Chiếu theo mục tiêu đề ra, lãi suất huy động đã đi đúng mong muốn của nhà điều hành, khi chỉ thời gian ngắn các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm giá vốn đầu vào 2-2,5%.
Tuy nhiên, tốc độ giảm lãi vay vẫn tiếp diễn kịch bản cũ, không bắt kịp tốc độ giảm lãi suất huy động. Nguyên nhân vì sức khỏe doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 yếu hơn, việc cấp tín dụng của các nhà băng rủi ro hơn, nên phải nới biên lãi ròng (NIM) để dự phòng trường hợp nợ xấu tăng cao.
Vậy tiền nhàn rỗi không đi vào NHTM hoặc tiền NH huy động chưa cho vay được đang ở đâu?
Thứ nhất, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2020 đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; đến quý I-2021 ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Mức huy động vốn của TTCK tăng mạnh cùng lúc với việc nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tham gia thị trường tăng đột biến.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, lũy kế cả năm 2020 có tới 393.659 tài khoản (TK) giao dịch chứng khoán của NĐT trong nước được mở mới, trong đó NĐT cá nhân chiếm 392.527 TK (99,7%). Và chỉ 3 tháng năm 2021, đã có đến 256.316 TK được mở mới, bằng 65% năm 2020.
Đây là số lượng TK lớn nhất được NĐT cá nhân mở chỉ trong 1 năm, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Lượng NĐT mở mới gia tăng dẫn đến suy luận TTCK trở thành vòi hút một phần tiền nhàn rỗi trong thời gian qua.
Thứ hai, đương nhiên bất động sản (BĐS) cũng không đứng ngoài cuộc khi tiền nhàn rỗi không mặn mà kênh tiết kiệm. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, người dân ở nhiều địa phương đã bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất, tiền gửi NH cũng được rút ra để đi đầu tư.
Theo bộ phận R&D của BHS Group, sự quan tâm của NĐT đối với thị trường BĐS thể hiện qua lượng giao dịch tăng đều trong giai đoạn các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Thứ ba, thực ra dòng tiền nhàn rỗi dịch chuyển khỏi kênh gửi tiết kiệm không phải là vấn đề các TCTD quá quan tâm vào lúc này, khi tình trạng tắc nghẽn tín dụng và dư thừa thanh khoản vẫn đang tiếp nối. Tỷ lệ cấp tín dụng/huy động tại các NH đang được giữ ở mức trung bình 72,4%, thấp hơn nhiều so với mức giới hạn 85%. Do vậy, nhiều thông tin cho thấy các TCTD có thể đang bơm thêm vốn vào những kênh đầu tư này.
Chẳng hạn, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên GDP năm 2020 đã tăng lên mức 4,1 lần, cao hơn mức bình quân 2-2,5% trong vài năm gần đây. Việc TTCK tăng nhanh trở nên hấp dẫn với NĐT, cũng tạo ra nhu cầu vay tiền để đầu tư trên thị trường thứ cấp, và hiện tượng tín dụng tăng đột biết trong một số thời điểm liên quan đến vấn đề này.
Còn ở kênh BĐS, số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 15-3 dư nợ cho vay BĐS của ngành NH tăng khoảng 2,13% so với đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 2,04%).
Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã cảnh báo tình trạng nguồn vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo bộ này, trong thời gian tới cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Như vậy, xét trên bình diện chung, việc giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất ngắn hạn 3 lần trong năm 2020 vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp và nền kinh tế. Dòng tiền có xu hướng rời xa kênh tiết kiệm, tham gia các kênh đầu tư khác và trở ngược lại hút thêm nguồn tín dụng từ các NH.
Trước nay, việc dịch chuyển dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang BĐS hay thị trường khác là những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong góc độ quản lý, điều hành hoạt động của NHNN.
Vì thế, “nắn” lại đường đi của dòng tín dụng, tránh nguy cơ bong bóng giá tài sản chứng khoán, BĐS, đang trông chờ vào “công cụ” thanh tra của NHNN, để nhìn rõ tín dụng đang tập trung vào lĩnh vực nào, nhằm điều chỉnh cho đúng mục tiêu.