Mỏ đất đắp tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cung cấp cho việc thi công các hạng mục dự án Phan Thiết - Dầu Giây |
Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng trữ lượng vật liệu được cấp tại các vị trí là 2,1 triệu m3 để phục vụ san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, thời tiết bất lợi, khan hiếm vật liệu đắp nên dự án đang chậm tiến độ. Hiện dự án thiếu khoảng 620.000m3 đất đắp phục vụ thi công các hạng mục đường song hành, đường gom dân sinh, đường dẫn các đầu cầu vượt…
Tại dự án đường Vành đai 3 - TPHCM (đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An), hiện nhu cầu cần khoảng 1,6 triệu m3 vật liệu đất và 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường, 1,5 triệu m3 cát xây dựng và 4,4 triệu m3 đá xây dựng. Tuy nhiên, các tỉnh, thành có dự án đi qua chỉ đáp ứng khoảng 50%, còn Đồng Nai đang loay hoay tìm mỏ vật liệu xây dựng nên khó đảm bảo tiến độ dự án do Chính phủ đề ra. Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 với vốn đầu hơn 6.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước với gần 2.500 hộ dân có đất bị thu hồi, nhưng việc giải phóng mặt bằng chưa xong, khi triển khai thi công cũng sẽ thiếu vật liệu đất đắp, san lấp… Trước tình trạng này, tỉnh Đồng Nai dự kiến sử dụng 12 mỏ đá với trữ lượng 204 triệu m3 và một số mỏ đất, đá nhưng do đang triển khai nhiều dự án, khả năng công suất khai thác từng mỏ không đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Còn tại ĐBSCL, theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện nay trên địa bàn này đang triển khai đầu tư 8 dự án đường cao tốc và 5 dự án nâng cấp, mở rộng, xây mới các quốc lộ và cầu trên quốc lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 112.600 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025, vật liệu cát cho các dự án đường cao tốc tại ĐBSCL là rất lớn, khoảng hơn 47,8 triệu m3. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau là 18,5 triệu m3; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu hơn 2,4 triệu m3; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh hơn 3 triệu m3.
Riêng 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau (thuộc cao tốc Bắc - Nam) có tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu. Vì vậy, Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long bố trí cát cho dự án nhưng hiện khối lượng chưa đảm bảo. Bộ GTVT kiến nghị các địa phương ĐBSCL rà soát, khẩn trương thực hiện nâng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác có trong hồ sơ khảo sát vật liệu và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án.
Để sớm gỡ khó nguồn vật liệu, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT hướng dẫn địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ dự án, điều tra, thăm dò, khai thác cát biển phục vụ cho các dự án san lấp. Hiện nguồn cát đắp cho dự án đường Vành đai 3 - TPHCM rất khó khăn, trong khi nguồn cung tập trung ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long nên cần rà soát để nâng công suất, mở mỏ mới để cung cấp cát đắp cho dự án.
Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động, chuẩn bị các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để giao ngay mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu, đáp ứng tiến độ thi công theo chỉ đạo của Chính phủ.
Xác định các dự án giao thông trọng điểm, các dự án đường cao tốc là những công trình ưu tiên của quốc gia, trong buổi làm việc mới đây với các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các tỉnh có nguồn cát chủ động tăng 50% công suất các mỏ cát hiện đang hoạt động; các mỏ đá, đất có thể tăng 200% công suất. Với các mỏ đang tạm thời đóng cửa, xem xét cấp phép trở lại, giám sát đánh giá tác động môi trường, xác định là cấp cho công trình trọng điểm, cao tốc Bắc - Nam, đơn giản hóa các thủ tục. Đối với các mỏ mới, phải có khảo sát, đánh giá, giám sát về môi trường, khi kết thúc thi công dự án thì chấm dứt khai thác…
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT tính toán phân bổ hợp lý nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án, bảo đảm đủ nguồn cát thi công. Về nghiên cứu vật liệu mới là cát biển để thay thế cát thông thường, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần sớm đánh giá kết quả, xem có bảo đảm chất lượng để làm đường cao tốc và đề nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá lại thiết kế quy chuẩn đường cao tốc.