Đáng nói hơn, nền kinh tế của Việt Nam không chỉ bị tác động bởi những bất ổn vừa nêu, mà còn phải chịu đựng những đớn đau tột cùng của cuộc đại phẫu thuật chưa từng có trong lịch sử.
Quá trình xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, siết chặt thị trường vàng và kiểm soát bong bóng giá bất động sản, lại được đặt trong bầu không khí nặng nề của công cuộc chống tham nhũng, đã phần nào khiến cho các động cơ tăng trưởng trở nên chậm lại và tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng rất nhiều.
Quá trình giãn cách xã hội và phong tỏa kinh tế để chống dịch trong năm 2020, đã tiếp tục giáng một đòn chí mạng vào các thị trường như chứng khoán và bất động sản, tâm lý lạc quan và kỳ vọng tăng trưởng cũng “đóng băng” tương tự như các hoạt động kinh tế.
Nhưng có lẽ trong những ngày xuân đầu tiên của năm 2021, sự sôi động và nóng lên của các hoạt động kinh tế cũng đã làm cho các tảng băng bi quan bắt đầu tan chảy.
Từ sự hồi phục của các thị trường
Từ sự hồi phục của các thị trường
Mặc dù bản đồ tăng trưởng của kinh tế thế giới tràn ngập một màu đỏ, thì kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng trưởng dương với tốc độ 2,91% nhờ kết quả chống dịch thành công và các gói kích thích kinh tế toàn diện của Chính phủ.
Thị trường chứng khoán và bất động sản luôn đặc biệt nhạy cảm đối với các yếu tố vĩ mô. Chính vì vậy, kỳ vọng về những tín hiệu lạc quan của năm 2021, dòng vốn đầu tư giá rẻ đang cần “chỗ trũng” để chảy vào, nỗ lực khởi động lại bộ máy kinh tế đang hoạt động cầm chừng, là những yếu tố đã thúc đẩy cho giá chứng khoán và giá bất động sản bắt đầu nóng lên trong suốt gần một tháng qua.
Thanh khoản trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM đã liên tục tăng mạnh. Thậm chí nhiều phiên giao dịch đã bị gián đoạn khi số lượng lệnh chạy vào sàn đã vượt khả năng xử lý của hệ thống. Khối lượng giao dịch lớn và liên tục tăng mạnh như vậy đã phản ánh một lượng lớn dòng vốn đang dồn vào kênh chứng khoán. Kết quả là các chỉ số chứng khoán cũng đã liên tục tăng trong gần một tháng quá.
Mặc dù bản đồ tăng trưởng của kinh tế thế giới tràn ngập một màu đỏ, thì kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng trưởng dương với tốc độ 2,91%. Và khi các điều kiện kinh tế vĩ mô tốt lên cũng khiến cho các điều kiện tài chính được nới lỏng, rủi ro giảm xuống, ngân hàng sẽ giảm các điều kiện cho vay và giải ngân mạnh mẽ hơn. |
Ở khía cạnh nhà đầu tư, việc các thị trường bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng cũng tạo ra một hiệu ứng tâm lý lạc quan. Người ta sẽ cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để rời khỏi các kênh trú ẩn, thay đổi hành vi tiêu dùng và đầu tư theo hướng tích cực.
Khi đó, các doanh nghiệp có động lực để tái khởi động các dự án và kế hoạch kinh doanh. Điều này sẽ tạo ra việc làm, thu nhập và cải thiện niềm tin người tiêu dùng. Khi đó, người ta sẽ tự tin trút hầu bao, gồm cả các khoản tiết kiệm dành dụm trong suốt một năm gian khó để tìm kiếm cơ hội đầu tư và quay trở lại với các thị trường.
Các điều kiện kinh tế vĩ mô tốt lên cũng khiến cho các điều kiện tài chính được nới lỏng, rủi ro giảm xuống, ngân hàng sẽ giảm các điều kiện cho vay và giải ngân mạnh mẽ hơn. Suốt năm 2020, Covid-19 cũng đã “điều chỉnh” giá tài sản của các kênh đầu tư một cách đồng loạt. Điều này khiến cho những món đầu tư giờ đây có vẻ đã “mềm” hơn, nó càng làm cho người ta ra quyết định dễ dàng hơn.
Tất cả những điều này có khả năng sẽ làm cho các kênh đầu tư chính yếu của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong suốt năm 2021 và điều này cũng rất có thể dẫn đến sự hình thành một chu kỳ bong bóng giá tài sản mới.
Đến khả năng bong bóng tài sản và các bất ổn vĩ mô
Covid-19 đã tàn phá sức khỏe của con người như thế nào, thì các gói giảm đau kinh tế cũng tạo ra các hệ lụy to lớn cho sức khỏe của nền kinh tế một cách tương tự. Trong ngắn hạn quả thật không có điều gì phải bàn cãi về tính cần thiết, cũng như sự hợp lý của các gói giải cứu kinh tế để chống đổ vỡ và tạo ra sự ổn định vĩ mô, nhưng đồng thời phải cần thừa nhận rằng phí tổn của chính sách là không nhỏ.
Ví như những liều thuốc cấp cứu và giảm đau tức thì được tiêm vào cơ thể người bệnh lúc nguy kịch để giúp duy trì sự sống, thì những tác dụng phụ lên cơ thể trong dài hạn là vô cùng đáng sợ.
Cụ thể đối với nền kinh tế lúc này đó một gánh nặng tài khóa, kèm với một lượng tiền rất lớn đã được bơm mạnh qua các kênh truyền dẫn khác nhau trong nửa cuối năm 2020 để duy trì các hoạt động kinh tế, giữ an toàn cho thị trường tài chính và tiếp sức cho doanh nghiệp, liệu có được hấp thụ và chảy vào đúng đối tượng, hướng vào sản xuất, kinh doanh và đầu tư hay lại chảy vào các kênh và sản phẩm đầu cơ?
Một lẽ đương nhiên là sức khỏe nền kinh tế vốn còn ốm yếu, thì khó có thể hấp thụ hết một lượng lớn “thuốc bổ” như vậy. Doanh nghiệp cần có thời gian và các yếu tố cần thiết để khôi phục lại sản xuất và đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động liên quan. Nói chung, khu vực kinh tế thực, sản xuất ra hàng hóa và tài sản vật chất luôn phản ứng chậm chạp và cần độ trễ lớn.
Trong khi thị trường tài chính lại hoàn toàn ngược lại, các giao dịch tài chính phản ứng rất nhanh chóng và vô cùng linh hoạt. Trong một ngày thị trường chứng khoán và các kênh tương tự có thể hấp thụ một lượng vốn đôi khi mất cả năm khu vực kinh tế thực mới có thể dùng hết. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ của các bong bóng giá tài sản.
Có một câu nổi tiếng: đầu cơ là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Trong hoàn cảnh hiện nay, đó là một điều mà các nhà hoạch định và điều hành chính sách phải chú ý và lưu tâm.
Điều này tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay.
Điều này tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay.
Một mặt, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đảm bảo các điều kiện tài chính được nới lỏng, giữ mặt bằng lãi suất thấp, sự chu chuyển vốn thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hạn chế tối đa các ma sát tài chính. Thế nhưng đó là khi các dòng tiền này chảy vào đúng các kênh cần thiết: sản xuất và đầu tư.
Nhưng khi vốn rẻ và các kênh đầu tư thực, sản xuất-kinh doanh cần có thời gian để gia tăng giá trị, thì đầu cơ sẽ tỏ ra hấp dẫn và dễ thu hút dòng tiền chảy vào tài sản tài chính, các giao dịch mua đi bán lại, lướt sóng đầu cơ.
Hơn nữa, thị trường cũng hiểu rằng tình trạng nguồn vốn giá rẻ sẽ không tồn tại lâu, họ càng tranh thủ tối đa để hướng dòng tiền vào các kênh đầu cơ để tận dụng thời cơ khi giá các tài sản còn được xem là hấp dẫn.
Tình hình nếu không được kiểm soát sẽ dần hình thành một chu kỳ bong bóng giá tài sản mới và đi kèm là sức ép rất mạnh lên lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Nhưng ngược lại, nếu muốn hạn chế đầu cơ, ổn định giá cả và tỷ giá thì phải siết lại dòng tiền, thắt chặt các điều kiện tài chính, mà điều này lại gây bất lợi cho các nguồn lực phục hồi tăng trưởng kinh tế. Quả thật đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan về điều hành chính sách trong năm nay.