Hiện Việt Nam đã chấp nhận sống chung và thích ứng với dịch Covid-19, tuy nhiên, kinh tế vẫn còn đầy những rủi ro bất định phía trước.
Để không tiếp tục lỡ nhịp và bắt kịp với dòng chảy phục hồi này, Việt Nam cần có những hành động đột phá, quyết liệt và đặc biệt là tốc độ, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV về những chính sách và hành động điều hành thời gian tới.
PV: Để ứng phó với dịch Covid-19, so với thế giới, Việt Nam đã đưa ra khá nhanh các gói hỗ trợ kinh tế chưa có tiền lệ ngay từ tháng 1/2020, tuy nhiên, quy mô các gói hỗ trợ khá nhỏ và do việc thiết kế chính sách hơi vội nên việc thực hiện có nhiều hạn chế. Có ý kiến cho rằng, dường như Việt Nam đã lỡ nhịp phục hồi so với thế giới? Ý kiến của ông về điều này như thế nào?
TS.Võ Trí Thành: Chúng ta đã trải qua những “cơn sang chấn về tinh thần” trong đại dịch. Người lao động đang lưỡng lự nhiều điều, họ không biết nên ở lại quê hương hay trở lại nơi làm việc hay là chờ hết Tết thì mới quay lại làm việc.
Do vậy, đà phục hồi từ nay đến hết Tết Nguyên đán sẽ chưa được như mong muốn trên một số lĩnh vực. Nhưng chúng ta sẽ phục hồi nhúc nhắc trong năm 2022. Để kinh tế sớm phục hồi,
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần khẩn trương được thực hiện với quy mô đủ lớn, diện phủ đủ rộng. Kinh tế chỉ phục hồi khi sản xuất kinh doanh hồi phục. Sản xuất kinh doanh phụ thuộc chỉ hồi phục và phát triển được khi có đủ lao động.
Chính sách trước mắt và lâu dài cần quan tâm hơn về chỗ ở cho người lao động. Vấn đề này đã được Chính phủ thể hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có chiến lược nhà ở 10 năm tới tập trung nhà ở thương mại vừa phải, nhà ở thương mại xã hội công nhân, nhà ở trong đô thị với điểm xuyên là chú trọng chất lượng sống.
Đầu tư công tiếp tục là một thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Khi Chính phủ thực thi những chương trình phục hồi tổng thể, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cần Quốc hội đồng hành, tháo gỡ khó khăn pháp lí.
Bên cạnh đó là tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, khống chế dịch bệnh là các nhiệm vụ then chốt trong khi vẫn phải đối phó chặt chẽ với những rủi ro vĩ mô, thâm hụt ngân sách cao hơn, nợ công cao hơn, lạm phát cao hơn.
PV: Hiện Việt Nam đã chấp nhận sống chung và thích ứng với dịch Covid-19, tuy nhiên, hiện nay, cả thế giới chưa ai dự báo được dịch Covid-19 sẽ đi đến đâu, vẫn còn đầy những rủi ro bất định phía trước. Ông dự báo như thế nào về kinh tế trong thời gian tới?
TS. Võ Trí Thành: Bắt nhịp xu thế phát triển mới trong thời kỳ Covid-19, những chương trình nghị sự năm nay đều nhấn mạnh đến phục hồi xanh, chuyển đổi số. Đó cũng là những điểm tích cực lớn để giải quyết bài toán phát triển bền vững bao trùm.
Bên cạnh đó, trong một thế giới nhiều rủi ro, bất định với dịch bệnh, tài chính, thiên tai,… sự phục hồi còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: khả năng chống chịu các cú sốc và năng lực quản trị rủi ro của nền kinh tế.
Việc gia tăng tích trữ nguyên liệu sản xuất đối phó nhu cầu dâng cao. Giá đồng, quặng, sắt, thép, chất bán dẫn và con chíp, nhựa, bìa cứng đóng gói… và nhiều nông sản tăng rất mạnh. Tình trạng này có thể kéo dài sang cả năm sau. Sản lượng sụt giảm do khan hiếm nguyên liệu trở nên phổ biến ở nhiều ngành nghề.
Năng lực logistics không đảm bảo và tình trạng tắc nghẽn giao thông dần trở nên nghiêm trọng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu lại càng có nguy cơ đứt gãy cao, bên cạnh tác động của đại dịch, do tình trạng thiếu hụt container rỗng và cả tính dễ bị tổn thương của nó. Lạm phát dù chưa vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng áp lực “chi phí đẩy” đang là một thách thức.
PV: Qua 2 năm chống đỡ với dịch bệnh, Việt Nam đã chặn được đà suy giảm và nỗ lực phục hồi kinh tế với nhiều điểm đáng tự hào, đáng khen nhưng đâu đó vẫn còn những hạn chế, những điều cần rút kinh nghiệm. Theo ông, điểm then chốt nhất rút ra từ 2 năm qua là gì, để tới đây ta sẽ không còn lúng túng, chậm nhịp khi có những cú sốc, khủng hoảng xảy ra?
TS.Võ Trí Thành: Đối mặt không ít trắc trở, song Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Đó là sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn dân cùng kinh nghiệm chống dịch, là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hấp dẫn thu hút đầu tư và sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam.
Như chúng ta đã thấy, Chính phủ các nước đã quyết rất nhanh và đã tung ra những gói cứu trợ quy mô lớn, do Chính phủ của họ được trao quyền mạnh mẽ. Vì vậy, cần xem xét ngay luật Tình trạng khẩn cấp để có khung khổ pháp lý nhằm ứng phó với các cú sốc, khủng hoảng.
Trên hành trình phát triển luôn đối mặt thách thức, trắc trở khó lường, chúng ta luôn cần sáng tạo và nỗ lực không ngừng để bước tiếp.
Việt Nam đang rất cần những hành động tốc độ, đột phá, quyết liệt để xử lý tình thế khó khăn lúc này. Hành động quyết liệt, khôn khéo sẽ được đền đáp bằng thành quả phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!