Nguyên đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước

Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu phần nào ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, De Heus phối hợp cùng Bộ NN&PTNT giải quyết thực trạng này thông qua dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng bắp tại khu vực Tây Nguyên. Mô hình này không chỉ giúp bà con cải thiện năng suất, giảm chi phí cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng để cạnh tranh với nguồn ngô nhập khẩu, đảm bảo sinh kế và gia tăng thu nhập.

Tại Gia Lai, với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và khí hậu thuận lợi, là địa điểm lý tưởng cho các loại cây trồng phục vụ nhu cầu này. Trong thời gian tới, đại diện De Heus cho biết sẽ phối hợp với Tổ chức Phát triển hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) xây dựng vùng ngô nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, trên cơ sở phát triển các hợp tác xã tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.

Sự kết hợp các dự án này sẽ phát huy tối đa thế mạnh và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

“Với sự tham gia của các DN quốc tế, Tây Nguyên không chỉ nhận được nguồn vốn mà còn tiếp cận được công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý. Việc tạo ra các liên kết với các đối tác này giúp các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng các chuỗi cung ứng khép kín. Đây cũng là cơ hội để các DN cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Hùng khẳng định.

Các tin khác