Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, năm 2022 có nhiều khó khăn nhưng hoạt động phục hồi phát triển kinh tế của TPHCM cũng rất tích cực và hiệu quả. Điều này đến từ nhiều phía, trong đó, sự chủ động năng động sáng tạo của người dân, DN đó là yếu tố đầu tiên quyết định. Tuy nhiên, sự đồng hành của NH để đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, sự đồng hành của các cơ quan nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn là điều kiện cũng rất quan trọng tạo ra kết quả phục hồi và phát triển năm qua.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng chia sẻ: “Các khó khăn phát sinh năm 2022 được các cơ quan quản lý Trung ương, các chuyên gia nhận định là sự cố gần như chưa có trong tiền lệ. Đến lúc này, chúng ta chưa giải quyết hết các hệ luỵ, tuy nhiên chúng ta đã vượt qua thời khắc “cấp cứu”, đang “hồi sức” tương đối và vượt qua giai đoạn “hồi sức” sẽ phục hồi. Vì vậy, thời gian qua rất khó khăn và khó khăn sẽ còn tác động dài hơn nhưng UBND TP, các sở ngành TP cũng sẽ có trách nhiệm đồng hành với ngành NH để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, để phục hồi tốt hơn.”
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM đã đề nghị với NHNN và NHNN chi nhánh TPHCM một số vấn đề. Thứ nhất, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên rất mong muốn NHNN và các NHTM có định hướng để hoạt động của NH trên địa bàn TP sẽ tập trung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, ngành NH vừa thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa bị ảnh hưởng bởi một số vụ việc xảy ra do không chặt chẽ về kỷ cương dẫn đến sai phạm nên đã có lúc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Việc kiểm soát tiền để kiểm soát lạm phát là phù hợp nhưng tiền phải chảy vào nơi cần. Hơn ai hết, từng NHTM hiểu được khách hàng, dự án và hiệu quả sử dụng vốn, vì vậy phía TP mong NHNN thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt chặt chẽ nhưng đúng trọng tâm, tiền đến nơi cần để hoạt động kinh tế trên địa bàn TP được duy trì ở mức phù hợp.
Đồng thời, ngành NH đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng tập trung cho đối tượng công nhân và sinh viên để đảm bảo an sinh cũng như đảm bảo an ninh và từ đó hạn chế hoạt động tín dụng đen. TPHCM đặt chỉ tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35%. Trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, phần ngoài ngân sách tức là đầu tư của khối DN và chi tiêu cá nhân rất lớn. Khi các NH tham gia để đưa vốn vào hoạt động kinh tế của TP thông qua sản xuất kinh doanh và tín dụng tiêu dùng cho sinh viên, công nhân tăng tỷ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP.
Thứ hai, TPHCM mong muốn NHNN và đặc biệt hệ thống NH trên địa bàn tham gia để phát huy trung tâm tài chính (TTCC) hiện hữu. Đè án phát triển TTTC quốc tế tại TPHCM đã được nói đến nhiều nhưng việc này nếu hoàn thiện vẫn cần một thời gian nữa. Do đó, việc củng cố phát huy TTTC hiện hữu cần phải làm, một mặt khai thác phát huy những gì đang có, một mặt khai thác tiền đề cho TTTC sau này. TPHCM cũng sẵn sàng nhận thí điểm nội dung mới. Chẳng hạn, vấn đề tiền số và các vấn đề liên quan NHNN cũng đang tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định hay cá vấn đề mới về cơ chế, mô hình, TPHCM cũng muốn được nhận để thí điểm.
Thứ ba, Chủ tịch UBND TP đề nghị NHNN chi nhánh TPHCM có cơ chế tư vấn về tài chính tiền tệ cho lãnh đạo TP thông qua việc có thể thành lập Hội đồng gồm các chuyên gia, nhà quản lý. Định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, Hội đồng này có những nhận định đánh giá góp ý với lãnh đạo TP về tài chính tiền tệ để kịp thời phản ứng với các vấn đề đang xảy ra và qua đó có thể đóng góp với Trung ương.
Theo Báo cáo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong năm 2022, tín dụng của ngành NH trên địa bàn TPHCM tăng 14% so với cuối năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm gần đây (năm 2021 tăng 11,86%, năm 2020 tăng 10,35%, năm 2019 tăng 13,67%). Tỷ lệ nợ cho vay trên nguồn vốn huy động của ngành NH trên địa bàn thành phố xấp xỉ 100%. Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ trọng tâm.
Định hướng năm 2023, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ tập trung 3 nhóm nhiệm vụ. Một là đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động NH trên địa bàn tăng trưởng và phát triển theo định hướng điều hành của NHNN, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ 2023. Hai là thực hiện nhóm nhiệm vụ về tăng trưởng và phát triển bền vững thông qua việc tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại lại các TCTD trên địa bàn. Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.