Đã tròn một năm kể từ ngày Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế. Trong khi du lịch nội địa phát triển ngoạn mục, lượng du khách nước ngoài lại không đạt được chỉ tiêu đã đề ra.
Khi thị trường Trung Quốc mới đang trở lại, một thị trường tiềm năng mới xuất hiện, có thể trở thành trọng điểm, đó là khách du lịch Hàn Quốc.
Những con số biết nói
Theo Tổng cục Thống kê, có gần 4 triệu lượt khách nước ngoài đã đến thăm Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, đứng đầu là du khách Hàn Quốc, chiếm 26,4% (965.366 người), nhiều gấp 3,6 lần so với nhóm du khách xếp thứ 2 là du khách Mỹ (266.087 người).
Gần một triệu du khách Hàn Quốc ghé thăm Việt Nam trong năm 2022. Ảnh: Hana Tour. |
Theo Korea Joongang Daily, lượng đặt tour trọn gói ở nước ngoài đang gia tăng và Việt Nam là điểm đến du lịch số một được du khách Hàn Quốc lựa chọn, theo sau là Nhật Bản và Philippines.
Hana Tour, công ty lữ hành lớn nhất Hàn Quốc, cũng cho biết nhu cầu du lịch nước ngoài của người Hàn chủ yếu là khu vực Đông Nam Á. Tính theo khu vực, tỷ lệ đặt tour đến Việt Nam chiếm 26,2% và cứ bốn người Hàn Quốc có nhu cầu đi du lịch nước ngoài thì có một người lựa chọn Việt Nam.
Theo The Korea Herald, yếu tố khiến số lượng lớn người Hàn Quốc đến Việt Nam là xu hướng du lịch mới - "du lịch dài hạn" - kỳ nghỉ dài với nhịp độ chậm, giống đi nghỉ dưỡng.
The Korea Herald cũng cho biết thêm những người lớn tuổi hoặc các gia đình Hàn Quốc sẽ lựa chọn Đà Nẵng hay Phú Quốc cho kỳ nghỉ. Trong khi đó, giới trẻ lại thích đến Nha Trang du lịch.
Ảnh hưởng từ các chương trình thực tế
Việt Nam cũng trở thành điểm đến du lịch yêu thích tại Hàn Quốc nhờ vào sức hút của các chương trình thực tế.
Ông Nam Seok Hyun, đến từ Ilsan, đang có chuyến du lịch cùng vợ tại TP.HCM. Ông cho biết bản thân biết tới Việt Nam thông qua các chương trình truyền hình.
Ảnh hưởng từ các chương trình thực tế là yếu tố thúc đẩy nhiều người Hàn đến Việt Nam du lịch. Ảnh: KBS/YouTube. |
Ông chia sẻ độ tuổi của ông không tiếp cận nhiều thông tin trên Internet. Thay vào đó, ông thường dành thời gian xem TV. "Những chương trình trên TV nói rất nhiều về du lịch Việt Nam. Dù chưa đi sang Việt Nam nhưng tôi vẫn biết về Đà Nẵng hay TP. HCM", ông Seok Hyun nói.
Theo ông Seok Hyun, những chương trình thực tế về du lịch Việt Nam thu hút người xem nhờ được quảng bá từ chính những người đã trải nghiệm.
"Các khách mời đã ăn, đi chơi tại chính đất nước các bạn. Điều đó giúp hình ảnh du lịch Việt Nam chân thực và gần gũi hơn là các video quảng cáo thông thường", ông Seok Hyun nói thêm.
Chương trình Battle Trip phát sóng trên KBS (một trong ba đài lớn nhất tại Hàn Quốc) là ví dụ. Các khách mời sẽ chọn ngẫu nhiên một địa điểm du lịch trên thế giới, khám phá và trải nghiệm. Sau đó, họ trình chiếu cho khán giả xem và gợi ý những địa điểm du lịch hấp dẫn tại địa phương.
Chuyến đi đến Đà Nẵng của hai nữ nghệ sĩ Oh Hyun Kyung và Jung Si Ah nằm ở vị trí dẫn đầu trong 10 điểm đến hàng đầu do khán giả bình chọn của chương trình, với 99/100 khán giả bình chọn.
Người Hàn thích cà phê và bánh mì Việt
Cô Lee So Eun đến từ Hàn Quốc cho biết cô cùng gia đình đi du lịch tại Việt Nam khoảng một tuần nay và TP.HCM là điểm cuối cùng trong chuyến đi.
Nhiều người Hàn cho biết họ thích cà phê và bánh mì của Việt Nam. Ảnh: Xuân Hoát. |
Cô chia sẻ gia đình rất thích bánh mì và cà phê tại Việt Nam. "Tôi cảm thấy bánh mì và cà phê Việt Nam giống món kim chi tại Hàn Quốc. Dù bạn ăn ở bất kỳ đâu hay với bất kỳ nguyên liệu gì cũng đều cảm thấy ngon", cô So Eun trò chuyện.
Theo cô, đa phần người Hàn khi nhắc tới Việt Nam đều nói đến ẩm thực đường phố. Cà phê và bánh mì là hai món được nhiều người bảo nên thử nhất khi đến Việt Nam.
"Cha mẹ và tôi đều rất thích Việt Nam. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời ở nơi này. Cảm ơn vì đã đón tiếp chúng tôi nồng hậu", cô So Eun nói.
Cô Moon Ji Yeon, một giáo viên tiếng Hàn tại TP.HCM, chia sẻ một số lý do khiến du khách Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng.
Yếu tố đầu tiên là khoảng cách gần. Trung bình một chuyến bay từ Hàn Quốc sang Việt Nam khoảng 5 tiếng đồng hồ. Giá cả cũng là một yếu tố thúc đẩy người Hàn đi du lịch Việt Nam nhiều hơn.
Một vé một chiều cho chặng từ Incheon về Tân Sơn Nhất rơi vào khoảng 157.000-162.000 won (tương đương 2,8-2,9 triệu đồng) với các hãng giá rẻ. Với những hãng lớn như Korean Air, giá vé sẽ tầm khoảng 330.000 won (tương đương 5,9 triệu đồng).
Theo cô Ji Yeon, có rất nhiều sân bay và hãng bay khai thác chuyến đến Việt Nam. Ở Hàn Quốc, người ta hay đùa với cô rằng dù có ở vùng nông thôn bạn cũng có thể sang Việt Nam.
Cô cũng chia sẻ thêm Việt Nam thu hút du khách Hàn nhờ có sự đa dạng về địa điểm du lịch và thức ăn ngon. Dẫu vậy, du khách Hàn cũng gặp một vài khó khăn khi đến Việt Nam.
Tại những điểm du lịch nổi tiếng với người Hàn như Đà Nẵng, phiên dịch viên có rất nhiều. Tuy nhiên những nơi khác lại không được như vậy.
"Bạn tôi đã ghé thăm miền Tây đầu năm nay nhưng không có phiên dịch viên tiếng Hàn. Vì thế, chuyến đi của cô ấy gặp nhiều khó khăn. Người Hàn thường không rành tiếng Anh nên chúng tôi sẽ không biết cách giải quyết nếu có tình huống nguy cấp", cô Ji Yeon tâm sự.