Không dám vay ưu đãi
Cho đến nay, ngân sách cho các giải pháp cứu trợ kinh tế và kế hoạch phục hồi của EU đã lên đến 3.900 tỷ EUR. Các giải pháp, kể cả chưa có tiền lệ trước đây, đều được sử dụng từ tài khóa, tiền tệ, đến tài chính. Nổi bật nhất là các chính sách liên quan đến thuế, hỗ trợ chi phí lương của DN, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp, bảo lãnh vay của chính phủ.
Cùng với đó là các chính sách bơm tiền của các ngân hàng trung ương (NHTW) thông qua việc mua trái phiếu, giảm lãi suất cơ bản, và một số công cụ tạo tính thanh khoản khác. Về tài chính, một số quy định cũng được nới lỏng hơn về yêu cầu vốn và thanh khoản, có những khoản vay còn được tạm hoãn chi trả.
Nhưng chuyện trái ngoe đang xảy ra, mặc dù được vay ưu đãi với lãi suất thấp, thậm chí được chính phủ bảo lãnh, nhưng nhiều DN không dám vay hoặc không còn khả năng để vay.
Từ trước khi Covid-19 xảy ra, nợ của khu vực DN đã nhiều lần báo động giới tài chính. Theo báo Le Monde của Pháp, nợ của các DN không nằm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Pháp vào cuối năm 2018 gần 200% GDP của nước này, của Nhật Bản 160%, Mỹ 134% và Đức 100%.
Đây có thể coi là hệ quả của chu kỳ bật lại sau khủng hoảng 2008 của các nền kinh tế, kèm với việc duy trì lãi suất thấp của các NHTW lớn trong suốt thời gian dài. Như hiện nay, lãi suất trung bình của trái phiếu khu vực châu Âu chỉ ở mức 1,69%.
Đang nợ nhiều vậy, nhưng các khoản vay ngân hàng của DN còn tăng nhanh chóng trong cao điểm Covid-19 vào tháng 3 và 4 vừa qua. Nếu so với 2 tháng cùng kỳ năm 2019, các DN của Pháp đã tăng vay từ 16 tỷ EUR lên 61 tỷ EUR, của Đức từ 9 tỷ EUR lên 29 tỷ EUR, và cả khu vực EU là 24 tỷ EUR lên 174 tỷ EUR (gấp 7 lần).
Như vậy có thể thấy, khả năng vay nợ của nhiều DN EU đã chạm đến kịch trần, giờ đây dù có được vay ưu đãi với lãi suất thấp và có bảo lãnh của chính phủ, sức chống chọi của những DN này cũng đã tới hạn. Lý do, dù mở cửa nền kinh tế trở lại, các quy định về dãn cách xã hội vẫn còn được áp dụng, làm việc từ xa được khuyến khích, các chuyến công tác quốc tế bị hạn chế tối đa. Do đó, nhiều DN ước chừng chỉ có thể đạt 70-80% doanh số như trước đại dịch.
Với những DN còn khả năng vay, chủ DN phải cân nhắc giữa việc vay thêm để duy trì hoạt động với viễn cảnh kinh tế không thể phục hồi trong 1-2 năm, hay là nộp đơn phá sản. Vì thực ra, khoản vay nào cũng phải trả về sau, và là gánh nặng thường trực của DN.
Với những DN không còn khả năng vay, hoặc thấy vay thêm không mang lại lợi ích thiết thực, khi chính phủ bắt đầu cắt giảm các khoản hỗ trợ quan trọng như chi phí lương, có lẽ làn sóng nộp đơn phá sản sẽ tăng mạnh. Nhiều chủ DN sẽ phải cần thời gian tích tụ vốn để quay lại kinh doanh, hoặc sẽ thành lập DN mới với quy mô nhỏ hơn trước.
Khó tránh phá sản và sa thải
Khó tránh phá sản và sa thải
Dù là điều không ai mong đợi, nhưng có lẽ làn sóng phá sản và sa thải sẽ khó tránh khỏi trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nếu các chính phủ vẫn còn đủ sức để hỗ trợ DN, chuyển từ hình thức bảo lãnh sang bơm tiền trực tiếp hoặc mua vốn cổ phần và tình hình dịch được kiểm soát, vẫn còn hy vọng mong manh cho nhiều DN sẽ trụ được và vượt qua. Còn nếu không, phải lựa chọn để DN nào được sống, DN nào phải chấp nhận phá sản.
Khi đó, ưu tiên có lẽ sẽ không dành cho các DN vừa và nhỏ. Không chỉ vì các chính phủ nghĩ cứu DN lớn hiệu ứng sẽ tốt hơn, còn vì DN lớn có nhiều nguồn lực hơn để tác động đến chính sách nhằm có lợi cho mình. Nhưng với những gì đang diễn ra, các chính phủ không còn nhiều dư địa để tăng thâm hụt ngân sách, rồi phải tăng thuế hay đương đầu với lạm phát quay trở lại, rất nhiều khả năng sẽ diễn ra quá trình chọn lọc đào thải DN.
Tiếp theo đó, hiệu ứng domino sẽ lan rộng châu Âu, đến các nước có sự liên kết chặt chẽ về thương mại đầu tư với khối này, đương nhiên trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, các DN ở Việt Nam đang gắn chặt với thị trường EU, có nhiều kỳ vọng ở Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) vừa được các bên thông qua, cần chủ động và thường xuyên theo dõi diễn biến ở lục địa già này, chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng, hy vọng cho điều tốt nhất, nhưng cũng phải chuẩn bị cho điều xấu nhất có thể xảy ra.
Vì vậy, các DN ở Việt Nam đang gắn chặt với thị trường EU, có nhiều kỳ vọng ở Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) vừa được các bên thông qua, cần chủ động và thường xuyên theo dõi diễn biến ở lục địa già này, chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng, hy vọng cho điều tốt nhất, nhưng cũng phải chuẩn bị cho điều xấu nhất có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) của Đức công bố ngày 16-6, trong 6 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Đức, khiến sản xuất sụt giảm và khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm tới. So với năm 2019, GDP của Đức sẽ giảm khoảng 5,1% trong năm 2020, trước khi phục hồi với mức tăng 3,2% trong năm 2021. Tại Tây Ban Nha, ngày 17-6, Bộ trưởng Kinh tế Nadia Calvino cho biết, so với năm 2019, kinh tế Tây Ban Nha dự kiến sụt giảm kỷ lục ở mức 11,6% trong năm 2020. Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha cho biết, kinh tế nước này có thể sẽ giảm kỷ lục ở mức 15% trong quý II, đồng thời điều chỉnh nâng dự báo năm 2020 ở mức giảm sẽ lên 9,5%, mức giảm lớn nhất trong gần một thế kỷ qua. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan dự báo, kinh tế nước này sẽ giảm 6% trong năm 2020, cao hơn mức dự báo giảm 5,5% do bộ này đưa ra hồi tháng 4, thâm hụt tài chính công sẽ tăng lên 8% GDP và tỷ lệ nợ chính phủ tăng lên khoảng 71% GDP trong năm nay. Theo thăm dò của Cơ quan Bảo hiểm – tín dụng Coface, làn sóng phá sản của các công ty tăng mạnh trên khắp EU trong nửa cuối năm 2020 và vào năm 2021. Đức, quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất của Covid-19 ghi nhận khả năng phá sản của các công ty tăng 12% từ nay đến cuối năm 2021, con số này ở Pháp là 21% và Tây Ban Nha 22%. Tuy nhiên, sự gia tăng lớn nhất về số lượng các công ty phá sản xảy ra ở Hà Lan với dự báo 36%, Vương quốc Anh và Italia là 37%. Riêng tại Pháp, đến cuối năm 2021 sẽ có tới 61.345 DN bị phá sản, nhất là các DN mới thành lập; các DN có nhiều nguy cơ phá sản nhất thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, giao thông vận tải, thương mại, may mặc, xây dựng. |