Liệu lần này Mỹ cần phải xem xét lại có tiếp tục định danh một số đối tác thương mại chính, trong đó có Việt Nam, là nước thao túng tiền tệ hay không?
Vẫn biết bị ép nhưng ông Biden sẽ khó buông
Đây sẽ là động thái được giới quan sát quan tâm, vì nó phản ánh hai điều. Thứ nhất, liệu chính sách thương mại của Mỹ có chuyển biến theo hướng bỏ đi cách tiếp cận bảo hộ thương mại quá mức của chính quyền Donald Trump và chuyển theo hướng mềm mỏng hơn hay không.
Thứ hai, người ta muốn nhìn nhận xem góc nhìn của Bộ Tài chính dưới sự dẫn dắt của bà Janet Yellen có cởi mở hơn trong cách đánh giá liệu một quốc gia có vi phạm các tiêu chí thao túng tiền tệ của Mỹ hay không.
Sau khi Việt Nam bị định danh là nước thao túng tiền tệ trong năm 2020, nhiều bài viết của chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã phân tích và thể hiện quan điểm rằng, bộ chỉ tiêu thao túng tiền tệ của Mỹ là chủ quan và có tính áp đặt lên các đối tác thương mại lớn.
Về cơ bản, nó phản ánh một chính sách ngoại giao trừng phạt và là con bài để đổi chác lợi ích chiến lược của chính quyền Donald Trump (xem bài “Thao túng tiền tệ: Ngoại giao trừng phạt và lợi ích chiến lược” trên ĐTTC số ra ngày 21-12-2020).
Tuy chính quyền của Tổng thống Biden có thể sẽ mềm mỏng hơn, không nên nghĩ rằng họ sẽ gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ một cách miễn phí cho Việt Nam. Chính quyền tiền nhiệm đã để lại cho họ một quân bài quý giá trên bàn đàm phán thương mại, và họ sẽ tìm cách tận dụng nó thật tốt.
Có lẽ Mỹ sẽ chỉ gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ với Việt Nam nếu họ nhận được, hoặc cảm thấy sẽ nhận được những lợi ích chiến lược khác.
Nói vậy để thấy, vấn đề định danh thao túng tiền tệ vượt ra khỏi khuôn khổ chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đặc biệt rộng hơn nhiều so với khuôn khổ chính sách tỷ giá hay những hoạt động can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Nói cách nào đó, các chỉ tiêu về can thiệp ngoại hối chỉ là “cái cớ” để Mỹ bắt chẹt các đối tác thương mại có thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ, đặc biệt là dưới thời ông Donald Trump.
Vì vậy, thật ra định danh về thao túng tiền tệ là một phần trong tổng thể quan hệ thương mại và quan hệ kinh tế-chính trị giữa Mỹ với Việt Nam.
NHNN điều hành chính sách tiền ra sao?
NHNN điều hành chính sách tiền ra sao?
Tuy nhiên, khi tiêu chí chính phủ can thiệp thường xuyên vào thị trường ngoại hối vẫn còn là một trong ba tiêu chí để định danh thao túng tiền tệ, NHNN vẫn phải để ý đến.
Về mặt chiến lược điều hành, NHNN vẫn điều hành tỷ giá hướng theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, khi cần phải mua ngoại tệ can thiệp nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ, không để ứ máu hoặc dư thừa ngoại tệ. Vì vậy, nếu vốn nước ngoài đổ vào nhiều NHNN phải mua ngoại tệ là việc khó tránh khỏi.
Điều đó vừa góp phần ổn định tỷ giá nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là chiến lược hợp lý nhưng nó đặt ra rủi ro, nếu NHNN mua bán nhiều trên thị trường ngoại hối lại dễ bị vướng vào tiêu chí can thiệp ngoại hối của Mỹ.
Từ đầu năm nay, NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, cho phép hủy ngang với các ngân hàng thương mại (NHTM). Đây là giải pháp tốt cho phép NHNN đặt ra mức tỷ giá định hướng thông qua giá mua kỳ hạn từ các NHTM, qua đó phát đi tín hiệu về mức tỷ giá NHNN sẵn sàng can thiệp mua ngoại tệ vào.
Ngoài ra, việc cho phép hủy ngang hợp đồng kỳ hạn tạo ra tính linh hoạt để các NHTM điều chỉnh trạng thái ngoại hối theo điều kiện vốn vào hay ra không cần có sự can thiệp trực tiếp của NHNN.
Có thể hiểu phương thức điều hành tỷ giá này là định hướng điều hành theo “luồng tiền” (flow) trong một khoảng thời gian, thay vì phải tập trung mua hay bán quá nhiều để can thiệp thị trường nhằm giữ ổn định tỷ giá.
Hiểu nôm na là trên thị trường ngoại hối có lúc dư thừa, có lúc thiếu ngoại tệ, nếu can thiệp hoàn toàn dựa vào thị trường giao ngay, sẽ có trường hợp NHNN phải mua ngoại tệ khi ngoại tệ dư thừa, rồi sau đó do yếu tố mùa vụ lại phải bán ngoại tệ cho NHTM khi có nhu cầu tăng cao.
Nay tận dụng giao dịch ngoại tệ có kỳ hạn ít ra tiết kiệm được một đầu giao dịch: khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao, NHTM có nhu cầu có thể chọn hủy ngang giao dịch kỳ hạn, như vậy là đảm bảo được nguồn ngoại hối cần thiết mà không có giao dịch nào phát sinh của NHNN trên thị trường tiền tệ.
NHNN càng tận dụng nhiều giao dịch phái sinh này sẽ giảm được mức độ cần mua bán nhiều lần trên thị trường ngoại hối giao ngay để ổn định thị trường, đồng thời vẫn đưa ra được tín hiệu chính sách về một mức định hướng tỷ giá NHNN sẵn sàng can thiệp thông qua giá kỳ hạn.
Như vậy phải chăng đây là cách thức “lách” tiêu chí can thiệp ngoại hối của Mỹ? Nếu đúng vậy sẽ bị Mỹ dễ dàng “bắt bài” và kết luận ta cố tình “chơi chiêu” để tránh bị xếp vào thao túng tiền tệ? Điều này đặc biệt đáng lưu ý với trường hợp Đài Loan vừa qua phía Mỹ tính cả dữ liệu giao dịch giao ngay và phái sinh vào trong hoạt động can thiệp ngoại hối.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, rõ ràng Việt Nam đã có thiện chí can thiệp ít đi vào thị trường thông qua công cụ mua bán kỳ hạn, và phần nào đó là để thị trường tự quyết chuyện hủy ngang giao dịch kỳ hạn, có nghĩa ta đang phát đi tín hiệu chính sách nhưng để thị trường tự điều chỉnh.
Nhưng “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo”. Trong trường hợp Trung Quốc trước đây, chỉ vi phạm có một tiêu chí cũng bị định danh thao túng tiền tệ, nên vấn đề không nằm ở chỗ “đếm tiêu chí”, mà nằm ở lợi ích thương mại và đầu tư tổng thể theo kiểu có đi có lại giữa 2 nước.
Vì vậy, trước thời điểm báo cáo về kinh tế vĩ mô và chính sách ngoại hối của đối tác thương mại chính của Mỹ sắp tới được công bố, càng nhiều những thỏa thuận thương mại và đầu tư giữa 2 nước được ký kết theo hướng thu hẹp thâm hụt thương mại song phương và càng nhiều hoạt động hợp tác đầu tư giữa Mỹ với Việt Nam càng là tin tốt.
Việc Việt Nam có thoát khỏi định danh thao túng tiền tệ trong đợt báo cáo giữa năm sắp tới của Bộ Tài chính Mỹ hay không sẽ được giới quan sát chú ý. Vì nó sẽ nói lên nhiều điều về quan hệ giữa 2 nước, không chỉ về mặt thương mại.