Doanh nghiệp dệt may chủ động tìm, giữ nguồn lao động cho phát triển

(ĐTTC - Xác định nguồn nhân lực là yếu tố sống còn, các DN trong ngành dệt may luôn chủ động và coi trọng việc thực hiện các chính sách quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Người lao động ngành dệt may yên tâm làm việc khi có chính sách quan tâm chăm lo thỏa đáng.
Người lao động ngành dệt may yên tâm làm việc khi có chính sách quan tâm chăm lo thỏa đáng.

Năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng, đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD. Với nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường, nhiều DN ngay từ đầu năm đã ra quân 100% lao động, cùng đó tuyển dụng thêm nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các đơn hàng cao cấp từ phía các đối tác.

Ngoài ra, để đảm bảo duy trì lượng lao động ổn định, có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu mới, nên các DN trong ngành dệt may luôn chủ động và coi trọng việc thực hiện các chính sách quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Nhằm tạo điều kiện cho CBNV đang làm việc tại Tổng Công ty May 10-CTCP (May 10) ở Hà Nội về quê ăn Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và trở lại làm việc được thuận lợi, ngay trong tháng 1, Ban chấp hành Công đoàn May 10 tổ chức chuyến xe đưa và đón CBNV. Tổng số 159 CBNV cùng những người thân trong gia đình được 4 chuyến xe nghĩa tình của May 10 đưa về quê đón Tết và trở lại Tổng Công ty làm việc.

Tổng kinh phí cho chương trình “Chuyến xe yêu thương” là trên 60 triệu đồng; bố mẹ, vợ chồng, con của CBNV cũng được miễn phí. Công đoàn Tổng Công ty mua bảo hiểm và chuẩn bị bữa ăn nhẹ, nước uống cho cả đoàn và lái xe. Từ ngày mùng 5 Tết, tại Tổng công ty May 10, 12.000 lao động của công ty đã bắt tay ngay vào sản xuất, phấn đấu đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, để đạt mục tiêu này, Tổng công ty xác định bên cạnh tuyên truyền, khuyến khích người lao động phát huy tính chủ động, sáng tạo, Tổng công ty tiếp tục thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao cũng như đẩy mạnh nghiên cứu thị trường; phát triển các dòng sản phẩm mới phù hợp với năng lực sản xuất, tay nghề người lao động; tập trung vào phát triển mẫu để tiếp cận các khách hàng trực tiếp; triệt để tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực, tại từng vị trí, trong từng hoạt động của Tổng công ty...

Hiện nay, trụ sở chính của May 10 tại Hà Nội đang tuyển từ 600-700 lao động may cắt và gần 100 lao động trực gián tiếp; trong đó ưu tiên lao động có tay nghề cao. Theo đại diện lãnh đạo Tổng công ty May 10, từ đầu năm, tín hiệu từ các thị trường là rất tích cực, nhiều đơn hàng quay trở lại.

Không riêng tại Tổng Công ty May 10, các DN dệt may lớn cũng đang có nhu cầu tuyển lao động để đáp ứng nhu cầu phục hồi được dự báo thời gian tới. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP (Hugaco) bày tỏ, trong thời gian qua, Hugaco và các đơn vị trong toàn hệ thống đã nỗ lực duy trì thu nhập bình quân cho người lao động xấp xỉ 12 triệu đồng/người/tháng, tại riêng Công ty Mẹ, thu nhập bình quân của người lao động là trên 12 triệu đồng/người/tháng.

Do đó, với thị trường lao động tương đối khốc liệt trong năm nay nhưng nhìn chung các đơn vị trong hệ thống của Hugaco vẫn duy trì ổn định, tăng trưởng tốt về quy mô. Tổng Công ty và các đơn vị đã sẵn sàng tâm thế, cũng như đã có sự chuẩn bị và định hướng đầu tư trong thời gian tới, tiếp tục từng bước nâng cao hiệu quả hơn về mặt hàng khi xây dựng kế hoạch ký kết trực tiếp với khách hàng.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, các DN dệt may đang bước vào "cuộc đua" tuyển lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề cao, thiết kế tốt. Bởi hiện nay, không chỉ đơn hàng phổ thông, giá rẻ về tay DN Việt mà các đơn hàng may cao cấp, yêu cầu phức tạp cũng được các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ năng lực sản xuất, quản lý tốt.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Đánh giá cao sự đồng hành, chăm lo cho người lao động của hệ thống Công đoàn các cấp nhằm ổn định hơn 64.000 lao động cấp 1 của Tập đoàn và 150.000 lao động toàn hệ thống. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu mong rằng, Công đoàn các cấp và đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của từng đơn vị nói riêng và Vinatex nói chung.

Đồng thời, Công đoàn dệt may Việt Nam và các công đoàn cơ sở sẽ ngày càng có nhiều chương trình, hình thức sáng tạo, thiết thực hơn nữa trong việc chăm lo đời sống cho người lao động để tập hợp được đông đảo lực lượng lao động, đồng hành với chiến lược phát triển của Tập đoàn.

“Việc chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân viên và người lao động đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chu đáo, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Vinatex. Sau kỳ nghỉ Tết, Lãnh đạo các DN, đơn vị thuộc Vinatex triển khai việc trở lại làm việc bình thường, tiếp tục phấn đấu năm 2023 hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nêu rõ.

Các tin khác