Đến nay Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện, không bàn lùi. Bởi nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay sẽ ảnh hưởng tới cân đối ngân sách, nợ công, đầu tư phát triển… và xa hơn, sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung giai đoạn 2016-2020; thậm chí có thể đẩy nền kinh tế nước ta vào thế tụt hậu với khoảng cách lớn hơn trong tiến trình hội nhập.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết công việc được giao một cách quyết liệt; không để “tuột tay” mục tiêu, chỉ tiêu đã được phân công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương người đứng đầu. Quan điểm xuyết suốt của Thủ tướng là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo và phục vụ…
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trên đã thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành và địa phương, góp phần vào tăng trưởng chung mà kết quả rõ nhất là GDP quý II-2017 đạt mức khá, đưa tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,73%. Đó là dấu hiệu tích cực nhưng vẫn chưa như mong đợi. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm, 6 tháng còn lại phải đạt được mục tiêu 7,4%.
“Đáp án” được Chính phủ đưa ra là Bộ Kế hoạch-Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP. Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20%. Bộ Tài chính chỉ đạo giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%. GDP ngành nông nghiệp tăng 3% trong năm nay, xuất khẩu đạt kim ngạch trên 33 tỷ USD…
Vấn đề đặt ra là các giải pháp trên đã căn cơ, bảo đảm đưa nước ta vào lộ trình phát triển bền vững chưa? Ngay phiên họp đầu tiên của Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, các chuyên gia đã khuyến nghị với Thủ tướng: Động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên.
Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng cao sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Những chuyên gia kinh tế hàng đầu các lĩnh vực còn nhận định: Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế như tiết kiệm, đầu tư và cán cân thanh toán; cân đối ngân sách, tiền tệ… đều đã tiệm cận giới hạn. Để phát triển cần tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, thấy rõ hiệu quả.
TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nêu ý kiến: Đây là việc làm cấp bách, phải chạy đua với thời gian. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để tạo sự chuyển động nền kinh tế, ta sẽ không đạt được những mục tiêu chủ yếu đặt ra tại Đại hội XII.
Như vậy, để tăng tốc phát triển, vấn đề không chỉ nhìn ở tầm xa: Hiệp định TPP đổ vỡ, tăng trưởng toàn cầu giảm do nhiều biến động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ chèn ép các nước kém phát triển…, mà lại là những khuyết tật và yếu kém nội tại cố hữu, muốn tiến lên ta phải vượt qua thách thức từ chính mình.
“Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng, vì bối cảnh hội nhập làm thay đổi cục diện kinh tế. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, hoặc tăng sản lượng khai thác tài nguyên… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những thành quả cải cách trước đây” - ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, bày tỏ.
Nhìn vào bức tranh xuất khẩu đầu năm đến nay ta vẫn đạt mức tăng trưởng khá, nhưng đi vào phân tích, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI, đã chiếm đến 70,5%. Vậy doanh nghiệp Việt Nam giữ vị thế nào trong nền kinh tế? Cục diện thực tế cho thấy nhân tố quyết định nước ta có đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai hay không sẽ phụ thuộc vào việc ta có cải thiện được mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng của mình hay không, thay vì dựa vào bên ngoài.
Thách thức của rào cản nội tại là ta vẫn đang loay hoay trước các yếu kém đã nhìn thấy, nhưng chưa xoay chuyển được một cách rõ nét: Về tái cơ cấu nền kinh tế, thời gian qua chỉ mới dừng ở các nghị quyết và chỉ đạo từ cấp trên, còn quá trình thực thi diễn ra rất chậm chạp, thiếu tính hệ thống và nếu không có những biện pháp thực hiện quyết liệt rất khó đạt được những kết quả thực chất. Có thể nói quá trình tái cơ cấu kinh tế nước ta đến nay vẫn chưa tạo được động lực mới để phát triển.
Tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư kinh doanh là một chủ trương xuyên suốt của Nhà nước nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa tương ứng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhận xét: Người dân và doanh nghiệp vẫn “kêu ca” rất nhiều do thủ tục hành chính còn rườm rà, rắc rối kéo dài. Về chủ trương giảm phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, ở nhiều nơi việc triển khai còn thiếu kiên quyết, “thiếu lửa”, cầm chừng. Thậm chí một bộ phận cán bộ còn để tai tiếng do tham nhũng, lợi ích nhóm.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi động lại Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để thúc đẩy rà soát quy định về điều kiện kinh doanh, với sứ mệnh tiến hành “mổ xẻ” 5.000 giấy phép con đang tồn tại hiện nay đang làm bó tay doanh nghiệp.
Mục tiêu mới của cải cách hành chính và thể chế không còn nhìn vào các nước nhóm ASEAN 4, mà Chính phủ yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD, để đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế kinh doanh.
OECD là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế bao gồm các nước có nền kinh tế phát triển cao ở châu Mỹ, châu Âu - được coi là tổ chức đặt ra được tiêu chí chuẩn mực nhất về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong nền kinh tế thị trường. Tiến đến được chuẩn mực này, ta sẽ thoát ra khỏi rừng văn bản lắt léo của các bộ, ngành đặt ra để khẳng định quyền lực xin-cho của mình, chứ thực chất không để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý.
Cộng đồng doanh nghiệp, người dân kỳ vọng với quyết tâm cải cách, đột phá vào các rào cản nội tại sẽ tạo cơ hội, hưng phấn cho hoạt động khởi nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc đầu tư kinh doanh; vừa đánh thức tiềm năng xã hội còn ẩn giấu, vừa hướng đến tăng trưởng kinh tế lành mạnh, vững bền.