Dự báo kinh tế toàn cầu không sáng sủa

(ĐTTCO) - Sự trái ngược trong nhận định của các tổ chức nghiên cứu về kinh tế toàn cầu, cho thấy 2024 là một năm hoàn toàn không dễ đoán định với nhiều yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen, trong đó yếu tố tiêu cực chiếm phần lớn hơn.

Dự báo kinh tế toàn cầu không sáng sủa

OECD: Tăng trưởng thấp hơn

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất (ngày 29-11-2023), OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ở mức 2,7% vào năm 2024, giảm từ mức 2,9% trong năm 2023, trước khi tăng lên 3% vào năm 2025, do tăng trưởng thu nhập thực tế phục hồi và lãi suất thấp hơn. Trước đó, OECD dự báo tăng trưởng chậm lại do chỉ số PMI yếu ở nhiều nền kinh tế lớn, tăng trưởng tín dụng chậm lại và niềm tin người tiêu dùng liên tục ở mức thấp.

Theo OECD, các nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn so với các thị trường mới nổi và hiệu quả hoạt động của châu Âu đang tụt hậu so với Bắc Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Á. Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lãi suất cao và chi phí năng lượng cao, làm giảm thu nhập và khó phục hồi hoàn toàn hơn. OECD dự báo khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có thể mong đợi mức tăng trưởng GDP 0,6% trong năm 2023, tiếp theo là 0,9% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.

Ngược lại, tăng trưởng GDP được duy trì tốt hơn ở Mỹ và nhiều nền kinh tế sản xuất hàng hóa khác. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch.

Tăng trưởng toàn cầu chậm hơn, nhiều khu vực suy thoái nhẹ… là bức tranh chủ đạo của năm 2024.

OECD cho biết lạm phát chung đã giảm ở hầu hết mọi nơi trong năm 2023, tuy nhiên việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ và sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường dầu mỏ đã khiến giá dầu tăng cao kể từ tháng 6-2023.

Điều này kết hợp với sự căng thẳng địa chính trị gia tăng đang làm lu mờ triển vọng lạm phát. Lạm phát ở eurozone sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 sau mức 5,5% trong năm 2023 và ổn định ở mức 2,3% vào năm 2025. Tại các nước thành viên OECD, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp với mức dự kiến là 5,1% cho cả năm 2024 và 2025. Tỷ lệ này được dự báo tăng ở Mỹ, Anh, Canada và Úc. Tuy nhiên, tại Nhật Bản và eurozone thất nghiệp dự kiến ở mức thấp và gần bằng mức hiện tại 6,5%.

8 dự báo của S&P

Trong khi đó, các nhà phân tích của S&P Global Market Intelligence, đưa ra 8 dự báo lớn về nền kinh tế toàn cầu năm 2024. Đầu tiên, dự báo lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu sẽ yếu hơn, ở mức 4,7% vào năm 2024, giảm từ mức ước tính 5,6% vào năm 2023.

Thứ hai, GDP thực tế hàng năm trên toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn vào năm 2024, chỉ đạt 2,3% so với ước tính 2,7% vào năm 2023. Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi chậm.

Dự báo tăng trưởng GDP thực tế hàng năm ở Trung Quốc chỉ 4,7% vào năm 2024, giảm so với mức dự kiến 5,4%. Thứ tư, lãi suất sẽ được cắt giảm ở các nền kinh tế phát triển từ giữa năm 2024. Thứ năm, các thị trường mới nổi sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng sớm hơn, với việc cắt giảm lãi suất cũng được dự báo trong nửa đầu năm 2024.

ed-1-5201.jpg

Thứ sáu, đồng USD sẽ mất giá. Xu hướng này được củng cố bởi sự chậm lại tương đối của cả tăng trưởng kinh tế thực tế và lạm phát của Mỹ cũng như sự gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao không bền vững. Đồng yên Nhật dự kiến tăng giá so với đồng USD nhiều hơn các đồng tiền khác trong năm 2024.

Thứ bảy, những trở ngại tài chính đối với tăng trưởng sẽ tiếp tục tồn tại. S&P dự báo tác động chậm trễ của lãi suất cao hơn và tác động suy yếu nhanh chóng của các biện pháp hỗ trợ liên quan đến Covid-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến khả năng trả nợ vào năm 2024. Điều đó có thể khiến tỷ lệ nợ xấu cao hơn ở hầu hết các khu vực.

Do đó, các ngân hàng có thể sẽ duy trì quan điểm thận trọng hơn trong việc cho vay, yêu cầu tài sản thế chấp cao hơn và hạn chế tín dụng đối với những người vay có chất lượng thấp hơn. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ thấp hơn xu hướng ở hầu hết các nước, làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Thứ tám, bất ổn chính sách gia tăng. Cụ thể, các yếu tố địa chính trị sẽ vẫn là nguồn rủi ro nghiêm trọng và có khả năng trở nên trầm trọng hơn do các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra tại nhiều quốc gia.

Các chiến dịch bầu cử sẽ thiết lập chương trình nghị sự chính sách cho một số nền kinh tế mới nổi quan trọng, bao gồm Ấn Độ và Indonesia vào mùa xuân và Mexico vào giữa năm 2024, cùng với các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu cũng được lên kế hoạch vào tháng 6.

Sự không chắc chắn về kết quả cuộc bầu cử Mỹ, cùng với những tác động chính sách, có thể sẽ là trở ngại cho triển vọng kinh tế.

WEF: Châu Âu sẽ suy thoái nhẹ

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổng hợp các dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2024, trong đó châu Âu và Anh sẽ “suy thoái nhẹ”. Cụ thể, WEF cho biết tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 2,6% trong năm 2024 từ mức 2,9% trong năm 2023.

60% các nhà kinh tế trưởng tham gia khảo sát trong Báo cáo Triển vọng của WEF coi triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan trong năm 2024. Theo đó, bất chấp cơ hội “hạ cánh nhẹ nhàng” đối với Mỹ, sự không chắc chắn về động thái của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đối với lãi suất khiến tương lai khó dự đoán. Trên hết, tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ suy yếu khi các công ty tìm kiếm những địa điểm sản xuất tiết kiệm chi phí hơn.

WEF dẫn phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley, cho biết tốc độ tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại, nhưng có thể vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024. “Điều này sẽ tương phản khá rõ ràng với các điều kiện suy thoái hoặc gần suy thoái ở châu Âu và tốc độ tăng trưởng không mấy hấp dẫn ở Trung Quốc” - phân tích viết.

Tuy nhiên, Goldman Sachs Research đưa ra bức tranh lạc quan hơn, chỉ ra hiệu suất tốt hơn mong đợi của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023, đồng thời thực tế là tăng trưởng GDP và việc làm vẫn tương đối ổn định ở các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với áp lực lạm phát cực độ.

Các tin khác