Lạm phát đã làm nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm, trong đó có cả các quốc gia đang là đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Mỹ hay EU. Trong tháng 11 lượng hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường này giảm rõ rệt, dẫn đến một loạt doanh nghiệp (DN) không có đơn đặt hàng, hậu quả nhiều DN đã không có đủ việc làm cho người lao động. Thêm vào đó, chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc cũng tác động mạnh đến Việt Nam. Là bạn hàng lớn của Việt Nam, nên Trung Quốc thực thi chính sách này đã hạn chế nhiều hoạt động đầu tư và thương mại của cả 2 phía Trung Quốc và Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông cộng hưởng với những tác động bất thuận từ bên ngoài sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?
Ông NGUYỄN MINH CƯỜNG: - Điều đó là đương nhiên. Nhưng trước hết, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Đơn cử, sự phối hợp đồng bộ về cả ngành dọc, tức Trung ương tới địa phương, cho tới các ngành ngang, giữa các bộ, ngành với nhau nhiều lúc chưa có sự thống nhất.
Điều này thể hiện qua quá trình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kỳ vọng. Mặc dù Chính phủ đã rất quyết liệt nhằm tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, nhưng để giải quyết được không thể xong trong một sớm, một chiều.
Tiếp đến là các vấn đề của thị trường vốn. Thực tế, thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn hòa nhịp với thị trường tiền tệ. Nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng (NH), nên tín dụng toàn nền kinh tế đang có dấu hiệu ngày càng phình to. Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác như trái phiếu và chứng khoán đang trong quá trình phát triển và cần có thêm thời gian để củng cố và hoàn thiện.
Ông NGUYỄN MINH CƯỜNG.
Cuối cùng là thị trường lao động. Có thể thấy rất rõ, trong bối cảnh thế giới giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm đơn đặt hàng, lập tức nhiều người lao động Việt Nam bị mất việc làm. Điều này đã bộc lộ ra mảng tối khác là các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm lao động trong lĩnh vực không chính thức, hiện chưa được bảo vệ.
Hệ lụy của vấn đề này chúng ta đã thấy vào năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lao động trở về quê hương. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn trong việc đảm bảo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm lao động này, đồng thời gây khó khăn cho các DN trong việc tuyển dụng đủ lao động để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh khi nền kinh tế chuyển sang giai đoạn phục hồi.
- Ông có dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ theo kịch bản nào, cũng như chuẩn bị gì để đối phó?
- Những yếu tố bên ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, và những ảnh hưởng này có thể kéo sang cả năm 2023. Do đó, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 còn phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của tình hình kinh tế thế giới.
Nhưng tôi cho rằng, quý II-2023 lạm phát toàn cầu sẽ có dấu hiệu hạ nhiệt. Lạm phát dự kiến được kiểm soát trong mùa xuân 2023, và có rất ít khả năng nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Đồng thời, năm 2023 Trung Quốc sẽ dần mở cửa trở lại, tạo ra dòng thương mại 2 chiều cho Việt Nam và Trung Quốc. Đây đều là các yếu tố khả quan trong năm 2023.
Tuy nhiên, để nền kinh tế phục hồi ổn định và tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần giải quyết ngay các nút thắt nội tại. Trước mắt, để nền kinh tế hồi phục, phải tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Và để làm được điều này, Việt Nam cần phải khơi thông dòng vốn, nhất là vốn tín dụng NH đối với các lĩnh vực được ưu tiên. Đồng thời, thị trường vốn cũng cần khơi thông lại dòng vốn của thị trường trái phiếu DN và bằng mọi giá thúc đẩy đầu tư công.
Tôi cho rằng, Việt Nam phải dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương, và giữa các bộ, ngành. Cuối cùng là tăng cường các biện pháp an sinh xã hội. Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm chỉ mang tính cục bộ. Quá trình phục hồi xuất khẩu sẽ diễn ra, nhưng không đến nhanh. Do đó, việc triển khai các giải pháp an sinh xã hội tốt sẽ có tác dụng như liều vaccine, hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài có thể xảy ra trong năm 2023.
- Ông đã từng nói gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Chính phủ chỉ mang tính chất tinh thần là chính. Vậy Chính phủ cần có thêm gói hỗ trợ nữa để kích thích nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023?
- Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Chính phủ bao gồm 4 nhóm giải pháp chính, là phát triển kết cấu hạ tầng, tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội. Trong 4 nhóm giải giải pháp này, các chính sách về tài khóa, miễn thuế, giảm thuế đem lại hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt, việc giảm thuế VAT 2% đã tác động tích cực tới cộng đồng DN. Ngược lại, 3 nhóm giải pháp còn lại vẫn chưa có những tác động rõ nét.
Trước hết là chính sách về tiền tệ, thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% và kêu gọi các NHTM chủ động giảm lãi vay để hỗ trợ DN. Thế nhưng, từ đầu quý III, NHNN đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành và tăng lãi suất huy động. Việc đưa lãi vay về mức thấp hơn khó xảy ra. Với chính sách liên quan tới vấn đề an sinh xã hội, còn nhiều người chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Trong khi đó, 1/3 gói hỗ trợ (tương đương 114.000 tỷ đồng) được dành cho việc phát triển hạ tầng, có lẽ kém hiệu quả nhất, bởi lẽ thủ tục hành chính của Việt Nam rất lâu và kéo dài. Riêng việc lập xong danh mục dự án đã mất khoảng 2 năm.
Sau đó phải mất thêm 2-3 năm nữa dự án mới được phê duyệt. Đó là chưa kể các thủ tục khác như chủ chương đầu tư, phải mất thêm vài năm mới xong. Trong khi đó, gói hỗ trợ yêu cầu giải ngân trong 2 năm 2022-2023.
Như vậy, có thể thấy gói hỗ trợ liên quan tới việc phát triển hạ tầng ít khả quan nhất. Đáng lẽ nhóm giải pháp này nên nhập vào đầu tư công và giải ngân theo cách đó là hiệu quả nhất.
Về việc có cần thêm các gói hỗ trợ nữa hay không, quan điểm của tôi là không nên có thêm gói hỗ trợ nữa. Vì khả năng thực hiện có đạt được hay không, khi đưa ra nhiều gói hỗ trợ nhưng không thực hiện được.
Thay vào đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã ban hành, nhất là các giải pháp về tài khóa. Chẳng hạn Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, miễn, giảm thuế cho DN. Chính sách này hiện vẫn còn dư địa rất lớn, bởi NHNN vẫn đang có thặng dư.
- Xin cảm ơn ông.