Hoang tàn Nhà máy Ethanol Dung Quất
Mới đây, phóng viên Báo SGGP đã tìm đến Khu kinh tế Dung Quất để ghi nhận thực tế nhà máy Ethanol tại đây. Giữa trưa nắng như thiêu như đốt, những kho sắt xù xì bề thế vốn là các bể chứa, ống dẫn, khu xử lý nguyên liệu, nhiên liệu sinh học và cồn, đang dần xuống cấp, gỉ sét. Cả khuôn viên khu đất 24ha từng là đất đai, ruộng nương của người dân thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận) nay ngổn ngang những khối sắt vô hồn, bỏ hoang giữa cỏ dại.
Bà Trần Thị Loan (59 tuổi, người dân thôn Đông Lỗ) chua xót kể: “Trước khi xây dựng nhà máy, nhà tôi có 9 khoảnh ruộng, làm lụng đủ sống qua ngày. Năm 2002, dự án Ethanol Dung Quất triển khai, chính quyền địa phương vận động, người dân chấp nhận nhường đất cho dự án với giá bồi thường chỉ vài chục ngàn đồng/m2.
Đến năm 2014, nhà máy hoạt động, phát sinh hôi thối, dân kêu trời thì chính quyền và doanh nghiệp tổ chức di dời dân. Nhà tôi đành nhường hết đất vườn, đất ở với diện tích 1.800m2. Khi bồi thường, chính quyền đã thu hồi sổ đỏ, nhưng chờ mãi không thấy bố trí tái định cư, nên hơn 10 năm qua chúng tôi “sống kẹt” cạnh nhà máy”. Sống thấp thỏm, nhà cửa xuống cấp nhưng gia đình bà Loan không dám nâng cấp, xây mới. Con cái lớn dựng vợ gả chồng cũng không có đất ở, chẳng còn đất làm ruộng.
Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết, có nhiều hộ dân tại địa phương chung tình cảnh như gia đình bà Loan. Địa phương đã đề xuất các cấp xem xét hủy thông báo và quyết định thu hồi đất trước kia để khoanh nợ, giải quyết khó khăn cho các hộ dân ven nhà máy Ethanol Dung Quất. Tuy nhiên, việc hủy bỏ thông báo, quyết định thu hồi đất này rất khó thực hiện, nên mọi chuyện đang chờ…
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (công ty mẹ của Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) - chủ đầu tư nhà máy Ethanol Dung Quất), Dự án nhà máy Ethanol Dung Quất khởi công giữa năm 2009, với tổng vốn ban đầu gần 1.850 tỷ đồng, sau đó đội lên 2.100 tỷ đồng. Ngày 1-1-2014, nhà máy chính thức vận hành thương mại.
Tuy nhiên lúc đó nhà máy liên tục thua lỗ do giá bán ethanol ngoài thị trường thấp hơn 2.000 đồng/lít so với giá thành sản xuất. Tháng 4-2015, nhà máy đóng cửa, đến tháng 3-2016 thì “đứt vốn lưu động”, tạm ngừng trả lương cho người lao động. Tình cảnh nhà máy ngày càng khó khăn do hoạt động thua lỗ.
Ghi nhận trong báo cáo, tính đến ngày 31-12-2023, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn 1.532,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.588 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán khoảng 1.566,7 tỷ đồng. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tính đến ngày 31-12-2023 gồm: lãi vay khoảng 439,6 tỷ đồng, số dư gốc vay khoảng 1.127,1 tỷ đồng. BSR-BF đã thế chấp toàn bộ nhà cửa, máy móc, thiết bị và các tài sản cố định hữu hình từ Nhà máy Ethanol Dung Quất để đảm bảo cho khoản tiền vay ngân hàng…
Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ Công ty BSR-BF, đại diện công ty cho biết vắn tắt: “Nhà máy dừng hoạt động lâu rồi. Các khó khăn, công ty đã kiến nghị nhiều lần lên tập đoàn, trung ương, Chính phủ nhưng không giải quyết được. Rất khó khăn”. Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin: “Tỉnh rất mong muốn dự án được tháo gỡ, khởi động trở lại chứ ngừng hoạt động rất lãng phí cả về đất đai, nguồn vốn, tài sản đầu tư. Mọi việc đang chờ Chính phủ xem xét, chỉ đạo”.
Nhiều cá nhân vướng… vòng lao lý
Ngược ra phía Bắc, chúng tôi tìm đến vùng quê xã Vạn Xuân (xã Văn Lương trước đây, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) để tìm hiểu thực trạng Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ. Qua ghi nhận, quy mô nhà máy khá lớn nhưng đã bỏ hoang từ lâu, không có bất cứ hoạt động gì, các hạng mục hiện trở thành “đống sắt” khổng lồ. Nhà máy chưa cung cấp ra thị trường một giọt xăng nào dù nằm dầm mưa dãi nắng gần 15 năm qua, hàng ngàn tỷ đồng chôn vùi trong đống sắt và lãi phát sinh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm!
Trông coi đại dự án bỏ hoang này có 2 tổ bảo vệ, một tổ do ngân hàng thuê và một tổ do Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Phú Thọ (PVB) thuê. Một bảo vệ cho biết, tổ của nhà máy gồm 10 người chia 2 ca túc trực ngày đêm. Do bên trong cỏ mọc um tùm, đất rộng hàng chục hécta, nên nhóm bảo vệ tranh thủ mua ít lưới quây để nuôi gà, ngỗng…
Liên hệ với chính quyền địa phương, một phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho biết, dự án do trung ương quản lý, địa phương không nắm rõ. Nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị làm sao nhanh chóng tháo gỡ bế tắc, giải quyết việc làm cho địa phương, vì bỏ hoang như vậy hết sức lãng phí.
Quang cảnh Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: GIA KHÁNH
Theo hồ sơ, dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ do Công ty PVB quản lý, chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), được khởi công từ tháng 6-2009 trên diện tích 50ha, chủ yếu là đất trồng lúa của 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương (nay là Vạn Xuân), với vốn đầu tư ban đầu là 1.700 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 2.484 tỷ đồng. Nhưng sau khi đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, dự án “đắp chiếu” từ năm 2011 đến nay.
Thông tin từ Thanh tra Chính phủ, từ cuối năm 2016 đã có kết luận về sai phạm trong đại dự án nói trên. Cụ thể, sau khi Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có chủ trương đầu tư và chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện 3 dự án sản xuất ethanol tại 3 tỉnh: Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước (công suất mỗi nhà máy là 100 triệu lít/năm; nguồn vốn do các cổ đông góp 30%, còn lại vay tín dụng thương mại 70%).
Đến thời điểm cơ quan thanh tra vào cuộc (tháng 12-2014), các dự án Ethanol Dung Quất và Bình Phước đã đầu tư xong; riêng dự án Ethanol Phú Thọ được triển khai sớm nhất (tháng 9-2009) nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11-2011.
Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án nhiên liệu sinh học, dẫn đến phải dừng thi công, trở thành hoang hóa kể từ đó cho đến nay, thế nhưng vẫn phải trả lãi các khoản nợ ngân hàng, trả lương cho bảo vệ trông coi. Liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ, hàng loạt nguyên lãnh đạo PVN, PVB, nhà thầu thi công cùng nhiều cá nhân liên quan đã bị khởi tố, đưa ra xét xử vì sai phạm về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhà máy Ethanol Bình Phước: Lỗ chồng lỗ
Có mặt tại Nhà máy Ethanol Bình Phước (OBF), tọa lạc tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, vào trung tuần tháng 6-2024, chúng tôi thấy đóng cửa im lìm. Ông Nguyễn Văn Ẩn, bảo vệ nhà máy, cho biết, nhà máy ngừng hoạt động hơn 10 năm qua, hiện có 10 bảo vệ trông coi và 2 lãnh đạo công ty, 2 thợ bảo trì máy móc.
Nhà máy này do OBF làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 84 triệu USD, là kết quả sự hợp tác giữa Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản). Theo thỏa thuận ban đầu, PVOIL chiếm 51% vốn, ITOCHU chiếm 49%. Đầu năm 2010, PVOIL chuyển giao 22% cho Công ty LICOGI 16 và ITOCHU cũng đã rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp.
Nhà máy được khởi công xây dựng tháng 10-2010 và đến tháng 4-2012 bắt đầu chạy thử để cho ra những lít xăng sinh học đầu tiên, nhưng để nghiệm thu chứ chưa vận hành thương mại.
Đến năm 2015, nhà máy vận hành được khoảng 1 tháng rồi ngưng; năm 2018, sau thời gian duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống máy móc, nhà máy cố gắng vận hành trở lại nhưng không được, do giá sắn cao, xăng sinh học không tiêu thụ được, nên tiếp tục ngưng. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc dừng hoạt động nhà máy này từ năm 2013 đến nay khiến OBF thua lỗ nặng.
Tính đến cuối năm 2018, OBF thua lỗ khoảng 1.280 tỷ đồng và đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỷ đồng, trong đó PVOIL mất 198 tỷ đồng, ITOCHU mất 339 tỷ đồng và LICOGI 16 mất 122 tỷ đồng. Tính đến năm 2020, OBF không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.