Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%. GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110USD, theo giá hiện hành tương đương 95,6 triệu đồng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 vượt xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết tâm phấn đấu của Chính phủ (6-6,5%) - mục tiêu mà cho đến tận giữa năm nay ít người nghĩ có thể đạt được sau thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Với tốc độ tăng trưởng cao vào loại hàng đầu trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, vị thế của Việt Nam được nâng cao. GDP của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á đã tăng từ vị trí thứ 4 trong 11 nước năm 2020 lên thứ 3 vào năm 2022. Trên thế giới, Việt Nam tăng 3 bậc (từ thứ 36 trong 118 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh năm 2020 lên thứ 33 năm 2022).
GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110USD cũng là cơ sở quan trọng để năm 2023 vượt mục tiêu 4.400USD và năm 2025 hiện thực hóa mục tiêu vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Quan trọng hơn cả là chất lượng tăng trưởng đã có sự cải thiện. Hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) trong 2 năm trước ở mức 14 - 15 (để tăng 1 đồng GDP phải đầu tư 14 - 15 đồng) thì năm 2022 giảm xuống dưới 6.
Bên cạnh đó, GDP tăng trưởng cao tạo tiền đề cho kim ngạch xuất khẩu lớn hơn so với nhập khẩu (371,85 tỷ USD so với 360,65 tỷ USD). Xuất siêu cao gấp 2,7 lần năm trước, và năm 2022 trở thành năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Tăng trưởng GDP cao cũng góp phần để tổng thu ngân sách vượt dự toán và góp phần gia tăng mức tiêu dùng cuối cùng, cải thiện mức sống thực tế của người dân...
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong quý 4 năm nay đã có những tín hiệu về một năm 2023 không dễ dàng. GDP quý 4-2022 ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 4, một chỉ dấu không thể bỏ qua khi xét đến tính bền vững của tăng trưởng, chỉ tăng 3%, mức tăng thấp nhất so với các quý trước trong năm 2022, do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
Có 33,7% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá gặp khó khăn, nghĩa là ít lạc quan hơn so với quý 3 (25,4%). Khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 79,7% so với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Mặc dù có những dự báo cho rằng lạm phát thế giới đã đạt đỉnh vào năm 2022 và sẽ dần dần lắng xuống vào năm 2023, nhưng tình hình được cho là vẫn hết sức phức tạp, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, rất dễ chịu tác động từ bên ngoài. Giá nguyên, nhiên, vật liệu được cho là sẽ tiếp tục tăng, trong khi 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam được dành cho nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất.
Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý giá sẽ phải theo dõi chặt chẽ tình hình và điều hành linh hoạt mới có thể đảm bảo lạm phát không vượt tầm kiểm soát (4,5% - chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua).
Những thành quả của năm 2022 là tiền đề tốt nhưng chưa thể khiến chúng ta hài lòng. Trước mắt, năm 2023, cả nước sẽ vừa phải nỗ lực tối đa để tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, thách thức nội tại nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.