Tăng lỷ lệ giữ lại ngân sách TP.HCM 32% để phát triển hạ tầng
Theo chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới thời gian tới có dấu hiệu “ấm lên”, lãi suất ngân hàng và lạm phát đã hạ nhiệt, đây cũng là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm. Theo PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, hàng tồn kho tại Mỹ, Châu Âu đã đạt đỉnh vào tháng 4 vừa qua và đang giảm. Quá trình sản xuất sẽ dần hồi phục trở lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường này nhập hàng hàng mới. Bên cạnh đó, khi lạm phát đã giảm, nhiều ngân hàng Trung ương thế giới sẽ không tiếp tục tăng lãi suất.
Còn trong nước thì lãi suất đã giảm, đồng thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các gói hỗ trợ, đầu tư công sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới, vì nó được triển khai từ tháng 3, tháng 4, đây sẽ lực đẩy mạnh cho nền kinh tế nước ta.
Hiện nay, đầu tư công đang tăng tốc và tác động của các gói mở rộng tài khóa, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chúng ta còn dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện các gói kích thích kinh tế.
Còn PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định nên sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cần có giải pháp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kích cầu không phải giảm thuế VAT mà phải giảm giá gốc từ sản phẩm và đẩy mạnh triển khai đầu tư công.
Hiện nay, ngành du lịch còn dư địa rất lớn để phát triển nên chúng ta cần phát huy lợi thế này của Việt Nam. Du lịch thì không chỉ cần ăn ngon, cảnh đẹp, an toàn mà cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục visa và giảm giá cước vận tải. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay để kích cầu trở lại chúng ta có thể đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở TP.HCM.
“Cách đơn giản là chúng ta đầu tư cho TP.HCM trở thành đầu đàn, nơi dễ dàng trở thành trung tâm tài chính, logistic, du lịch… Để làm được điều này, chúng ta cho TP.HCM nâng tỷ lệ giữ lại nguồn thu ngân sách như Hà Nội, nâng tỷ lệ giữ lại từ 21% lên 32%, khi chúng ta tăng thêm 10% thì có thêm khoảng 50.000 tỷ đồng thì có thể làm 250km đường cao tốc trong 1 năm thì mọi thứ sẽ phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch”, GS. TS. Nguyễn Đức Trung nói.
Cần cơ chế thí điểm để hoàn thiện chính sách về kinh tế số
Theo ông Phạm Bình An, Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất xanh, chuyển đổi số và kinh tế số.
Để phát triển kinh tế số cần chọn nơi làm thí điểm giống như sandbox (hộp cát) và từ đó có cơ cơ chế, chính sách hoàn thiện để nhân rộng ra cho doanh nghiệp cả nước thực hiện. Vì hiện nay, cơ chế pháp lý cho kinh tế số chưa hoàn thiện để doanh nghiệp mạnh dạn làm. Đồng thời, một số người còn hiểu kinh tế số chủ yếu còn bó hẹp ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
“Hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho sandbox rất thiếu, trong khi TP.HCM rất năng động nhưng thiếu những sandbox giúp cho doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo. Chúng ta cần có Sandbox, trong đó trẻ con, doanh nghiệp cứ làm thoải mái ở trong 1 hộp đó, nhưng chỉ được làm những việc ảnh hưởng trong khuôn khổ được kiểm soát. Từ Sandbox thí điểm này, sau đó chúng ta rút kinh nghiệm và có khung pháp lý hoàn thiện để thực hiện”, ông Phạm Bình An đề xuất.
Diễn biến kinh tế thế giới thời gian tới sẽ có dấu hiệu tích cực, nhưng diễn biến vẫn khó lường, bất định nên doanh nghiệp cần cảnh giác với lạm phát và cần linh hoạt, tăng khả năng thích ứng với những biến đổi của thị trường.