Số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ. Vì thế việc hỗ trợ, giải cứu DN đang trở nên hết sức cấp bách. DN đang kỳ vọng khai thông từ Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ.
Tình thế vô cùng khó khăn
Nói về tình hình của các DN ngành dệt may hiện nay, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, khẳng định khó nhất chính là thiếu đơn hàng. Các thị trường lớn chưa nhìn thấy tín hiệu hồi phục nhu cầu với các mặt hàng thời trang, những thị trường mới nhu cầu lại quá ít và cũng không phải dễ xâm nhập.
DN đang phải chạy lo từng đơn hàng, thậm chí lỗ cũng phải chấp nhận để duy trì việc làm cho người lao động, bởi nếu để người lao động nghỉ thì khi có đơn hàng trở lại thì xoay không kịp. Thời điểm này cũng không ai có thể dự báo về tình hình quý III. Thiếu đơn hàng không chỉ là nỗi ám ảnh của ngành dệt may mà còn là của nhiều ngành khác như da giày, thủy sản…
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn trong xu hướng tăng trưởng âm. Cụ thể, xuất khẩu dệt may giảm 17,8% so với cùng kỳ, da giày giảm 13,3%, gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 28,7%, thủy sản giảm 25,9%...
Thực tế khó khăn không chỉ đến với các DN chuyên về xuất khẩu, mà còn bao trùm cả bức tranh chung. Theo kết quả khảo sát trong tổng số 9.556 DN tham gia khảo sát, có 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.
Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy, có đến 81,4% DN có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các khó khăn, thách thức lớn nhất DN đang phải đối mặt là về đơn hàng (59,2%), tiếp cận vốn vay (51,1%), thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%), nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).
Vốn, lãi suất: đề xuất và chờ
Không ít DN trong các ngành hàng xuất khẩu như dệt may, da giày cho biết trong bối cảnh đơn hàng thiếu trầm trọng lại phải gồng mình giữ chân lao động, thì DN rất mong tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên thực tế hiện nay tiếp cận vốn vay không dễ mà lãi suất hiện có hạ nhưng rất nhỏ giọt. Gói ưu đãi lãi suất 2% cho đến nay vẫn chưa đến được với phần đông các DN do vướng thủ tục, điều kiện.
Đại diện cho tiếng nói của các DN trong ngành, phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất nên có gói vay ưu đãi lãi suất 0% để DN trả lương cho người lao động. Đơn cử như gói vay mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp DN phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, nhằm giữ chân họ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cũng đề xuất một gói vay ưu đãi nhưng câu chuyện của ngành thủy sản có đôi chút khác biệt. Cụ thể việc thiếu đơn hàng hoặc đơn hàng khách ký rồi nhưng đẩy lùi thời gian nhận hàng, khiến tồn kho tăng làm dòng tiền bị hạn chế hoặc ngắt quãng gây ra nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý là việc khó thu mua nguyên liệu cho người dân.
Vì thế phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ cần có gói vay tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng nếu có gói này, DN có thể đẩy mạnh thu mua nguyên liệu, giúp ổn định tâm lý cho người nuôi trồng để họ duy trì sản xuất. Bởi nếu người nông dân tạm dừng thả giống hoặc giảm nuôi thì khi đơn hàng có trở lại sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất, một hệ lụy đáng quan ngại.
Đáng mừng là Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất này của VASEP và yêu cầu NHNN nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho DN ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5-2023.
Tuy nhiên, theo tin từ VASEP, trong cuộc họp giữa VASEP và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cùng 10 NHTM ngày 25-5 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng dư nợ của thủy sản hiện nay là 210.000 tỷ đồng và lâm sản là 190.000 tỷ đồng. Cho nên gói đề xuất 10.000 tỷ đồng không thể đủ và không giải quyết được những khó khăn hiện nay.
NHNN dự tính sẽ báo cáo Thủ tướng là không nên đưa ra gói này, mà cần xem xét đưa ra các cơ chế khác để có giải pháp xử lý tận gốc vấn đề (như giảm lãi suất, nới room tín dụng, giảm phí, thủ tục cho vay...). Như vậy các DN lại tiếp tục chờ để có thể giải quyết được câu chuyện vốn vay, lãi suất.
Chính phủ quyết liệt vào cuộc
Trước những khó khăn hiện nay của DN, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những cuộc gặp với nhiều hiệp hội, DN để lắng nghe tình hình thực tế cũng như các kiến nghị, đề xuất.
Mới đây nhất ngày 26-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện số 470 yêu cầu các Bộ ngành địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ đã tập trung đi sâu vào tháo gỡ những khó khăn vướng mắc chủ yếu hiện nay của DN như thiếu đơn hàng, thiếu vốn, và vướng mắc về hoàn thuế.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
Yêu cầu NHNN có nhiệm vụ chỉ đạo quyết liệt hệ thống NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay thuận lợi, thông thoáng hơn.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ việc hoàn Thuế GTGT cho người dân, doanh nghiệp, hoàn thành trước ngày 28-5-2023, thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế phí.
Ngay sau công điện của Thủ tướng, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành công văn hỏa tốc gửi tới Cục Thuế các địa phương yêu cầu thực hiện ngay việc hoàn Thuế GTGT. Tổng cục Thuế đã thực hiện tổng hợp nhanh kết quả giải quyết hồ sơ hoàn Thuế GTGT tại 63 tỉnh từ ngày 1-1-2022 đến ngày 17-5-2023 đối với DN kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ (nhóm ngành từng phải “kêu cứu” vì bị chậm hoàn Thuế GTGT).
Theo đó, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết là 4.760 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn 19.100 tỷ đồng. Số hồ sơ đề nghị hoàn chưa được cơ quan thuế giải quyết là 199 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 1.119 tỷ đồng, tỷ lệ 4,18% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết.
Nhiều khó khăn đang vượt quá sức chịu đựng, nhiều DN mong mỏi có những chính sách hỗ trợ cấp bách để DN vượt khó, và kỳ vọng khai thông từ Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ.