Trong thời điểm khó khăn đó, các nhà máy điện khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được huy động, bù đắp một phần không nhỏ lượng điện thiếu hụt.
Tầm quan trọng của điện khí trong chiến lược phát triển
Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định đến 2030, nguồn nhiệt điện khí (nhiệt điện LNG chiếm 14,9%) chiếm tỷ trọng trên 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Cụ thể, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy sử dụng khí trong nước đạt 14.930MW (chiếm 9,9%), sản xuất 73 tỷ kWh, đối với nguồn điện LNG tối đa đạt 22.400MW (14,9%), sản xuất 83,5 tỷ kWh.
Định hướng đến 2050, nhiệt điện khí trong nước chuyển sử dụng sang LNG 7.900MW (1,4-1,6%) và dự kiến chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro 7.030MW (1,2-1,4%), điện năng sản xuất 31,6-31,9 tỷ kWh. Đối với các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng hydro, tổng công suất 25.400MW, sản xuất 129,6-136,7 tỷ kWh.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hồi tháng 11-2021 đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, LNG được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đầy tiềm năng, đồng thời giúp huy động và thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Mặt khác, để bảo đảm trung hòa carbon vào năm 2050, tất cả phương án đề xuất tính toán đều phải thực hiện chuyển đổi năng lượng và tuân thủ các nguyên tắc chung. Nguồn điện LNG chỉ phát triển các nguồn điện LNG trước năm 2035, sẽ chuyển dần sang sử dụng hydrogen (tăng dần tỷ trọng đốt kèm) và chuyển hẳn sang sử dụng hydrogen khi công nghệ thương mại hóa và giá thành phù hợp.
Nghị quyết 55/NQ-BCT về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 yêu cầu phải chú trọng phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí LNG, đồng thời phải ưu tiên phát triển hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG.
Theo hướng này, gia tăng tỷ lệ nhiệt điện khí LNG trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đã được triển khai. Điện khí LNG được kỳ vọng sẽ dẫn đầu trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, đáp ứng một phần lớn công suất theo nhu cầu dự kiến vào năm 2030.
Cần cơ chế đồng bộ phát triển điện khí
Chủ trương của PVN kể từ khi thành lập đơn vị thành viên Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) vào năm 2007, đến nay đã tập trung vào lĩnh vực điện khí, tận dụng nguồn khí được khai thác và đưa vào bờ, ưu tiên sử dụng cho phát điện chủ động tích cực đầu tư phát triển nhiệt điện khí trên cơ sở chiến lược sử dụng nguồn khí thiên nhiên, từng bước nâng cao tỷ lệ nhiệt điện khí nhằm phát huy thế mạnh của tập đoàn.
Cho đến nay, cả 4 nhà máy điện khí, gồm Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 2.700MW do PV Power quản lý, vận hành đều mang lại hiệu quả cao, là điểm sáng phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Hiện nay, PV Power đang triển khai đầu tư, bám sát tiến độ các dự án điện khí lớn như Nhơn Trạch 3 và 4, và gần đây nhất là dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh…
Điều này càng khẳng định hướng đi đúng đắn của Petrovietnam, từng bước khẳng định vai trò, vị trí tầm quan trọng của điện khí ở nhiều giai đoạn.
Để đáp ứng mục tiêu, chiến lược năng lượng quốc gia những năm tới, hiện nay PVN đang tập trung các nguồn lực vào các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp khí, như kho cảng nhập LNG Thị Vải (giai đoạn 2 nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm); kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ (công suất 3,6 triệu tấn/năm); khí Lô B (công suất 6,4 tỷ m3/năm); chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh (công suất 7-9 tỷ m3/năm).
Đặc biệt, với chuỗi dự án Khí - Điện Lô B, Cá Voi Xanh, có thể nói đây là các dự án phức tạp về công nghệ phải thực hiện đồng bộ từ khâu thượng nguồn (khai thác khí), trung nguồn (đường ống dẫn khí) và hạ nguồn dầu khí (các nhà máy điện).
Song song đó, PVN gấp rút triển khai việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trên nguyên tắc sử dụng tối đa công suất hệ thống hiện hữu (đường ống, trạm thu gom, xử lý…); nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng các hạ tầng công nghiệp khí mới; liên kết các hệ thống hạ tầng khí nhằm tăng sự chủ động trong việc điều tiết tiêu thụ khí.
Đồng thời, chú trọng chế biến và chế biến sâu, dành 5-8% tổng sản lượng khí vào bờ cho chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị khí.
Trong phần trữ lượng đã phát hiện chưa khai thác, trữ lượng từ các dự án khí lớn như Lô B, Cá Voi Xanh chiếm tới 30%, bằng với trữ lượng còn lại của các mỏ đang khai thác. Đây là các dự án khí lớn, việc phát triển các dự án này đem lại hiệu quả và lợi ích tổng thể rất lớn cho Nhà nước.
Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi các dự án khí điện như dự án Khí Lô B và Cá Voi Xanh còn cần những cơ chế đồng bộ cho thị trường khí và thị trường điện, hiện chúng ta vẫn chưa có các cơ chế này. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ triển khai các dự án. Do đó, trong giai đoạn tới PVN tiếp tục nỗ lực ưu tiên tối đa các nguồn lực để triển khai các dự án khí này.
Giai đoạn 2025-2030, PVN phấn đấu đưa các dự án khí lớn vào khai thác, bao gồm dự án Lô B (quý IV-2026), Sư Tử Trắng - Pha 2 B (tháng 9-2026) và Cá Voi Xanh (năm 2028). Ngoài ra, PVN lập kế hoạch phát triển, đưa vào khai thác các mỏ nhỏ, cận biên như các mỏ khí Hoa Mai, Báo Vàng, cụm mỏ Khánh Mỹ - Đầm Dơi - Phú Tân...
Bên cạnh đó, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí như Lô B, Cá Voi Xanh..., PVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ/ngành tại nhiều văn bản để xem xét ban hành các cơ chế nhằm thực hiện Quy hoạch điện VIII trong đó có lĩnh vực phát triển nguồn điện khí nói riêng.
Nền kinh tế đang đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng sạch từ than sang khí và coi điện khí là mũi nhọn trong thời gian tới, là hướng đi đúng đắn của ngành năng lượng Việt Nam.