Điều hành vĩ mô sẽ không “ngọt ngào” như “quả ngọt” vừa hái

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. VŨ TIẾN LỘC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhận xét 2022 là năm bất thường với kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có “quả ngọt”. Nhưng điều đó không có nghĩa việc điều hành vĩ mô sẽ “ngọt ngào” bởi sẽ gặp rất nhiều “quả đắng”.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhận xét của ông về bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam trong 2022?
 TS. VŨ TIẾN LỘC: - Sau 2 năm “ngụp lặn” vì tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã có sự vươn dậy mạnh mẽ. Hầu hết ngành nghề kinh tế đều có sự bứt phá vượt bậc. Nhờ đó, GDP trong quý III ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 13,67%, mức kỷ lục trong vòng 1 thập niên qua.
Nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước, các chuyên gia đều đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm hoàn toàn khả thi.  Kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh chính là “quả ngọt” của các chính sách hỗ trợ linh hoạt của Chính phủ.
Mặc dù đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và mở cửa hoàn toàn kinh tế ngay từ đầu năm, nhưng thế giới đã có những biến động lớn không thể lường trước, như xung đột Nga - Ukraine, “bão” lạm phát, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng, chuỗi cung ứng đứt gãy. Tất cả yếu tố này đều ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, với sự tăng trưởng GDP trong năm 2022, có thể thấy các chính sách điều hành nền kinh tế của Chính phủ đưa ra là hợp lý. 
Trong đó, thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là các nhiệm vụ điều hành kinh tế và là trách nhiệm của Chính phủ. Thứ hai, Chính phủ đã có nỗ lực trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong quá khứ. Đơn cử, với các dự án “đắp chiếu” nhiều năm, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp để làm “sống lại” các dự án này, là nhân tố đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Giải quyết một số vướng mắc liên quan tới thể chế, hệ thống pháp luật, như quyết liệt sửa đổi, tiến tới hoàn thiện Luật Đất đai. Thứ ba, đối phó tương đối thành công các vấn đề mới phát sinh, như tình hình dịch bệnh còn phức tạp, xuất hiện các chủng bệnh mới, hoặc căng thẳng địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều hành vĩ mô sẽ không “ngọt ngào” như “quả ngọt” vừa hái ảnh 1
Tôi cho rằng, với 3 nhiệm vụ Chính phủ đã làm được trong năm 2022 chính là công thức thành công cho các năm sau. Và con số tăng trưởng GDP 13,67% trong quý III từng được xem là “điểm sáng”. Song cũng cần nhìn nhận thực tế, sự tăng trưởng này một phần do xuất phát điểm của năm ngoái thấp.
Quý III-2021 là giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh nhất. Vào thời điểm đó, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm, giảm tới 6,17%. Do đó, sự tăng trưởng này chỉ mang tính chất cục bộ. Mặt khác, do quý III-2022 ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, điều này sẽ tạo áp lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế quý III năm sau.
- Theo ông, đến thời điểm này hiệu quả của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng đã tiêu đến đâu?
- Từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng tập chung vào 3 nhóm chính tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này được ban hành vào thời điểm thế giới chưa phức tạp như hiện nay. Do đó, khi thế giới nảy sinh các vấn đề mới, nhiều giải pháp hỗ trợ chưa thực sự đem lại hiệu quả cho DN.
Đơn cử, việc khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch. Nhưng sau 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của NHNN, việc các NHTM giảm lãi suất là điều gần như không thể. Các chính sách tiền tệ đang ở thế khó, nhưng các chính sách tài khóa đang có rất nhiều dư địa và phải cật lực sử dụng tốt giải pháp này, để tạo ra bàn đạp cho kinh tế tăng trưởng trong năm 2023. 
Song theo báo cáo của Chính phủ, tính tới cuối tháng 10 chúng ta mới sử dụng được khoảng 20% gói hỗ trợ. Con số 80% còn lại của gói hỗ trợ này chính là dư địa cho chúng ta, nếu biết sử dụng có hiệu quả.
- Ông nhận định thế nào về những thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023?
- Những biến động từ thế giới vẫn sẽ là thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Trong bối cảnh chung của thế giới, dự báo của các tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra đều kém lạc quan hơn, kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có thể sẽ tiếp tục suy giảm. Trong đó, lạm phát là thách thức lớn nhất làm suy giảm nhịp độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, làm giảm lực cầu tiêu dùng ở nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia là đối tác thương mại chiến lược với Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Trong trường hợp tổng cầu tiêu dùng của thế giới giảm, chắc chắn ngành xuất nhập khẩu sẽ chịu thiệt hại. Người dân tại quốc gia nhập khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản đều đang có xu hướng hạn chế tiêu dùng. Khi nhu cầu giảm, các quốc gia này sẽ hạn chế nhập khẩu hàng hóa, như vậy sẽ làm “vỡ” kế hoạch xuất khẩu của chúng ta, tác động trực tiếp vào GDP, tác động vào năng lực sản xuất và ảnh hưởng tới việc làm của hàng trăm ngàn công nhân. 
Do đó, năm 2023, để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như những năm trước là nhiệm vụ rất khó. Như vậy, 2 mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế Việt Nam là xuất nhập khẩu và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều đang đứng trước rất nhiều thách thức trong năm 2023. 
- Bức tranh kinh tế vĩ mô năm tới sẽ dự báo theo kịch bản nào, thưa ông?
- Tôi cho rằng sẽ có 2 kịch bản về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Trong trường hợp kinh tế thế giới vẫn có diễn biến như hiện nay, không có chiều hướng xấu thêm, có thể kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nhịp tăng trưởng như năm 2022, dao động trong khoảng 6-7%.
Nhưng nếu theo chiều hướng ngược lại, thế giới tiếp tục đối mặt với các thông tin tiêu cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dưới ngưỡng kỳ vọng. Tôi tin rằng, dù đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn, thế nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ giữ được nhịp tăng trưởng. Còn mức tăng trưởng như thế nào phụ thuộc vào chính chúng ta, vào cách điều hành của Chính phủ.
Thế giới vẫn đánh giá Việt Nam là một trong những “điểm sáng” đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều chính sách hấp dẫn thu hút dòng vốn nước ngoài, chính trị nước ta cũng ổn định, nhân công dồi dào và rẻ… Thực tế đã chứng minh ngày càng có nhiều “đại bàng” lựa chọn Việt Nam làm “tổ”, đây cũng là điều tích cực.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác