Cuba: Cải cách kinh tế cho phép doanh nghiệp nhỏ “mơ” lớn

(ĐTTCO) - Sau hơn 50 năm áp dụng, lệnh cấm đối với các mô hình tư doanh ở Cuba đã được dở bỏ, tạo điều kiện cho nhiều người theo đuổi các dự án kinh doanh đã ấp ủ bấy lâu nay. Cải cách mới trong chính sách kinh tế của Cuba được xem là một trong những bước chuyển mình về kinh tế lớn nhất, kể từ cuộc cách mạng năm 1959 của Fidel Castro. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều năm trở lại đây, Cuba phát triển Du lịch y tế như trụ cột chính của nền kinh tế quốc đảo vùng Caribe. Cùng với các bệnh viện đặc biệt điều trị bệnh riêng cho người ngoại quốc, mỗi năm, hàng ngàn người từ châu Âu, Mỹ Latinh, Canada và Mỹ tới đây để sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế có giá cả thấp hơn tới 80% so với tại Hoa Kỳ. Du lịch trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, những thành tựu của Cuba vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch và nhập khẩu vốn đã trì trệ trong nhiều năm. GDP giảm 11% vào năm 2020 và giảm thêm 2% trong trong 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đã giảm khoảng 40% trong 18 tháng. Năm 2020, Cuba mất khoảng 2,4 tỷ USD doanh thu so với năm 2019 do tác động của đại dịch và các biện pháp phong tỏa giao thương từ Hoa Kỳ.

Điều gì đã ngăn cản bước tiến của Cuba?

Vấn đề then chốt là Nhà nước không thể trả lương đáp ứng nhu cầu của người lao động và hệ thống phân phối hàng hóa luôn bị ám ảnh thường xuyên bởi tình trạng thiếu hụt ngày càng tăng. Khi số lượng hàng hóa phân phối giảm, người dân dần phải quay sang “chợ đen” để có được những sản phẩm căn bản: quần áo, thực phẩm, đồ dùng gia đình, vật dụng chăm sóc sức khoẻ. Tình trạng khan hiếm và mất điện thường xuyên tại Cuba luôn ở mức báo động. Thiếu hụt cũng là lý do dẫn đến lạm phát tại Cuba.

Trong nhiều năm trở lại đây, Cuba đã tích cực thực hiện các kế hoạch cũng như bổ sung thêm nhiều biện pháp để từng bước cải tổ nền kinh tế của mình nhằm tăng xuất khẩu, cắt giảm nhập khẩu và kích cầu trong nước. Điều này đạt được thông qua việc giảm thâm hụt tài khóa và thông qua những thay đổi về cơ cấu như việc ban hành hiệp định Thị trường Nông dân Tự do, hợp pháp hóa tư doanh và chấm dứt hệ thống tiền tệ hai đồng tiền.

Bước đầu xây dựng một nền kinh tế năng động hơn

Trong bước chuyển mình về kinh tế, chính quyền đã tiến hành phê duyệt một số cải cách, tạo tư cách pháp nhân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xóa bỏ tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý. Có thể nói, điểm tích cực trong cải cách này đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tư nhân tại Cuba. Người dân được cho phép mở cửa kinh doanh tại nhà, thay vì bị chi phối bởi mô hình kinh tế tập trung được kiểm soát bởi Nhà nước.

Theo đó, hơn 900 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được thành lập kể từ tháng 9 tham gia vào hệ thống bán buôn của nhà nước, hợp tác với các công ty nhà nước, xuất nhập khẩu, định giá, tìm kiếm các khoản vay và thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chỉ trong môi trường kinh doanh do nhà nước chi phối, nơi các hoạt động này sẽ vẫn được quản lý chặt chẽ.

Ngoài ra, giờ đây các doanh nghiệp mới có thể hoạt động, giao dịch bằng ngoại tệ, nhận tín dụng và kể cả kinh doanh trực tuyến. Chính sách mới đã giúp những người trẻ biết cách làm việc và sẵn sàng làm việc ở Cuba nâng cao khả năng phát triển và mở rộng phạm vi tiếp cận của mình.

Các biện pháp đột phá là một phần quan trọng của cải cách kinh tế do nhà lãnh đạo mới của Cuba, ông Miguel Diaz-Canel thực hiện trong năm ngoái, khi đại dịch và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn của Mỹ đã đẩy nền kinh tế lung lay và thiếu hụt lương thực, thuốc men cùng với các hàng hóa cơ bản khác tới tỷ lệ đáng báo động.

Đó là một bước đi mang tính quyết định, một biện pháp đã được mong đợi từ lâu. Mặc dù những bất cập vẫn còn hiện hữu, thế nhưng các biện pháp đổi mới này đã đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của nền kinh tế Cuba, góp phần cải thiện thu nhập và mức sống của người dân. Ông Ricardo Torres, nhà kinh tế học người Cuba, giáo sư thỉnh giảng tại đại học ở Washington, nhận định “Giờ đây chúng ta có thể nói về việc có một nền kinh tế hỗn hợp. Cuba đang hợp thức hóa tài sản tư nhân và thành lập các hợp tác xã phi nông nghiệp theo cách riêng của họ”.

Chính phủ thông tin rằng không có giới hạn nào về số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ được cấp phép. Cũng không có giới hạn về thời gian và Chính phủ không có kế hoạch ngừng cấp phép khi tiếp cận được các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất định. Cuba hiện đang nỗ lực thành lập hàng trăm thậm chí là hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ để giúp nền kinh tế thoát khỏi tác động tàn khốc của đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch của quốc đảo vùng Caribe này gần như đóng cửa hoàn toàn.

“Nút thắt” nào đã được tháo gỡ?

Chính phủ trước đây chưa công nhận những khái niệm về doanh nhân hay khởi nghiệp. Những “doanh nghiệp” tại Cuba trước đây được gọi là những người tự kinh doanh được cấp giấy phép với các quyền hạn chế hơn nhiều. Cải cách mới giúp cho các doanh nghiệp, lần đầu tiên, chấm dứt tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý đã tồn tại nhiều năm kể từ khi quốc hữu hóa tất cả các doanh nghiệp vào những năm 1960.

Hoạt động tư nhân trước đây chỉ giới hạn trong một danh sách các lĩnh vực do nhà nước quy định, danh sách này hiện đã được mở rộng từ 127 lên hơn 2.000 ngành. Cải cách đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt, góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, khơi nguồn sức mạnh nội lực kinh tế Cuba và tận dụng sức mạnh ngoại lực. Chính phủ cho biết họ dự kiến sẽ phê duyệt thêm hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ trong những tháng tới. Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, các quán ăn được chính phủ trợ cấp sẽ đóng cửa, trở thành hợp tác xã hoặc chuyển thành doanh nghiệp nhà nước với quy mô vừa và nhỏ. Cải cách sẽ mở đường cho sự phân cấp quan trọng đối với một số hoạt động và buộc các hoạt động được trợ cấp phải có lãi hoặc lãi gấp đôi.

Trong trường hợp tốt nhất, các biện pháp này dựa trên chi phí sản xuất và giá bán thông thường, cũng như cho phép sự xuất hiện của các cơ chế bình thường hóa trên thị trường, đã được chứng minh là có hiệu quả. Các doanh nghiệp được phép lựa chọn nhà cung cấp, người mua, trong khuôn khổ tối ưu chẳng hạn như bán hàng trực tiếp, thương lượng giá cả,… Nghĩa là nó đã cố gắng cho phép các nhà kinh doanh thực hiện những gì họ làm trên thị trường: thương lượng và đưa ra quyết định dựa trên những ưu đãi mà họ có; mặc dù vẫn còn theo một cách khá hạn chế.

Cuba vẫn đang tiếp tục công cuộc đổi mới, nỗ lực tháo gỡ khó khăn. Mặc dù cải cách hiện tại vẫn còn rất nhiều lỗ hổng cần phải vượt qua. Các quy định yêu cầu các công ty phải thông qua Nhà nước để tham gia vào hoạt động ngoại thương, cấm các doanh nhân sở hữu nhiều hơn một công ty và giới hạn các công ty cá nhân ở mức 100 nhân viên. Nhưng đây vẫn là một bước đi đáng hoan nghênh đối với nhiều doanh nhân và hầu hết các nhà kinh tế, những người đã kêu gọi cải cách từ lâu. Cuba đang hướng tới một mô hình kinh tế hỗn hợp, ít nhất là về việc làm. Với sự mở cửa này, trong một vài năm tới khu vực ngoài quốc doanh được kỳ vọng sẽ chiếm hơn 50% tổng số việc làm trong nền kinh tế, nhưng vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa.

Các tin khác