Báo ĐTTC số 572 ra ngày 1-11-2012 đăng ý kiến của NĐT: "Soi CTCK qua lăng kính thị phần", đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Để bạn đọc và NĐT có thêm tham khảo, Tòa soạn ĐTTC tiếp tục trích đăng ý kiến của NĐT Vũ Thiên Việt, nhằm mổ xẻ kỹ hơn về vấn đề thị phần các CTCK.
Đẩy mạnh cho vay
Bảng xếp hạng thị phần của HOSE và HNX hiện nay mới chỉ tính toán dựa trên GTGD của các CTCK, có nghĩa là CTCK nào có GTGD càng lớn thì thị phần cũng tương ứng. Cách tính này khá đơn giản và mang tính chất "phổ cập", nhưng chưa thể hiện được "độ sâu" của bức tranh thị phần vì ngoài phí môi giới, CTCK còn thu được rất nhiều khoản khác khác liên quan đến môi giới.
Dẫn chứng: Trong BCTC 6 tháng đầu năm 2012 của CTCK TPHCM (HSC), CTCK hàng đầu về thị phần, đã được Công ty kiểm toán Ernst&Young soát xét, công bố doanh thu từ hoạt động môi giới CK đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng, nhưng doanh thu khác lên đến gần 210 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu hoạt động giao dịch ký quỹ đạt gần 115 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Doanh thu hoạt động giao dịch ký quỹ của HSC còn lớn hơn cả doanh thu môi giới, cho thấy các nguồn thu liên quan đến hoạt động môi giới "khủng" như thế nào.
Điều này cũng đồng nghĩa nếu CTCK có GTGD lớn mà cho vay ít (giao dịch ký quỹ), chưa chắc đã "thơm" bằng CTCK có GTGD thấp hơn nhưng lại cho vay nhiều. Thí dụ: NĐT mua và bán số CK có giá trị khoảng 10 tỷ đồng và sử dụng tiền thực của mình sau 30 ngày với phí giao dịch 0,2%, số tiền mà CTCK A. thu về sẽ là 40 triệu đồng.
Cũng với số CK này và trong cùng khoản thời gian, nhưng nếu NĐT chỉ bỏ ra 6 tỷ đồng và vay 4 tỷ đồng từ CTCK B. với lãi suất khoảng 0,05%/ngày thì câu chuyện sẽ khác hẳn. Ngoài khoản phí giao dịch 40 triệu đồng, CTCK B. còn thu về thêm tiền lãi cho vay 60 triệu đồng, tổng cộng 100 triệu đồng, gấp 2,5 lần CTCK A.
Như vậy, CTCK A. không cho vay, muốn thu được số tiền tương đương với CTCK B. thì phải đẩy mạnh giao dịch lên nhiều lần, phải tăng thêm 250%. Như vậy CTCK cho vay chỉ cần "dụ" được NĐT "ngâm" CK càng lâu càng tốt, hoặc đẩy mạnh nguồn tiền cho vay thì dù GTGD có ít vẫn có thể sống khỏe. CTCK muốn "sống" sẽ phải lựa chọn đẩy môi giới, gia tăng giao dịch, hoặc tăng cho vay.
Bán khống
Nhưng hiện nay NĐT ít ai dám vay rồi "ngâm" qua từng ngày, cũng chẳng ai dám giao dịch nhiều, nên CTCK lại phải tìm "chiêu" khác. Đó chính là những sản phẩm ngoài luồng mà bán khống là tiêu biểu. Tính sơ, nếu NĐT bán khống CTCK sẽ thu được các loại phí, như phí giao dịch, lãi cho vay CK và phí ứng trước. Việc phải "cõng" nhiều loại phí như vậy tương ứng cơ hội kiếm lời của NĐT cũng giảm theo, dù vậy NĐT và CTCK đều liều mình bán khống, cho thấy đây có thể là giải pháp sinh tồn cuối cùng.
Giả sử: NĐT bỏ ra 3 tỷ đồng ký quỹ cho CTCK C để có thể mượn và bán số lượng CK trị giá 10 tỷ đồng, trong khoảng thời gian 2 tuần (khoảng 15 ngày), với phí giao dịch 0,2%, thì trước tiên CTCK có thể thu về 40 triệu đồng phí giao dịch. Hiện nay, lãi suất vay CK để bán khống thường cao hơn so với lãi suất giao dịch ký quỹ khá nhiều, ở đây giả định ở mức 0,5%/tuần (25%/năm). Mặc dù đã "bỏ cọc" 3 tỷ đồng, nhưng khi tính lãi cho vay CK, CTCK tính trên 10 tỷ đồng chứ không phải 7 tỷ đồng.
NĐT theo dõi giá CP tại CTCK HSC. Ảnh: LÃ ANH |
Như vậy, nếu NĐT mượn CK trong 2 tuần, CTCK sẽ thu về 100 triệu đồng tiền lãi cho vay. Chưa kể, nếu sau khi bán ra, NĐT thấy thị trường diễn biến khó lường, sẽ phải lập tức ứng trước tiền bán để mua vào với lãi suất khoảng 0,05%/ngày, tiền phí phải trả cho 3 ngày tương ứng sẽ là 15 triệu đồng. Tổng số tiền phí mà NĐT phải "cõng" có thể lên đến gần 160 triệu đồng, xấp xỉ 2% tổng giá trị bán khống.
Sẽ có người đặt vấn đề chỉ cần bán khống 1 cách hợp lý thì ngay trong phiên, NĐT có thể lãi từ 10-14%, 2% không "nhằm nhò" gì. Nhưng thực tế, với những CP mà NĐT bán khống thường chơi, biến động về thị giá là rất khó lường, không dễ gì bắt trúng sóng, chỉ cần giá bán ra và mua vào chênh lệch được 3-4% là NĐT đã "mừng rỡ". Điều này cho thấy, số tiền thực lãi thu về nhờ bán khống là rất nhỏ, trong khi chỉ cần đặt tiền cọc và quyết định "chơi" là NĐT đã mất một khoản phí đáng kể.
Chưa kể, nếu NĐT máu ăn thua, bán khống thất bại 1 lần, lại tiếp tục gỡ lần sau, số tiền CTCK thu về lại càng lớn, mà những khoản như lãi cho vay CK, phí ứng trước lại lớn gấp nhiều lần phí môi giới. Dường như đây là hấp lực quá lớn, khiến các CTCK cả lớn lẫn nhỏ sẵn sàng "làm bậy" để tìm kiếm lợi nhuận.
Đây là 1 trong những lý do giúp nhiều CTCK vốn không có nhiều nền tảng môi giới bỗng nhiên xuất hiện trong bảng xếp hạng thị phần, vì nhiều khả năng có những CTCK trong nhóm này chính là "đại lý" bán khống.