Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương 3 năm liền vượt 200 tỷ USD. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng nông sản Việt Nam, trong đó có sầu riêng.
Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ năm 2022, và kim ngạch năm 2023 đã đạt 2,3 tỷ USD. Dừa tươi Việt Nam cũng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 10-2024, đã có mặt trên bàn ăn của các gia đình Trung Quốc.
Trong năm 2024, tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc đã 3 lần lập kỷ lục về khối lượng hàng hóa vận chuyển trong một tháng. Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng đường sắt xuyên biên giới, góp phần thúc đẩy kết nối trong khu vực.
Giao lưu nhân dân giữa hai nước có triển vọng rất lớn, có thể nói là điểm tăng trưởng tiềm tàng trong quan hệ song phương. Khoảng 23.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc, gấp 2 lần so với khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Về du lịch, năm 2024, Việt Nam đón khoảng 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc (tăng 114,4%). Mỗi tuần giữa hai nước đều có hơn 200 chuyến bay khứ hồi.
Tất nhiên, hai nước không thể tránh khỏi một số vấn đề trong thúc đẩy hợp tác, song chắc chắn sẽ xử lý thỏa đáng nếu có lòng tin, sự kiên nhẫn và quyết tâm.
Trong các cuộc gặp gỡ và hội đàm cấp cao trong năm 2024, hai bên tiếp tục mở rộng miếng bánh hợp tác kinh tế, thương mại. Đặc biệt, hai nước đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc “kết nối cứng” của đường sắt, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng cảng, và “kết nối mềm” như mô hình hải quan thông minh.
Về việc xây dựng 3 tuyến đường sắt ở miền Bắc Việt Nam đang thu hút quan tâm nhất cũng đã đạt được một số tiến triển tích cực. Hiện nay, quy hoạch, chuẩn bị tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành, đồng thời đang tích cực xúc tiến quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Sự tiến bộ của kết nối mềm và cứng như xây dựng đường sắt xuyên biên giới, sẽ giúp Việt Nam mở ra hành lang kinh tế kết nối từ Trung Quốc đến Trung Á, thậm chí đến châu Âu, biến biên giới phía Bắc Việt Nam từ khu vực nội địa kín nay thành cửa ngõ rộng mở.
Tôi tin rằng, Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn sẽ học hỏi lẫn nhau để cùng nhau tiến nhanh và tiến xa về phía trước, không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực.
Việt Nam sở hữu vị trí và vị thế rất đặc biệt và có ưu thế, khi nằm ở cửa ngõ trong hệ thống tuần hoàn kép trong nước và quốc tế của Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế Việt Nam thực hiện chuyển đổi sâu sắc.
Ưu thế về chuỗi ngành nghề sẽ mang lại cơ hội hợp tác cho Việt Nam, khi Trung Quốc tới nay là nước duy nhất có mọi loại hình công nghiệp. Việt Nam và Trung Quốc có lợi thế địa lý núi sông cùng một dải, các ngành nghề ở hai nước đồng nhất và bổ sung lẫn nhau.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội phát triển cho Việt Nam. Trong năm 2024, số lượng dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam xếp thứ nhất (chiếm 28,3%). Doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư và xây dựng khoảng 70 dự án điện gió tại Việt Nam, chiếm 60% tổng công suất điện gió. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư sang Việt Nam gần 100 dự án nhà máy điện mặt trời, chiếm 50% tổng công suất nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam.
Với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, tôi tin rằng hai nước sẽ tiếp tục tiến lên. Việt Nam và Trung Quốc là bạn đồng hành, đối tác tốt trên con đường đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, có thể tạo ra nhiều thành quả hiện đại hóa mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.