Về cơ bản tôi nhất trí với những giải pháp điều hành của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong điều hành, cần lưu ý diễn biến đáng ghi nhớ trong 6 tháng đầu năm 2 nhóm hàng: nông sản, thực phẩm và xăng dầu. Trong đó, hệ thống phân phối yếu đang khiến giá cả nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm bán trong nước cao hơn xuất khẩu.
Thí dụ, nhóm hàng nông sản thực phẩm có giá cả bán lẻ ở thị trường nội địa cao hơn giá xuất khẩu đi các nước. Điển hình như mặt hàng gạo tẻ thông thường 5% tấm, giá xuất khẩu 9.000-10.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ tại các cửa hàng và siêu thị 16.000-18.000 đồng/kg. Mặt hàng đường cũng vậy.
Tồn kho đường thời điểm cuối tháng 5 là 680.000 tấn. Nhà máy bán tháo ra thị trường tự do và xuất khẩu tiểu ngạch khoảng 10.500-11.500 đồng/kg, nhưng tại các chợ cửa hàng lẻ và siêu thị đang bán giá lẻ 21.000-23.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự.
Thực tế này cho ta thấy một vấn đề chưa được giải quyết, đó là giá cả bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu ở thị trường nội địa đang cao một cách vô lý và chưa kéo xuống được, chắc chắn sẽ “đóng góp” cho chỉ số chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những số liệu chưa chuẩn xác.
Ảnh minh họa.
Về mặt hàng xăng dầu nội địa, nhân câu chuyện Bộ Tài chính đang dự thảo về việc tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, nếu thực hiện phí, thuế và một số khoản khác trong giá cơ sở xăng dầu sẽ chiếm đến gần 50% giá bán lẻ hiện nay.
Đó là điều chúng ta phải quan tâm bởi đụng chạm đến chi phí vận chuyển, sản xuất lưu thông những mặt hàng trên thị trường nội địa, làm cho năng lực cạnh tranh của DN, của sản phẩm Việt bị yếu thế ngay trên sân nhà, chưa nói đến xuất khẩu. Tính toán tỷ lệ % giữa giá xăng dầu trên thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam của các chuyên gia, cho thấy giá xăng dầu ở Việt Nam cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Pakistan.
Cụ thể, tỷ trọng của Việt Nam là 14,9%, Ấn Độ 21,19% và Pakistan 14,98%. Các nước khác xung quanh Việt Nam như Indonesia 5,91%, Thái Lan 5,77%, Trung Quốc 4,45%, còn Singapore chỉ 0,91%. Những số liệu này còn chỉ ra một thực tế đang tồn tại về xăng dầu và về vị trí thống lĩnh thị trường của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu còn phải tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.
Một câu chuyện nữa có liên quan đến giá cả và chi phí của DN bán lẻ, đặc biệt là các siêu thị và trung tâm thương mại bởi dự thảo về “quản lý ngành phân phối” Bộ Công Thương công bố trong tháng 5, đã đem lại nhiều tranh luận và đa số không đồng ý với dự thảo đó. Bởi lẽ, dự thảo quy định các siêu thị phải bán hàng quanh năm 365 ngày. Đây là điều thật vô lý khi siêu thị mở cửa cả mồng 1 tết, và thực tế ngày đó họ nếu mở cửa chắc chắn sẽ không có ai mua.
Nội dung này của dự thảo trên làm chúng ta nhớ hồi năm 2016, thành phố Hà Nội yêu cầu các siêu thị phải mở cửa từ ngày mồng 1 tết để bán hàng cho dân, đã bị hầu hết siêu thị không chấp hành và họ có lý. Câu chuyện trên cho ta thấy việc đề ra các điều kiện kinh doanh vô lý thực chất đã làm tăng chi phí khiến DN phải tính toán để đưa một phần vào giá cả bán ra cho người tiêu dùng xã hội và gián tiếp làm tăng CPI bán lẻ trên thị trường nội địa.
Các cơ quan quản lý đừng gây thêm khó khăn và tăng chi phí cho DN. Hãy thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của Chính phủ trong thời gian gần đây, tập trung tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí vô lý cho DN.
Đó là việc làm hữu ích đem lại niềm tin cho DN Việt nhỏ bé đang yếu thế nhiều mặt, đang chịu những sức ép thâm nhập của các hệ thống phân phối hùng mạnh, và hàng hóa nước ngoài đang ồ ạt xâm nhập thị trường nước ta hiện nay và trong tương lai.