Tối 20-9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã có thông tin làm rõ nội dung này. Theo cơ quan này, Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập và hoạt động theo Luật Phòng chống thiên tai và Nghị định 78/2021/NĐ-CP.
Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ này bao gồm Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương (do Bộ NN-PTNT quản lý) và Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh (do UBND cấp tỉnh quản lý).
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh được thành lập và hoạt động từ năm 2014. Tính đến ngày 20-9, 63/63 tỉnh, thành phố đã thu được 5.925 tỷ đồng, đã chi 3.686 tỷ đồng, còn kết dư 2.263 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai
Thông tin về số kết dư lớn này, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận khẳng định, Bộ NN-PTNT không giữ, quản lý số tiền này. Đây là số tiền tồn quỹ mà 63 tỉnh, thành phố đang giữ, quản lý.
Nguồn thu của quỹ cấp tỉnh bao gồm: tiền hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng); công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ quỹ trung ương và giữa các quỹ cấp tỉnh; thu lãi từ tài khoản tiền gửi…
Về việc quản lý và chi sử dụng quỹ này, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết toàn bộ nguồn thu quỹ trong năm (bao gồm cả lãi từ tài khoản tiền gửi) chi hỗ trợ cho các hoạt động ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa.
“Tồn dư quỹ cấp tỉnh là số tiền quỹ thu được từ khi thành lập, hàng năm nếu chi không hết được chuyển sang các năm sau để sử dụng tiếp”, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thông tin.
Tàu thuyền bị bão số 3 đánh vỡ, đắm chìm ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)
Sau khi bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, một số địa phương dự kiến sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai để khắc phục hậu quả. Cụ thể, Lào Cai (5 tỷ đồng), Hải Phòng (50 tỷ đồng), Điện Biên: 3 tỷ đồng, Yên Bái (13 tỷ đồng), Thái Nguyên (10 tỷ đồng). Hiện các tỉnh khác đang tổng hợp thiệt hại, rà soát và đề xuất sử dụng quỹ này.
“Nguồn quỹ 2.160 tỷ đồng này phần lớn tồn ở các tỉnh, thành tập trung đông dân cư, doanh nghiệp như TPHCM, Bình Dương, TP Hà Nội… thu quỹ nhiều nhưng lại ít chịu ảnh hưởng thiên tai”, ông Luận cho biết.
Nhóm công tác của Báo SGGP vượt nước lũ vào thôn Mai Trung (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) để cứu trợ người dân bị cô lập, ngày 12-9. Ảnh: VĂN PHÚC
Đại diện của Bộ NN-PTNT cũng khẳng định, theo quy định thì Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh này được điều chuyển cho tỉnh khác, nên một số địa phương đã sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh mình để hỗ trợ thiệt hại cho địa phương khác.
Trong đó, TPHCM đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa khoảng 7,5 tỷ đồng trong các năm 2017 và 2021, dự kiến năm 2024 sẽ hỗ trợ 6 tỷ đồng; TP Đà Nẵng hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai (Hà Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Khánh Hòa) khoảng 49,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Lào Cai đã tạm ứng Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh để hỗ trợ tỉnh Lai Châu khắc phục thiệt hại thiên tai 4 tỷ đồng năm 2019.
Các tổ chức quốc tế trao hàng viện trợ qua Bộ NN-PTNT để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ
Ông Phạm Đức Luận khẳng định, số tiền của quỹ này đang nằm tại các địa phương. “Từ khi thành lập đến nay, do vướng mắc về mô hình hoạt động nên đến nay quỹ trung ương vẫn chưa hoạt động được. Do vậy, Bộ NN-PTNT không quản lý một đồng quỹ phòng chống thiên tai nào”, ông Luận nói.
Theo ông Luận, việc công khai thu chi quỹ này sẽ do chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm.