“Điểm mặt” dự án đóng băng để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

(ĐTTCO) - Chiều 26-8, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, quận huyện về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020. 

 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Hội nghị đã bàn tiến độ từng dự án, phân tích, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, hội nghị cũng bàn cách hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế, thu và nuôi dưỡng nguồn thu…

“Sở nào trì trệ, điện thoại cho tôi!”

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp. Mặc dù đã qua 8 tháng nhưng tỷ lệ giải ngân của TPHCM mới đạt hơn 50% (giải ngân được 21.200 tỷ đồng trong tổng chỉ tiêu được giao năm 2020 là 42.000 tỷ đồng). Số tiền giải ngân này cao hơn giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm trước.

“Tuy nhiên, đừng lấy đó làm thành tích mà hãy xác định rằng, công tác giải ngân mới đạt nửa chặng đường trong khi thời gian đã chiếm 2/3 của năm. Hơn nữa, phải hiểu rằng năm nay là năm đặc biệt, năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020 nhưng do tác động mạnh mẽ bởi dịch nên TP xác định dùng giải pháp đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tổng cầu, giải quyết việc làm, mang tính quyết định tác động mạnh đến nền kinh tế”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.

“Điểm mặt” dự án đóng băng để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Quang cảnh cuộc họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 
và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Với những lo lắng đó, cuộc họp đã “điểm mặt” từng dự án chậm trễ và cùng phân tích, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, 8 tháng qua nhiều đơn vị giải ngân chậm như UBND quận 2 chỉ mới giải ngân đạt 47%; Nhà Bè, quận 5, quận 9 chỉ 46%; quận 4 chỉ 31%...

Nguyên nhân các dự án chậm giải ngân chủ yếu là do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất chậm do các đơn vị phải làm việc với từng sở (Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở QH-KT); vướng phê duyệt giá bồi thường và giá tái định cư vì phải chờ đợi nhiều sở ngành, khi Sở Xây dựng thẩm định giá tái định cư thì Sở TN-MT bắt làm lại chứng thư bồi thường...

Điển hình là quận 9 có 38 dự án dở dang do vướng giá bồi thường và giá tái định cư. Từ đó, các quận huyện đề nghị hội đồng thẩm định xử lý hồ sơ giá bồi thường trước rồi xác định giá tái định cư sau (vì tái định cư chỉ chiếm 5%-10% vốn) để đẩy nhanh tiến độ.

Xung quanh vướng về phê duyệt giá này, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết, theo quy định mới, Sở TN-MT và Sở Xây dựng sẽ duyệt theo quy trình một giá thì thời gian rút ngắn còn 90 ngày (trước là 120 ngày) và hiện nay sở đã trình 55 dự án cho UBND duyệt giá.

Đối với các dự án chậm tiến độ do vướng bồi thường trong dân hoặc do vướng thủ tục ở bộ ngành khiến tiến độ giải ngân chậm, Chủ tịch UBND TP cho rằng, nguyên nhân là do năng lực quản lý kém, khả năng phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng giữa ban ngành và quận huyện không tốt; năng lực tiêu thụ vốn kém, khi phân bổ vốn không tính toán trước được những khó khăn đó.

Để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị phải rà soát lại các dự án chậm triển khai để đề nghị Sở KH-ĐT điều chỉnh vốn sang các dự án khác. Những dự án có khả năng thực hiện mà vướng mắc thì báo cáo UBND TP để chỉ đạo tháo gỡ, không ngồi chờ nhau. Do vậy, nhiều đơn vị quận huyện đã cam kết đến cuối tháng 10 tỷ lệ giải ngân đạt 80%, đến cuối năm đạt 99%.

Phân theo nhóm để giải quyết

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TPHCM, chỉ còn 20 tuần nữa là hết năm nhưng TP phải thực hiện khối lượng giải ngân đến 49%, như vậy trung bình mỗi tuần đòi hỏi phải giải ngân 900 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay tốc độ giải ngân trung bình chỉ khoảng 500 tỷ đồng/tuần, có nghĩa là TP phải nỗ lực gấp đôi.

Giải pháp để tăng tốc được các sở ngành, đơn vị đề xuất là công khai danh sách dự án chậm giải ngân; lãnh đạo TP tăng cường kiểm tra đột xuất, gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn; xác định trách nhiệm người đứng đầu, nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân thì không đạt chỉ tiêu thi đua cuối năm; đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy trình rút ngắn…

Đồng ý với các giải pháp này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo trước mắt những dự án hoàn thành khối lượng công trình thì làm nhanh thủ tục quyết toán; những dự án nào không khả thi thì Sở KH-ĐT điều chuyển vốn cho dự án khác. Phải hệ thống thành từng nhóm vướng mắc (nhóm vướng giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục…) để kiến nghị tháo gỡ nhanh. Từ nay đến cuối năm phải đạt được chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã được HĐND TP thông qua. 

Tình hình thu ngân sách cũng đang là vấn đề “nóng”, bởi theo báo cáo của Sở Tài chính, chỉ tiêu thu cả năm là 405.800 tỷ đồng nhưng trong 8 tháng chỉ mới thu được 216.000 tỷ đồng, tương đương 53%. Trung bình mỗi ngày TPHCM chỉ thu được hơn 1.320 tỷ đồng, chỉ bằng 81% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, theo dự báo của Cục Thuế TPHCM, năm 2020 tỷ lệ thu chỉ ước đạt 83% dự toán. Nguyên nhân, trong 7 tháng chỉ có 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10%, vốn đăng ký cũng thấp hơn so với cùng kỳ trong khi có đến 21.200 doanh nghiệp giải thể, ngưng, nghỉ, giảm vốn đăng ký vào nền kinh tế 126.000 tỷ đồng.

Cục Thuế TPHCM cho rằng sẽ thu hồi dứt nợ đọng của những năm trước, khoảng 13.000 tỷ; tránh lợi dụng chính sách ưu đãi để tránh nộp thuế; tập trung các khoản thu từ đất, vì hiện nay có nhiều chủ đầu tư muốn nộp tiền sử dụng đất nhưng vướng thủ tục ở Sở TN-MT… 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, bên cạnh các giải pháp thu thì giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu là rất quan trọng. Do vậy, phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, hạn chế doanh nghiệp phá sản. Phải tính nhiều giải pháp hỗ trợ cả bằng tiền lẫn chính sách để doanh nghiệp phát triển.

Các tin khác