“Giấc mơ Mỹ vẫn hiện hữu” - đó là nhận xét của Donna Brazile phát trên Fox News - một kênh truyền thông có xu hướng đứng về phía D. Trump, nhưng đã thay đổi thái độ khi người dân Mỹ chọn Biden chứ không phải Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 đầy biến cố ở Mỹ. Bài báo này ca ngợi bài phát biểu của Biden và Harris sau khi có kết quả bầu cử, xác định vị Tổng thống 46 của Mỹ.
Tầm vóc chủ nhân Nhà trắng mới
Tầm vóc chủ nhân Nhà trắng mới
Cây bút bình luận Donna Brazile nhận định: “Tôi cho rằng một đại dịch chết người, đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người Mỹ một cách bi thảm, nhưng vẫn diễn ra cuộc bầu cử đạt được số phiếu kỷ lục. Bằng cách đó, nước Mỹ đã chứng minh rằng bất chấp sự hỗn loạn và chia rẽ trong 4 năm qua, nền dân chủ vẫn thấm sâu trong trái tim mỗi người dân. Và bây giờ, khi cuộc bầu cử kết thúc, đã đến lúc nên bỏ lại những chia rẽ sau lưng, xích lại gần nhau. Chúng ta hãy lật sang trang mới của lịch sử Mỹ. Tôi kỳ vọng Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau và xây dựng ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay; chứng minh rằng giấc mơ Mỹ vẫn sống”.
Vì sao ứng cử viên đảng Dân chủ J. Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà trắng 2020 - một cuộc đua căng thẳng, kịch tính khiến cả thế giới hồi hộp theo dõi; đã vượt qua đương kim Tổng thống D. Trump của đảng Cộng hòa? Hành trình trở thành tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ - 78 tuổi, Biden đã trải qua nhiều thử thách gian nan và tỏ rõ ý chí không chịu khuất phục. Biden “yếu” về tuổi tác, nhưng “mạnh” về tầm vóc lão làng một chính trị gia chuyên nghiệp: 2 nhiệm kỳ với cương vị Phó Tổng thống dưới thời B. Obama, 6 nhiệm kỳ nghị sĩ và 2 lần tranh cử Tổng thống. Bản lĩnh này thể hiện rõ khi càng gần tới ngày bầu cử. Trong 2 cuộc tranh luận trực tiếp, Biden thể hiện thái độ bình tĩnh, ôn hòa nhưng quyết đoán; tỏ rõ một lãnh đạo có khả năng dẫn dắt đất nước vượt qua những thách thức.
Với chủ trương “hàn gắn lại”, Biden quyết tâm xóa đi những cách thức xử lý không hiệu quả dưới thời chính quyền Trump, nổi bật là trước đại dịch Covid-19 khiến Mỹ phải chịu số ca nhiễm và tử vong đứng đầu thế giới, tình trạng đất nước rối ren chưa từng có: Suy thoái kinh tế, mâu thuẫn sắc tộc, các lỗ hổng về chăm sóc y tế toàn dân và cải cách hệ thống tư pháp, tình trạng sở hữu sáng tạo và an ninh-trật tự xã hội…
Khi tranh cử, ông Biden đưa ra kế hoạch “Build back Better” (xây dựng lại tốt đẹp hơn). Và ngay khi thắng cử, ông Biden đã có bài phát biểu đầu tiên thể hiện quyết tâm thay đổi: “Tôi cúi mình trước lòng tin và sự tín nhiệm cử tri đã dành cho tôi, tôi cam kết sẽ trở thành một Tổng thống kiếm tìm sự đoàn kết, không gây chia rẽ; khôi phục tâm hồn của nước Mỹ, để khiến nước Mỹ được tôn trọng trên thế giới. Hãy cùng nhau chấm dứt kỷ nguyên chia rẽ, hướng về một nước Mỹ tự do và công bằng hơn. Đó là một nước Mỹ mọi người được trao cơ hội để vươn tới những giấc mơ của họ và họ tự tin có khả năng làm được điều đó”.
Để đồng hành thực hiện sứ mệnh với mình, Joe Biden chọn “phó tướng” Kamala Harris - một phụ nữ da màu có nguồn gốc nhập cư (mẹ là di dân từ Ấn Độ, cha là người da đen gốc Jamaica). Harri với cương vị Phó Tổng thống đã tạo nên trang mới lịch sử nước Mỹ: Là người phụ nữ đầu tiên đảm trách cương vị này; là người phụ nữ gốc Phi-Nam Á với “thân phận” người di cư được giao sứ mệnh lãnh đạo đất nước. Nhưng ở đây không có chuyện ăn may, mà bằng tài năng - nghị lực - đức độ của mình, Harris đã vượt qua vô vàn khó khăn trong cả quãng đường của mình để gặt hái những cái nhất: Chưởng lý đầu tiên của San Francisco là người da màu, tổng chưởng lý đầu tiên của bang California là người da màu và nay là Phó Tổng thống! Tổng thống Biden nói về phẩm chất vị phó mình chọn: Các giá trị cao quý mà cô ấy theo đuổi; cô ấy thông minh như quỷ; cô ấy thẳng như cây thông nòng súng; rất nguyên tắc và cô ấy có vô vàn kinh nghiệm làm việc tại bang lớn nhất nước Mỹ.
Đài CNN gọi chiến thắng của Harri trong cuộc đời của mình với biệt danh “Người phá vỡ các rào cản” đã tạo cảm hứng cho nhiều người, nhiều thế hệ. Một nữ sinh da màu phát biểu trên CNN: “Có cảm giác cô gái da đen như em chỉ có thể tranh cử chức lớp trưởng thôi, nhưng giờ em có thể tự tin tham gia những điều lớn lao như cô ấy”. Một người lớn tuổi da màu đã phát biểu không dấu được xúc động khi thấy Harris tự tin bước lên sân khấu sau thắng lợi tại cuộc mitting ở Carolina: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một phụ nữ như Harris vượt lên trên, thành lãnh đạo cấp cao. Thật tuyệt là cô ấy vẫn còn trẻ. Coi như cả đời này tôi thỏa mãn rồi, không tiếc nuối gì nữa…”. Harris thì phát biểu khiêm tốn, khơi gợi “giấc mơ Mỹ” mà người dân nơi đây ôm ấp bao thế hệ: “Mặc dù tôi là người phụ nữ đầu tiên trong chức vụ này, nhưng tôi sẽ không là người cuối cùng. Đã đến lúc là phải như vậy!”.
Gánh vác di sản Trump
Gánh vác di sản Trump
Về đối ngoại, để thực hiện chủ trương “hàn gắn lại” và “xây dựng lại tốt đẹp hơn”, Tổng thống đắc cử Biden có hàng núi công việc phải làm để đảo ngược, xóa bỏ hoặc giảm bớt những biện pháp cứng rắn phủ định lại các chính sách các vị tổng thống tiền nhiệm của D. Trump, như việc hạn chế, cấm công dân các quốc gia Hồi giáo nhập cư vào Mỹ; nối lại tư cách thành viên với WHO; tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; xem xét lại hiệp định TPP… Thời Trump đã phá vỡ mối liên kết giữa Mỹ và các lân bang Canada, Mexico, các đồng minh châu Âu và khối Nato; một số nước Trung Đông, châu Á… Vì vậy, việc kết nối lại với phương cách nào không hề là điều dễ dàng khi vẫn phải bảo đảm lợi ích trước tiên đối với người dân Mỹ; thực hiện việc xây dựng nước Mỹ phồn thịnh hơn.
Với từng đó vụ việc và với những gì đã cam kết với cử tri, liệu ông J. Biden có đủ thời gian và sức khỏe để cống hiến? Nhiều chuyên gia quốc tế nêu nhận định: Ở tuổi 56, Harris có thể là ứng viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2024; ông Biden vì tuổi tác được dự báo sẽ chỉ làm 1 nhiệm kỳ. Điều này làm nhiều người dấy lên hy vọng bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Riêng bà Harris không luận bàn, chọn cách im lặng và viết trên Twitter của mình: “Kết quả cuộc bầu cử vừa qua có tầm vóc lớn hơn là vì J. Biden hay tôi. Đó là cuộc bầu cử vì linh hồn nước Mỹ và sự sẵn sàng chiến đấu vì nó. Chúng ta còn rất nhiều việc ở phía trước. Hãy sẵn sàng cho điều đó”. Còn ông Biden bày tỏ khát vọng và mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình: “Bởi những trái tim nhiệt huyết và những bàn tay vững vàng; với niềm tin vào nhau, tin vào nước Mỹ và khát khao công lý - hãy cùng nhau xây dựng đất nước của chúng ta trở thành: Một đất nước đoàn kết; một đất nước được tiếp thêm sức mạnh; một đất nước được hàn gắn!”.
Trong khi đó, với thế mạnh là tổng thống đương nhiệm khi tái cử, D. Trump có đầy uy lực nhưng ông đã bị đánh bại, ghi vào lịch sử là 1 trong 4 vị tổng thống đương nhiệm trong kỷ nguyên hiện đại chỉ thắng cử 1 nhiệm kỳ, không được người dân tín nhiệm nữa. Vì sao?
Nick Bryant đã bình luận trên BBC News: D. Trump đắc cử năm 2016 vì người dân muốn một sự thay đổi. Một kẻ “ngoại đạo” trong một chính trường chuẩn mực, ông là người sẵn sàng nói những điều trước đây các chính trị gia không được phép mở miệng.
“Việc ông bất chấp quá nhiều chuẩn mực ứng xử khiến người khác bất bình. Họ ngán ngẩm vì sự hiếu chiến của ông; ông châm ngòi cho sự căng thẳng sắc tộc khi nói những lời ác ý về người da màu. Ông coi thường các đồng minh lâu đời của Mỹ và ngưỡng mộ những hình mẫu độc tài quyền lực… Việc xử lý yếu kém đại dịch corona, làm hơn 300.000 người Mỹ tử vong càng là điểm chấm đen vào di sản của ông. Sau 4 năm cạn kiệt sức lực, cử tri đơn giản muốn có một vị tổng thống với cách hành xử chuẩn mực. Họ muốn trở lại một cung cách bình thường” - N. Bryant viết.
4 năm qua Trump đã biến các vị trí trong nội các thành phần thưởng để ban phát cho những người “trung thành”, đồng thời trừng phạt “kẻ thù”! Một tổng thống giận dữ nắm trong tay nhiều quyền lực và không biết chùn tay khi sử dụng nó là điều hết sức đáng sợ. Nhà bình luận Chris Cillizza |
Tháng 11-2020