Thường mỗi khi một doanh nghiệp tuyên bố hủy niêm yết, CP lập tức bị xả hàng, mà như vậy NĐT nhỏ lẻ là người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Xét trên góc độ này, doanh nghiệp đã làm tổn hại đến quyền lợi cổ đông. Vậy nên doanh nghiệp cần có những giải pháp để hỗ trợ cổ đông rõ ràng, thay vì công bố hủy niêm yết theo kiểu “nhảy dù”, còn cổ đông bên ngoài thì “sống chết mặc bay”.
Đã có doanh nghiệp công bố rất sớm chủ trương hủy niêm yết, sau đó cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp công bố chủ trương mua lại CP với mức giá xác định. Cổ đông sẽ được trấn an, còn giá CP không bị “down” mạnh, chính doanh nghiệp cũng được hưởng lợi về cả mặt hình ảnh cũng như giá trị.
Với những doanh nghiệp không đủ sức làm như vậy nên nghĩ đến những cách để hỗ trợ NĐT, như công bố chủ trương rời sàn từ rất sớm, đồng thời có thể tham khảo từ cơ quan quản lý, CTCK về các biện pháp hỗ trợ giao dịch. Chẳng hạn, khi thời sàn sẽ giao dịch ở UPCoM hay OTC, nhưng sẽ có một CTCK nào đó kết hợp với doanh nghiệp hỗ trợ cổ đông chuyển nhượng.
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nên có một quy định khung liên quan đến nội dung hỗ trợ thanh khoản cho cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài khi doanh nghiệp hủy niêm yết. Khi doanh nghiệp giải quyết được, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông mới được phép rời sàn.
Doanh nghiệp niêm yết được hưởng nhiều quyền lợi, khi rời sàn cũng phải có trách nhiệm tương đương và phải được luật hóa, không thể muốn ở là ở, muốn đi là đi và bỏ mặc cổ đông “chạy”.