Du lịch Việt khó tăng tốc vì 'sức ỳ' quá lớn

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam đón khá nhiều thông tin tích cực, trong đó phải kể đến chính sách visa mới và việc hoàn thành sớm kế hoạch đón khách quốc tế ngay khi kết thúc quý III.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, song việc thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng nên chi tiêu của du khách vẫn còn rất hạn chế.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, song việc thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng nên chi tiêu của du khách vẫn còn rất hạn chế.

Thế nhưng, nếu nhìn sang các nước trong khu vực mới thấy du lịch Việt Nam còn kém xa, bởi những nút thắt lớn tồn tại nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.

Vui thôi, đừng vui quá

Ngày 15-8, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày.

Sau khi được cấp e-visa, trong 90 ngày, khách du lịch cũng được nhập cảnh, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Đây là tín hiệu vui đối với du lịch Việt Nam và là mong mỏi từ lâu của những người làm du lịch.

Niềm vui với ngành du lịch vẫn chưa dừng lại, kết thúc quý III, lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt (vượt kế hoạch cả năm là 8 triệu lượt). Trước những kết quả khả quan này, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTTDL) đã tính toán và sẽ báo cáo Chính phủ nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5-13 triệu lượt khách (tăng khoảng 156% so với mục tiêu ban đầu).

Như vậy mỗi tháng còn lại của năm 2023 du lịch Việt Nam ít nhất có thể đón từ 1,1-1,2 triệu lượt khách quốc tế, đặc biệt là cao điểm tháng 12 có thể đón nhiều khách hơn. Nếu chỉ xét riêng Việt Nam thì đây quả là những tin vui, thế nhưng nếu nhìn ra bối cảnh chung của khu vực thì mọi chuyện chưa hẳn là như vậy.

Về chính sách visa mới vẫn phải khẳng định đây là thông tin tích cực, nhưng cũng không thể xem đây là lợi thế cạnh tranh, vì khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia chúng ta vẫn còn “lép vế”.

Ngay Cục trưởng Cục Du lịch, Bộ VHTTDL Nguyễn Trùng Khánh cũng phải nhấn mạnh: “Visa chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để thu hút du khách là phải tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, cũng như xúc tiến quảng bá bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn…”.

Còn việc hoàn thành sớm mục tiêu đón khách chớ vội mừng, bởi ngay từ đầu chúng ta đã đưa ra mục tiêu thấp nhất trong top 5 nước thuộc khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ phục hồi thấp nhất 44%.

Đơn cử như Thái Lan ban đầu đặt mục tiêu đón 25 triệu lượt khách nhưng sau đó đã điều chỉnh lên mức 30 triệu lượt; Malaysia dự kiến đón 16-18 triệu lượt khách; Singapore đón 12-14 triệu lượt khách; Indonesia vốn đưa ra mục tiêu đón 7 triệu lượt khách đã sớm đẩy lên thành 8,5 triệu lượt.

Loay hoay chuyện sản phẩm

Năm 2024 được dự báo du lịch sẽ trở về giai đoạn bình thường, không còn bất cứ ảnh hưởng nào của dịch Covid-19, lúc này để có thể tăng tốc trên đường đua với các nước trong khu vực trong việc thu hút khách quốc tế, thì du lịch Việt Nam lại phải trở về khắc phục những điểm yếu cũ được nhắc đi nhắc lại không biết bao lần: Đó là sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn hay việc đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu điểm đến cho Việt Nam.

Khi nói về thế mạnh của Việt Nam, nhiều người sẽ nhắc đến ngay tài nguyên phong phú hay những di sản thiên nhiên độc đáo… Nhưng có một thực tế du khách sẽ không chi tiêu cho tài nguyên, thứ mà du khách trả tiền để đến và lựa chọn điểm đến Việt Nam là ở sản phẩm. Chúng ta rất tự hào về những tài nguyên có được, nhưng lại chưa sản phẩm hóa những tài nguyên ấy, chưa xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với thị trường mục tiêu.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle nhấn mạnh, Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, nhưng chúng ta lại thiếu đi những sản phẩm dịch vụ như sản phẩm ban đêm, các sản phẩm du lịch giải trí, những điểm mua sắm, ăn uống… để kết hợp tạo thành một chuỗi sản phẩm phục vụ du khách.

Đồng tình với điều này, anh Quang Dũng, một hướng dẫn viên chuyên dẫn khách nước ngoài phải thừa nhận, du lịch Việt Nam rất ít điểm nhấn nên du khách thường đến một lần rồi thôi.

Chỉ đơn cử như việc xây dựng những điểm mua sắm nói đi nói lại nhiều lần, nhưng ngay tại trung tâm du lịch, kinh tế lớn như TPHCM cũng “đói” điểm mua sắm cho khách du lịch. Còn với sản phẩm du lịch đêm tại nhiều địa phương đang phát triển khá mạnh, nhưng lại chạy theo mô hình chung là phố đi bộ, phố ẩm thực và một số hoạt động văn hóa giải trí nhưng khó mà kéo dài tới nửa đêm.

Thế nên câu hỏi “chơi gì, mua sắm ở chỗ nào” của du khách vẫn bị bỏ ngỏ nhiều năm qua. Và chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Cũng chính vì thiếu trung tâm mua sắm nên Việt Nam khó để triển khai chính sách giá tour thấp hút du khách, và sau đó bù lại bằng các tour tham quan, mua sắm vẫn khiến du khách cảm thấy vui vẻ, thoải mái như nhiều quốc gia đang thực hiện.

Chậm chạp việc xúc tiến

Lý do được nghe nhiều nhất cho việc chưa thể đẩy mạnh xúc tiến hoặc xúc tiến chưa hiệu quả, đó là kinh phí hạn chế khi so sánh với “đối thủ” lớn trong ngành là Thái Lan. Đúng là du lịch Việt Nam không thể so sánh với Thái Lan ở vấn đề ngân sách cho truyền thông, xúc tiến, tuy nhiên trong bối cảnh không có nhiều tiền thì phải sử dụng tiết kiệm số tiền đang có. Cụ thể phải xây dựng tầm nhìn, chiến lược rõ ràng và xây dựng kế hoạch cụ thể để chi tiêu hiệu quả nhất, hợp lý nhất.

Bên cạnh ngân sách quảng bá ít, Việt Nam còn thiếu văn phòng xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài trầm trọng. Việt Nam hiện mới mở 3 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài (tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh), trong khi Thái Lan hiện đã có tới 29 văn phòng ở 3 châu lục lớn, gồm 18 văn phòng đại diện ở châu Á, 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ; Malaysia đã có 35 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; Singapore có 23 văn phòng; Hàn Quốc có 31 văn phòng.

Để giải quyết phần nào bài toán này, Bộ VHTTDL đang tính đẩy mạnh việc hợp tác công tư. Theo Quyết định phê duyệt Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Bộ VHTTDL ban hành ngày 2-3-2023, bộ này dự tính xem xét tranh thủ nguồn lực của khu vực tư nhân hoặc thành lập đại diện xúc tiến du lịch thông qua cơ chế hợp đồng, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại.

Bộ khuyến khích Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch nòng cốt thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm. Thông tin này đang được nhiều doanh nghiệp chờ mong sớm triển khai trong thực tế để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.

Khi nói về thế mạnh của Việt Nam, nhiều người sẽ nhắc đến ngay tài nguyên phong phú hay những di sản thiên nhiên độc đáo… Nhưng có một thực tế du khách sẽ không chi tiêu cho tài nguyên, thứ mà du khách trả tiền để đến và lựa chọn điểm đến Việt Nam là ở sản phẩm.

Các tin khác