Vì vậy, để đi đến thắng lợi kép của cả nước trong năm 2020, “vừa chống dịch thành công, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội”, thì vai trò của đầu tàu kinh tế TPHCM vô cùng quan trọng.
Để đoàn tàu không dừng lại thì đầu tàu không thể chậm, thậm chí càng phải đẩy mạnh động lực, dù trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn.
Tròn một năm Covid
Cách nay đúng một năm, đầu tháng 4 - 2020, hơn 97 triệu dân Việt Nam bắt đầu thực hiện nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày để chống dịch Covid-19.
Trước đó đúng một tuần, ngày 27 - 3, trong nội dung Chỉ thị 15, Chính phủ đã thể hiện một quan điểm chống dịch vô cùng quan trọng: “chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng”.
Tại thời điểm đó, lựa chọn giữa sức khỏe và kinh tế là một bài toán cân não về chính sách của hầu hết các quốc gia trên thế giới, khi mà sự đáng sợ của Covid-19 chưa bộc lộ một cách đầy đủ.
Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ và EU đã phạm sai lầm nghiêm trọng và phải trả một cái giá quá đắt, khi đã lựa chọn duy trì các hoạt động kinh tế như bình thường và chấp nhận đương đầu với dịch bệnh theo phương châm “miễn dịch cộng đồng”.
Quyết định đó ngay lập tức đã tạo ra những hệ lụy khủng khiếp, sự lây nhiễm đã diễn ra chóng mặt, số người chết tăng cao và nền kinh tế gần như tê liệt. Quan trọng hơn, các quốc gia này đã để lỡ mất thời cơ vàng để khoanh vùng, khống chế lây nhiễm và dập dịch hiệu quả.
Cho đến bây giờ, hơn một năm sau thời điểm dịch bùng phát, ngay khi vaccine đã được thực hiện tiêm chủng cộng đồng thì các ổ dịch ở những quốc gia này vẫn cứ âm ỉ, chập chờn như những bóng ma.
Nhắc lại điều này để thấy rằng, quan điểm lựa chọn sức khỏe và tính mạng của người dân ngay khi dịch bùng phát một năm trước là nguyên nhân then chốt để mang lại thắng lợi kép cho Việt Nam, vừa chống dịch thành công, bảo vệ sức khỏe toàn dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2020 khép lại với bản đồ tăng trưởng kinh tế của thế giới nhuộm trong sắc đỏ của suy thoái, chỉ một vài đốm xanh hiếm hoi là các quốc gia vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế của cả nước trong năm 2020 là 2,94%, mặc dù là tốc độ tăng thấp nhất trong vài chục năm qua, nhưng là một thành quả kinh tế đáng mơ ước của nhiều chính phủ trên thế giới.
TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
Để đi đến thắng lợi kép của cả nước trong năm 2020, “vừa chống dịch thành công, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội”, thì vai trò của đầu tàu kinh tế TPHCM vô cùng quan trọng. Để đoàn tàu không dừng lại thì đầu tàu không thể chậm, thậm chí càng phải đẩy mạnh động lực, dù trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn. |
Sau đợt dịch đầu tiên bùng phát và cả nước phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì TPHCM đã có hơn 5.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tương ứng với con số này là hàng trăm ngàn lao động đã mất việc làm và thu nhập.
Bên cạnh các nguy cơ bất ổn về mặt xã hội, thì việc người lao động phải tự thân tìm kiếm sinh kế sẽ dẫn đến việc kém năng suất và khó khăn cho doanh nghiệp khi cần khôi phục lại hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực giải trí và du lịch chiếm tỷ trọng rất cao trong cấu trúc kinh tế của TPHCM, quá trình giãn cách hay hạn chế các hoạt động kinh tế tác động rất mạnh lên thành quả kinh tế của TP.
Một số “dịch vụ không thực sự cần thiết” cho cuộc sống của người dân nhưng đôi khi lại là lĩnh vực rất cần thiết cho nguồn thu ngân sách và hoạt động kinh tế nói chung của TPHCM.
Việc bùng dịch đợt hai vào tháng 7 như một cú đấm bồi vào cơ thể ốm yếu của nền kinh tế vừa chớm phục hồi. Không được bao lâu, 4 trường hợp lây nhiễm cộng đồng tại TPHCM ngay thời điểm đầu tháng 12 đã cuốn trôi tất cả hy vọng ít ỏi còn sót lại của các hoạt động vui chơi nhộn nhịp của mùa lễ hội cuối năm sẽ tạo động lực cho phục hồi kinh tế.
Nhiều dự định kinh doanh, đầu tư cho đến du lịch, nghỉ ngơi và thăm viếng đều bị hoãn lại. Du lịch, ngành công nghiệp vốn hốt bạc nhiều nhất trong dịp lễ tết một lần nữa bị giáng một đòn đau. Tâm lý thất vọng và ngao ngán sự bất định do Covid-19 của mọi người đã bị thử thách quá nhiều lần.
Nhưng với vai trò của một đầu tàu kinh tế, Chính quyền của TPHCM đã luôn có những nỗ lực vượt bậc, giải pháp thiết thực, hiệu quả và được triển khai quyết liệt để đảm bảo giành được thắng lợi kép.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhìn nhận năm 2020 là năm khó khăn nhất khi lần đầu tiên kinh tế TPHCM tăng trưởng 1,39% và có trên 32.000 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, nhưng TP cũng đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn, đảm bảo thực hiện 100% kế hoạch đề ra với số tiền hơn 600 tỷ đồng; xử lý gia hạn hơn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; gia hạn hơn 200 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của các hộ kinh doanh.
Quyết liệt, khẩn trương và triệt để trong phòng dịch, chống dịch và dập dịch, giữ tư duy thời chiến, trên tinh thần “không chủ quan nhưng cũng không hoang mang” đã giúp Chính quyền và Nhân dân TPHCM luôn đạt được các thành quả quan trọng trong suốt hơn một năm Covid hoành hành.
Các biện pháp chống dịch liên tục được cải tiến, rút kinh nghiệm và hoàn thiện, đảm bảo tính hiệu quả trong khoanh vùng, dập dịch, khống chế số ca lây nhiễm trong tầm kiểm soát nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế chung của toàn TP.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng vẫn được duy trì, mặc dù chậm lại. Tất cả các động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ chân người lao động, thậm chí là tìm kiếm thu hút vốn đầu tư vẫn được quyết liệt triển khai và kiểm soát tốt tình hình.
Kết quả đã mang lại nhiều điểm sáng trong kinh tế của TPHCM mặc dù năm 2020 vô cùng khó khăn. Xuất khẩu vẫn đạt hơn 44 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 4 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động nhưng cũng có hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đặc biệt có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ảnh minh họa.
2021: Xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư
3 tháng đầu năm 2021, kinh tế TPHCM đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng rất nặng nề do 3 nguồn lây nhiễm Covid-19 từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhưng nhờ áp dụng Chỉ thị 16 một cách khéo léo, hiệu quả và làm quyết liệt nên đã hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên kinh tế của TP, trừ một số ngành dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề.
Đặc biệt thu ngân sách của TPHCM trong 2 tháng đầu năm đã đạt hơn 74.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dự toán thu ngân sách của cả năm 2021, tương đương một ngày TP thu được 2.900 tỷ đồng, gấp đôi số phải thu một ngày trong năm nay.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác cũng có mức tăng trưởng khả quan hơn so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 4,7%, thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 11%, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, tăng 25%, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Có lẽ hơi sớm nhưng cũng có thể nói, những chuyển biến tích cực nêu trên dường như báo hiệu một xu hướng thích nghi tốt hơn trong thói quen sinh hoạt, học tập, làm ăn và vui chơi giải trí của người dân TP với một “trạng thái bình thường mới”.
Covid-19 như một bài kiểm tra khắc nghiệt, một lần nữa thử thách ý chí, lòng kiên định và khả năng linh hoạt ứng phó của những con người vốn trưởng thành từ một vùng đất có lịch sử hình thành từ công cuộc khai hoang.
Sáng 31-12-2020, chính quyền TPHCM đã chính thức công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, về việc thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM. Thủ Đức sẽ là một TP kinh tế tri thức, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, đóng vai trò động lực đột phá phát triển kinh tế của TPHCM.
Để đảm đương sứ mệnh này, bên cạnh các nền tảng hạ tầng sẵn có hiện nay như Khu Công nghệ cao, Làng Đại học, khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực… trong thời gian tới TP Thủ Đức cần tiếp tục đầu tư các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng như Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Công viên phần mềm Quang Trung TP Thủ Đức; Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN; Trung tâm Triển lãm Hội chợ quốc tế; Khu liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc và các hạ tầng đô thị khác.
Vì vậy nhu cầu về nguồn vốn đầu tư sẽ rất lớn và được xem là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong năm 2021. Và chính thành quả từ ổn định kinh tế - xã hội nhờ chống dịch thành công, tổ chức sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt thích ứng với điều kiện bất định do dịch bệnh, sẽ giúp TP cải thiện mạnh mẽ chất lượng của môi trường đầu tư.
Môi trường đầu tư an toàn và hiệu quả càng giúp TP thu hút mạnh các dòng vốn chảy vào. Trong đó TP Thủ Đức sẽ đóng vai trò là một trung tâm thu hút dòng vốn đầu tư cho hạ tầng đô thị, không gian sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế.
Nếu động lực chính để tạo ra chuyển động và tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 đã được chỉ rõ trong Nghị quyết của Đại hội XIII là dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì đầu tàu TPHCM càng phải tiên phong đổi mới và đạt được các mục tiêu này.
Thu hút vốn đầu tư, phát triển chính quyền đô thị để đảm bảo xây dựng và điều hành thành công TP Thủ Đức cũng chính là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội trong 5 năm tới của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.