Ở mảng khách quốc tế, năm 2022 Việt Nam đón 3,5 triệu lượt khách, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm là 5 triệu lượt khách, thua xa con số 18 triệu lượt khách năm 2019. Vì sao nên nỗi?
Vì khách Trung Quốc không đến?
Khi Việt Nam chính thức mở cửa vào giữa tháng 3, ngành du lịch liên tục tung ra những con số tăng trưởng tìm kiếm du lịch Việt Nam của khách quốc tế. Điều này tưởng sẽ mang lại hy vọng hồi phục cho mảng du lịch quốc tế sau gần 2 năm ngủ đông. Thế nhưng, mức tăng trưởng khách quốc tế vẫn rất chậm chạp. Nhiều phân tích cho rằng, lý do khiến lượng khách quốc tế chưa thể bật tăng do khách Trung Quốc (nguồn khách lớn của Việt Nam) chưa thể đi du lịch vì chính sách zero Covid của quốc gia này.
Các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng chưa phục hồi. Thị trường khách Nga, châu Âu… bị ảnh hưởng bởi lạm phát, xung đột Nga - Ukraine. Khách Ấn Độ tuy tiềm năng nhưng còn khá mới nên cần thời gian để thu hút. Thế nên, khách du lịch tìm kiếm nhiều nhưng đến chẳng bao nhiêu. Tất cả đều hợp lý.
Nhưng nhìn sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, thì ngược lại. Nhóm khách hàng tiềm năng của du lịch Thái Lan không quá khác biệt với Việt Nam, nhưng đến đầu tháng 12 ngành du lịch nước này đã hoàn thành chỉ tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế.
Thậm chí, 2 tháng cuối năm nhiều thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã đạt gần mức trước Covid-19. Năm 2023, nước này đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế. Tương tự, Singapore và Indonesia cũng đã hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế năm 2022.
Lý do việc đi trước về sau của chúng ta (Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa đón khách quốc tế sớm của Đông Nam Á) được giải thích bởi chính sách visa thiếu linh hoạt. Hiện Việt Nam chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian 15 ngày, trong khi Thái Lan miễn thị thực cho công dân 65 quốc gia với thời gian 30-45 ngày, thậm chí có trường hợp 90 ngày.
Bên cạnh đó, phải thẳng thắn rằng việc xúc tiến của ngành du lịch Việt còn yếu, chưa hiệu quả, sản phẩm chưa mới mẻ, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp nên việc khách đến một lần rồi thôi không hiếm. Chúng ta nói hành vi của du khách đã thay đổi so với trước dịch Covid-19, nhưng cách làm không theo kịp sự thay đổi ấy làm sao thu hút du khách đến. Chúng ta vẫn mang đến cho khách cái mình có, không phải cái khách cần.
Hay vì quá nhiều yếu điểm?
Tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam diễn ra ngày 21-12, khi yêu cầu phân tích nguyên nhân tại sao du lịch quốc tế “đi trước về sau”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi: "Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm?".
Những câu hỏi này đang chờ ngành du lịch trả lời, bởi đây là trách nhiệm của ngành này. Đơn cử, nói về chính sách visa ngành du lịch có thể không tự quyết được, nhưng các yếu tố khác như sản phẩm, cách thức xúc tiến quảng bá… nếu không ngành du lịch làm, ai sẽ làm để thu hút khách quốc tế.
Có ý kiến cho rằng để ngành công nghiệp không khói thực sự phát triển bền vững cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều tỉnh/thành, nhiều doanh nghiệp. Nhưng mấu chốt trong sự chung tay ấy vẫn phải bắt nguồn từ ngọn cờ đầu là ngành du lịch.
Có một điều chúng ta phải thừa nhận rằng, cơ sở hạ tầng và sản phẩm cho ngành du lịch Việt Nam còn thua xa các nước trong khu vực. Ngoài những tên tuổi lớn như hệ thống du lịch Sun Group, Vin Group… có đa dạng và chuyên nghiệp, phần còn lại chủ yếu khai thác du lịch theo “mùa vụ”.
Đó là chưa nói đến thủ tục pháp lý chưa theo kịp cho các dự án du lịch. Lấy thí dụ một đơn vị du lịch khai thác một dự án lớn tại Thanh Hóa, sau 1 năm tất cả các công nghệ cũng như việc xây dựng đã hoàn thành, nhưng thủ tục pháp lý vẫn còn đang chờ…
Và chúng ta đã từng ngủ quên trên chiến thắng khi đón lượng khách bùng nổ trong năm 2019, rồi bị ảo tưởng bởi những con số tăng trưởng tìm kiếm trên mạng, những vui mừng khi website quảng bá du lịch thăng hạng…
Thực tế đang buộc chúng ta phải tỉnh táo hơn, nhìn nhận đúng vấn đề hơn. Sau dịch các quốc gia gần như ở cùng vạch xuất phát trong cuộc đua đón khách trở lại, nhưng sau 1 năm Việt Nam đã bị bỏ lại phía sau. Doanh nghiệp cho rằng vẫn chưa có chính sách thực sự cho du lịch, vì du lịch, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn bơ vơ trong các chính sách hỗ trợ.
Các chiến lược đưa ra lúc này phải cụ thể, các bước đi phải rõ nét mới hy vọng du lịch quốc tế chuyển mình trong những năm tới. Các con số chỉ tiêu đưa ra cần dựa trên những chiến lược hút khách cụ thể, đừng để sau khi nghe mục tiêu năm của ngành các doanh nghiệp không biết có cơ sở nào để thực hiện mục tiêu ấy.
Bước qua năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế, nếu so với các nước thì không quá tham vọng, nhưng có thể hoàn thành hay không chưa ai có thể trả lời. Và chiến lược cụ thể nào để hoàn thành mục tiêu là điều nhiều người quan tâm.
Một số ý kiến cho rằng thị trường Trung Quốc đang bắt đầu mở cửa trở lại, một số đường bay tới Trung Quốc đã được nối lại, sẽ mở ra hy vọng cho ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023, vì người Trung Quốc sau mấy năm dịch bệnh có lẽ đã “cuồng” đi du lịch.
Thế nhưng, mọi thứ vẫn chỉ ở thì tương lai, vì chưa biết khách Trung Quốc có thể sớm trở lại thực sự hay sẽ còn bị chính sách ràng buộc nào liên quan đến chống dịch… Vì thế không thể quá kỳ vọng mà phải có chiến lược thu hút những nguồn khách tiềm năng khác.
Hiện Việt Nam chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian 15 ngày, trong khi Thái Lan miễn thị thực cho công dân 65 quốc gia với thời gian 30-45 ngày, thậm chí có trường hợp 90 ngày.