"Bừng tỉnh" khi đơn hàng giảm
Trong khi 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và da giày đang thiếu đơn hàng trầm trọng, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm suy giảm, tại các quốc gia cạnh tranh tình hình lại khác biệt hoàn toàn. Các DN ngành may của Bangladesh vẫn tấp nập đơn hàng, DN da giày của Indonesia cũng kín đơn.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), nhìn nhận trước đây khi đơn hàng nhiều những vấn đề này không được nhìn rõ, nhưng khi cầu suy giảm mạnh có thể nhìn rõ lựa chọn của các nhà nhập khẩu.
Theo ông Kiệt, Việt Nam không nằm trong lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu, trước tiên do thu nhập bình quân của người lao động. Theo đó, chi phí nhân công của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với nước ta. Thu nhập trung bình của lao động da giày tại Việt Nam khoảng 350USD/tháng, trong khi Indonesia 150USD, Bangladesh chỉ khoảng 120USD.
Lý do quan trọng hơn, khách hàng đang đưa ra nhiều yêu cầu về phát triển bền vững. Bangladesh được xem là quốc gia nhanh chân trong việc thực hiện xanh hóa ngành dệt may. Hiện có 9/10 nhà máy xanh của ngành dệt may lớn nhất thế giới nằm ở Bangladesh, nên các đơn hàng dệt may đổ nhiều về quốc gia này.
“Các nước lớn, thương hiệu lớn là người dẫn dắt cuộc chơi, mình muốn tham gia buộc phải theo những quy tắc đó” - ông Kiệt bày tỏ và cho rằng mỗi ngành hàng có những nỗi lo riêng khi các nước cạnh tranh đang xoay chuyển tình thế, trong khi Việt Nam lại ứng phó có phần chậm.
Như ngành điều Việt Nam đang đứng trước mối lo mất “ngôi vương” xuất khẩu. Nhiều năm qua Việt Nam được đánh giá cao nhờ năng lực chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng. Còn các quốc gia khu vực châu Phi và Campuchia chủ yếu cung ứng điều thô cho Việt Nam. Nhưng gần đây chính phủ nhiều nước châu Phi đưa ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều.
Chưa hết, với điều thô xuất khẩu họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu, áp mức thuế xuất khẩu cao. Nhưng với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều miễn thuế.
Như vậy, theo DN điều Việt Nam, bất cập trong chính sách thuế nhập khẩu nhân điều đang tạo ra sự bất bình đẳng thương mại giữa các DN chế biến trong và ngoài nước; tạo điều kiện để điều nhân từ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam. Việc này không đem lại lợi ích cho đất nước, đồng thời kéo nguy cơ lớn đối với sự tồn tại và phát triển toàn ngành điều Việt Nam.
Thay đổi để thích ứng
Với câu chuyện xanh hóa trong ngành may, một câu hỏi được quan tâm là DN dệt may Việt Nam đã xanh hóa hay chưa. Thực tế, đã có DN triển khai việc này như CTCP Quốc tế Phong Phú. Được biết, khoảng 10 năm trở lại đây, trước những yêu cầu của các nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn (Mỹ, châu Âu…) về sản xuất sản phẩm xanh, có các quy trình tái chế…, Phong Phú đã xây dựng dự án phát triển bền vững theo quy tắc 4R. Hiệu quả đến nay đã nhìn thấy, nhưng thách thức cũng không ít.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc công ty, khẳng định thách thức đầu tiên chính là chi phí đầu tư. Cho đến nay Phong Phú đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất xanh. Vấn đề chi phí đầu tư đang trở thành bài toán đau đầu cho nhiều DN trong ngành, bởi có đến hơn 70% DN ngành may là DN nhỏ và vừa.
Đứng trước thực tế này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã đưa ra đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia cho DN trong việc thực hiện các dự án xanh hóa. Vì nếu DN Việt Nam không thay đổi sẽ mất đi lượng khách hàng lớn.
Chưa hết, theo Vitas, Nhà nước cần giảm thuế thu nhập DN 2% cho các DN đáp ứng tiêu chuẩn xanh, đồng thời hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh (như trường hợp Bangladesh đang làm). Đồng tình với các kiến nghị của Vitas, ông Diệp Thành Kiệt khẳng định về dài hạn cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thông qua các chính sách hỗ trợ để DN phát triển bền vững.
Phía Lefaso cho biết đang nghiên cứu kỹ trường hợp của Bangladesh, xem họ đã làm như thế nào, có những chính sách ra sao trong xây dựng các nhà máy xanh, từ đó tham mưu trở lại cho Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, nhằm đưa ra các chính sách phù hợp cho cả dệt may và da giày.
Thực tế câu chuyện của ngành may hay da giày không chỉ khó bởi những luật chơi mới, còn khó ngay trong những quy định để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) - nguyên nhân khiến đơn hàng èo uột vẫn hoàn èo uột. Ví như chuyện vì sao chưa khai thác tốt EVFTA.
Để ngành may có thể hưởng lợi từ FTA này phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi, trong khi ở hầu hết địa phương việc xin phép đầu tư các nhà máy sản xuất vải cực kỳ khó khăn vì những lo ngại ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo các DN, công nghệ hiện hoàn toàn có thể giải quyết mối lo này. DN mong mỏi các địa phương thay đổi cách nhìn, chỉ có như vậy mới có thể tận dụng các FTA đã ký kết.
Tương tự, trước những thay đổi chính sách của các quốc gia châu Phi, đại diện cho tiếng nói của các DN điều, Hiệp hội Điều Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau. Trong đó có việc đối tác miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam sẽ không phải thay đổi các quy định hiện hành. Nếu các nước không đồng thuận, Việt Nam cần xem xét để áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" trong quan hệ quốc tế, không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam; áp thuế suất 25% với hạt điều đã bóc vỏ (mã 0801.32.00); áp giá nhập khẩu tối thiểu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn, các vấn đề đang từng bước lộ rõ. Nếu chúng ta không xoay chuyển, trong dài hạn nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng khó hơn khi cạnh tranh với các đối thủ.