Hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TPHCM

(ĐTTCO)-Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở QH-KT vừa hoàn thiện Đề án nhánh về định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TPHCM. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố và các huyện xác định trọng tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, qua đó hình thành các khu đô thị vệ tinh.
Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi
Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi

Hình thành 4 khu đô thị ngoại vi

Thời gian qua, các khu đô thị (KĐT) mới giữ chức năng là vệ tinh cho đô thị hiện hữu đã được thành phố quy hoạch. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan và thiếu nguồn lực thực hiện nên nhiều KĐT mới vẫn đang trong tình trạng “treo”.

Điển hình như KĐT Tây Bắc đã được quy hoạch từ năm 2007 ở phía Tây Bắc thành phố, trải dài trên địa bàn các huyện Củ Chi và Hóc Môn, rộng khoảng 6.000ha, nhưng hơn 15 năm qua vẫn chưa thể phát triển như mong muốn.

Ở khu vực phía Nam, KĐT Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được quy hoạch 1.354ha nằm trong tổng thể KĐT cảng Hiệp Phước (diện tích 3.900ha) cũng “án binh bất động” vì chưa có nhà đầu tư. Đây là KĐT mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển.

Còn khu vực phía Tây hiện là khu trung tâm hành chính của huyện Bình Chánh, được xem là KĐT phát triển nhất của huyện này.

Riêng huyện Cần Giờ, cực Nam hướng ra biển có KĐT lấn biển Cần Giờ rộng 2.970ha, trong tương lai gần sẽ là hướng phát triển chủ đạo của thành phố.

Trong Đề án nhánh về định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TPHCM đã xác định, trong tương lai, 4 KĐT gồm Tây Bắc, Hiệp Phước, Tây Bình Chánh, Cần Giờ sẽ là các đô thị tiên phong, đóng vai trò bứt phá của các huyện ngoại thành và được phát triển theo mô hình thành phố ngoại vi hay còn gọi là đô thị vệ tinh.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở QH-KT TPHCM, trên cơ sở đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, kết nối dịch vụ, việc làm và nơi ở cũng như chất lượng hạ tầng tại chỗ, các KĐT vệ tinh hình thành cần thu hút được các dự án phát triển đô thị quy mô lớn. Trên cơ sở này, Sở QH-KT đã khuyến nghị UBND TPHCM tiếp tục rà soát hoàn chỉnh các nội dung về quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng huyện và xác lập danh mục điều chỉnh quy hoạch khu vực ngoại thành để quản lý phát triển bền vững, chủ động đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện.

Đồng thời gắn quy hoạch xây dựng vùng huyện với quá trình ban hành các chính sách tổ chức thực hiện và giải pháp triển khai đầu tư xây dựng. UBND TPHCM nên thường xuyên cập nhật, công bố thông tin các dự án phát triển mới, các kế hoạch của thành phố, quận, huyện trong việc sử dụng đất để người dân biết, giám sát thực hiện và yên tâm sinh sống; giúp người dân có thể chủ động trong việc khai thác quỹ đất phù hợp với tiến độ của dự án; đảm bảo việc phát triển các khu công nghiệp đồng bộ với việc quy hoạch, phát triển nhà ở và các điều kiện hạ tầng xã hội…

* KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM: Phân khu theo chức năng phát triển của từng khu vực

Việc mở rộng không gian đô thị là cần thiết, cụ thể là xây dựng các KĐT mới xung quanh lõi đô thị TPHCM. Chính việc này sẽ giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương, đồng thời thu hút người dân từ nơi khác đến. Không chỉ thế, điều này vừa giúp giãn dân ở khu vực trung tâm thành phố, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực phát triển mới.

Về phương án thực hiện, với KĐT hiện hữu, thành phố tiếp tục phát triển theo hướng chỉnh trang, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dựa trên việc kiểm soát tăng dân số, kiểm soát tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Với các khu vực phát triển mới, thành phố phân thành khu dân dụng; khu, cụm công nghiệp; hệ thống hạ tầng xã hội (văn hóa, giáo dục, y tế…); các khu vực bảo tồn (rừng phòng hộ, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ…), qua đó điều chỉnh quy hoạch theo chức năng phát triển của từng khu vực.

Kỳ vọng khu đô thị du lịch lấn biển

Năm 2018, UBND TPHCM đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ quy mô 600ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Đến tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600ha lên 2.870ha, với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, kể từ ngày 11-7-2007 cho phần diện tích 600ha và 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được thông qua quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện được đảm bảo trong khoảng 11 năm, kể từ ngày được ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tháng 2-2021, UBND TPHCM ban hành 4 quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ. Đầu năm 2023, UBND huyện Cần Giờ đồng ý cho Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ được xây dựng công trình tạm là hàng rào phục vụ thi công dự án KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ.

Một góc cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một góc cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trước đó, tháng 9-2022, Thành ủy TPHCM đã ban hành Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Trong đó, TPHCM xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Mục tiêu đặt ra, tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2030 của huyện tăng 20,7%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/năm.

Thành ủy TPHCM xác định phải triển khai hiệu quả chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030-2040 để Cần Giờ trở thành hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000, quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ. Hội đồng thẩm định do ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT làm chủ tịch; lãnh đạo Sở TN-MT làm phó chủ tịch. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định còn có 14 ủy viên là Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ và lãnh đạo các sở, ngành của TPHCM. Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia góp ý, phản biện nội dung quy hoạch và các vấn đề liên quan KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ.

Kết luận của hội đồng là một trong các cơ sở để cơ quan thẩm định tổng hợp và yêu cầu cơ quan trình thẩm định tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Đây là bước đi cần thiết, cẩn trọng của TPHCM trước khi triển khai thực hiện đầu tư “siêu cảng” trung chuyển quốc tế trị giá 6 tỷ USD đã được xác định trong Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đẩy nhanh các dự án hạ tầng kết nối

Theo Sở QH-KT TPHCM, để phát triển các huyện ngoại thành gắn với các trung tâm thứ cấp theo mô hình đô thị vệ tinh hay ngoại vi, các khu vực như KĐT Tây Bắc, Cần Giờ phụ thuộc vào tiến độ các dự án kết nối như tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai và cao tốc.

KĐT cảng Hiệp Phước là khu vực có tiềm năng, gần trung tâm thành phố nhưng rất cần đầu tư hạ tầng kết nối nhanh theo hướng dọc (đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia) và kết nối ngang (đường Vành đai 4) để thu hút đầu tư các dự án lớn. Cần tạo cơ hội phát triển bứt phá KĐT tiên phong cảng Hiệp Phước để mở đường cho các dự án lớn có thể triển khai sau năm 2030, cùng các dự án chiến lược kết nối nhanh cho vùng.

Huyện Bình Chánh có cơ hội phát triển khu Tây trở thành đô thị tiên phong nếu nhìn từ quỹ đất và vị trí, song thiếu kết nối nhanh, hệ sinh thái các ngành gia công có giá trị gia tăng thấp sẽ cản trở khả năng vươn lên tầm cao.

Theo đề án nhánh về định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TPHCM, hiện tổng nguồn lực được phân bổ cho đầu tư hạ tầng các huyện ngoại thành giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 91.000 tỷ đồng. Cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD).

Các tin khác