Theo đó, có ý chí vươn lên mãnh liệt hơn nữa; thực thi tốt pháp luật, nghĩa vụ với Nhà nước; có ý thức tham gia xây dựng thể chế, pháp luật, đóng góp xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn. Dù là doanh nhân nữ nhưng không ngừng học hỏi, đổi mới sáng tạo, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, hội nhập tốt hơn...
Sau hơn 30 năm đổi mới, lực lượng nữ doanh nhân chiếm hơn 30% tổng số doanh nhân cả nước, cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 6/54 quốc gia có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Nếu chỉ tính thuần túy trên số doanh nghiệp được đăng ký, tỷ lệ phụ nữ làm chủ chưa phải cao, nhưng nếu tính rộng ra trong số hộ kinh doanh gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm chủ lớn hơn rất nhiều. Với số lượng khoảng 4,8 triệu hộ kinh doanh cá thể, tỷ lệ phụ nữ đóng vai trò lớn và cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, số doanh nhân nữ thành công, ít bị phá sản, đình trệ hơn nam giới.
Mặc dù rất bận bịu với trăm công ngàn việc của người phụ nữ, song nhiều nữ doanh nhân Việt đang rất thành công với công việc kinh doanh, thậm chí khiến đấng mày râu phải ngả mũ nể phục. Hàng loạt nữ doanh nhân Việt đã được Tạp chí Forbes vinh danh là nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Trong đó có những nữ doanh nhân thành danh nhưng kín tiếng, có những doanh nhân nữ trẻ năng động, như bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air; bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH True Milk; bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG… Mỗi người một vẻ nhưng đều rất năng động và trí tuệ. Họ chính là người xây dựng, quản trị và điều hành những thương hiệu lớn hàng đầu Việt Nam, nâng tầm các thương hiệu này sánh vai với các thương hiệu quốc tế.
Để có được thành công trên, phụ nữ phải làm việc với 200% công suất so với nam giới, khi vừa phải lo kiếm thu nhập, vừa phải chăm sóc gia đình. Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số trong độ tuổi lao động, song hiện chỉ 71% phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia nền kinh tế so với 81% nam giới.
Thu nhập của lao động nữ trung bình thấp hơn 12% so với lao động nam. Dù ngày càng có nhiều phụ nữ có học vấn, năng lực và khả năng sáng tạo không kém gì nam giới, nhưng trong quá trình vươn lên trong công việc, phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn nam giới, như trách nhiệm với gia đình và sự thiên vị trong thăng tiến và lựa chọn nghề nghiệp.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động sâu sắc, toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Sự phát triển đội ngũ doanh nhân nữ trong bối cảnh bình thường đã khó, trong bối cảnh CMCN 4.0 càng khó, khi bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, họ vẫn đang gặp phải những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực khó thay đổi từ cả khách quan và chủ quan…
Tuy nhiên, bằng sự thông minh, nhạy bén vốn có cùng những cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, biến thách thức thành lợi thế, vươn lên khẳng định mình.
CMCN 4.0 mang đến cơ hội cho doanh nhân nữ trong nền kinh tế số. Đặc biệt, nếu nó kết hợp với cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ, nền kinh tế sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và phụ nữ sẽ là lực lượng dẫn đầu trong nền kinh tế số. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của bản thân, phụ nữ nói chung, doanh nhân nữ nói riêng cũng rất cần nhận được sự chia sẻ từ gia đình, sự tôn trọng và ghi nhận những đóng góp của họ từ cộng đồng.
Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp chị em mạnh mẽ, tự tin hơn trong cuộc sống và trên thương trường. Dám thử nghiệm, dám đột phá và chấp nhận rủi ro, đặc biệt cân bằng giữa công việc gia đình và công việc kinh doanh, phụ nữ chắc chắn sẽ nắm bắt được cơ hội và thành công trong thời đại CMCN 4.0. Qua đó khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình, phấn đấu có ít nhất 35% nữ doanh nhân là chủ doanh nghiệp vào năm 2020, như mục tiêu của Chính phủ đã đặt ra.