Cuộc đua lãi suất
Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng hơn dự đoán và cuộc chiến Nga-Ukraine, đã khiến lạm phát tăng mạnh kỷ lục và có thể kéo dài. Sau khi đã tăng 0,5% vào đầu tháng 5, mới đây NHTW Mỹ (Fed) đã tiếp tục tăng thêm 0,75%. Theo thông cáo báo chí mới nhất từ cuộc họp ngày 15-6, lãi suất điều hành hiện nay trong khoảng 1,5-1,75% và dự đoán lãi suất đến cuối năm 2022 sẽ là 3,4%.
Khi Mỹ rục rịch tăng lãi suất, một số nền kinh tế lớn cũng tăng lãi suất hoặc có kế hoạch sẽ tăng lãi suất. Tính từ lúc Mỹ tăng lãi suất vào tháng 5 đã có các nước như New Zealand, Canada, Australia, Anh, Thụy Sỹ tăng lãi suất chủ yếu ở mức 50 điểm phần trăm (bps). Trong số này, thị trường bị bất ngờ nhất là trường hợp của Thụy Sỹ, với việc tăng lãi suất chỉ 1 ngày sau Mỹ.
Tỷ giá USD/JPY
Một NHTW cũng có ảnh hưởng lớn trên thế giới là NHTW châu Âu (ECB), cũng đã công bố kế hoạch tăng lãi suất từ 1-7 tới, với dự kiến là 25 điểm phần trăm, lần đầu tiên sau 11 năm. Tuy vậy, mức tăng còn có thể thay đổi tùy thuộc vào những cập nhật mới nhất về lạm phát, tăng trưởng và thất nghiệp.
Mặc dù việc tăng lãi suất trong khoảng 25-75 điểm phần trăm, nhưng đối với các nền kinh tế lớn đây là sự thay đổi rất lớn, bởi vì suốt thời gian dài sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, lãi suất ở nhiều nước được duy trì ở mức rất thấp, xoay quanh 0% hoặc thậm chí âm.
Khi nền của lãi suất thấp, mức tăng tuyệt đối 50 điểm phần trăm là rất lớn. Như trường hợp của Mỹ tăng từ 0,83% lên 1,58% có nghĩa tỷ lệ tăng lên đến 90%. Còn trong trường hợp lãi suất chuyển từ âm sang dương, tỷ lệ tăng còn cao hơn nữa.
Quốc Gia | Ngày | Mức tăng (bps) |
Thụy Sỹ | 16-6 | 50 |
Anh | 16-6 | 25 |
Mỹ | 15-6 | 75 |
Australia | 7-6 | 50 |
Canada | 1-6 | 50 |
New Zealand | 25-5 | 50 |
Nguồn: Reuters
Những trận chiến mới
Khi một nền kinh tế mạnh tăng lãi suất, như trong trường hợp này là Mỹ, đồng USD sẽ tăng giá so với những đồng tiền khác, vì sức hút dòng vốn chảy về Mỹ cũng như nhu cầu đồng USD tăng lên.
Một thí dụ rất rõ ràng, là tỷ giá giữa đồng USD và đồng JPY thời gian qua, đặc biệt là từ tháng 3 vừa qua. Đồng USD tăng cao và chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản, đã khiến tỷ giá quay về thời điểm 2002, và có thể quay về kỷ lục của năm 1998.
Việc Mỹ tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá sẽ có tác động không nhỏ đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng như thương mại quốc tế. Các khoản đầu tư sẽ được ưa thích hơn với đơn vị tiền tệ là USD, và những nước xuất khẩu nhận bằng đồng USD sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.
Trong việc cạnh tranh với Mỹ, các nền kinh tế khác thông qua lãi suất và một số công cụ khác như dự trữ ngoại hối, chính sách thu hút đầu tư, cũng phải phản ứng nhanh để tìm vị thế cân bằng mới. Những nước xuất khẩu vào Mỹ hay nhận thanh toán bằng đồng USD sẽ có thêm lợi thế, nhưng đổi lại có thể là thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn.
Việc tăng giá nhanh của đồng USD không chỉ là cơ hội cho một số nước xuất khẩu, còn là cơ hội cho một số đồng tiền bị định giá thấp hơn giá trị thực vì bị vạ lây, đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển. Khi kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo phát triển, những đồng tiền từng bị định giá thấp sẽ trở nên hấp dẫn hơn, dòng vốn đầu tư sẽ tăng mạnh vào những quốc gia này.
Như vậy, việc tăng lãi suất của một số nền kinh tế lớn không chỉ có mục tiêu duy nhất là chống lạm phát. Thông qua việc tăng lãi suất, tỷ giá thay đổi sẽ ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư cũng như xuất nhập khẩu. Nhưng thế giới luôn bị chia cách không chỉ về chính trị mà còn là kinh tế.
Trong khi Mỹ, EU tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, Trung Quốc và Nhật Bản lại duy trì nới lỏng, tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và không coi lạm phát là mối đe dọa lớn. Những xu hướng ngược như thế này có khi lại là tín hiệu tốt cho kinh tế toàn cầu, rằng thế giới còn cơ hội thoát khỏi một cuộc suy thoái kinh tế đang mấp mé xảy ra.
Cuộc đua tăng lãi suất của một số nền kinh tế lớn không chỉ có mục tiêu chống lạm phát, còn tác động đến sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư cũng như xuất nhập khẩu. |