Mặc dù không nhộn nhịp như những năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhu cầu tuyển dụng vẫn sôi động.
Nhiều việc làm công nhân, thợ kỹ thuật
Phía trước cổng nhà máy, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 (TP Thủ Đức) dán thông báo tuyển dụng 500 công nhân may và các chức danh sản xuất khác để bù cho số công nhân nghỉ việc, phục vụ việc mở rộng dây chuyền sản xuất, với mức thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/tháng...
Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit (Khu công nghiệp Bình Chiểu, TP Thủ Đức, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại bulong, ốc vít, phụ tùng và phụ kiện) cũng thông báo tuyển 20 công nhân kỹ thuật cơ khí, 2 công nhân kỹ thuật (cơ điện, tiện), 20 lao động phổ thông. Trong đó, với lao động phổ thông chỉ yêu cầu trình độ văn hóa tối thiểu 9/12.
Tương tự, Công ty TNHH Sài Gòn Precision (Khu chế xuất Linh Trung II, TP Thủ Đức, 100% vốn Nhật Bản) cần tuyển 500 nhân viên vận hành máy; Công ty TNHH Nhôm định hình Sapa Bến Thành (Khu công nghiệp Bình Chiểu), Công ty TNHH Po Lai Kam (số 151 quốc lộ 1, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức)… cũng đang tuyển nhiều lao động kỹ thuật.
Bên cạnh đó, nhiều DN tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động sau tết. Trước cổng Công ty TNHH Meraki FW (lô E, đường số 2, Khu công nghiệp Đồng An, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, 100% vốn nước ngoài), chuyên sản xuất và gia công các loại túi xách xuất khẩu tuyển 500 lao động trên các dây chuyền, gồm thợ may, sơn viền, thủ công... với thu nhập từ 8-15 triệu đồng/tháng, tùy vị trí.
Cách đó không xa, Công ty TNHH Puku Việt Nam cũng bố trí nhân sự và bàn ghế tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn người xin việc. Do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty tuyển 500 công nhân ở các vị trí may, ủi với mức lương từ 7,5-10,5 triệu đồng/tháng, tùy vị trí. Đặc biệt, công ty thưởng năng suất vượt trội hấp dẫn theo sản lượng thực tế...
Nộp hồ sơ xin việc không nhiều
Bên cạnh một số DN vẫn hoạt động tốt, có nhu cầu tuyển dụng lao động thì một số công ty không có đơn hàng sản xuất buộc phải cắt giảm giờ làm, ngưng hợp đồng với công nhân. Vì vậy, vẫn còn một bộ phận người lao động phải nhảy việc tìm chỗ làm mới. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tình trạng này không nhiều và chỉ tập trung vào một số nhóm ngành như dịch vụ ăn uống, du lịch... Theo chị Nguyễn Thị Duyệt, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Meraki FFW (Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương), do đầu năm nhiều người về quê ăn tết chưa vào, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người lao động đến nộp hồ sơ xin việc không nhiều như mọi năm.
Đại diện một số DN, hiệp hội ngành hàng cũng cho hay, năm nay lao động việc làm ít có sự dịch chuyển, việc tuyển dụng cũng kém sôi động. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng, hiện nay kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN đầu năm tương đối ổn, một số DN có đơn hàng hết quý 1, quý 2 nhưng vẫn chưa vững chắc.
Về lao động không có biến động nhiều, một số DN có nhu cầu tuyển dụng thêm nhưng số lượng không lớn, có sự dè dặt. Đồng thời sự dịch chuyển lao động giữa các tỉnh về thành phố lớn, giữa các DN trong các tỉnh, thành phố ít nên việc tìm kiếm việc làm mới của người lao động có sự hạn chế.
“Ngành may mặc thời gian qua đã đầu tư những thiết bị tự động và hiện nay các DN đầu tư thêm, cũng như cải tiến quản lý nhưng không đầu tư ồ ạt nên công việc phần lớn vẫn phụ thuộc vào công nhân. Do đó, hiện nay các DN không giảm cũng không tăng lao động”, ông Hồng thông tin.
Còn theo một lãnh đạo Phòng Lao động thuộc Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng của các DN ít nên nhu cầu tuyển dụng sẽ không nhiều, khoảng 5%-10%, nhằm bù số công nhân nghỉ việc, cũng như phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, một số ngành như sản xuất chế biến thực phẩm vẫn cần tuyển dụng lao động.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM, thông tin, dù dịch Covid-19 tác động nhưng các DN đã nỗ lực bảo tồn thực lực, cố gắng giữ chân người lao động, trong đó có một số DN đã biến “nguy thành cơ”, nhất là các DN sản xuất gỗ, chế biến nông sản.
“Ở Việt Nam sự chuyển động theo công nghệ 4.0 lẽ ra mất 10 năm, nhưng trước tác động của dịch Covid-19 chỉ chuyển động trong vòng 1 năm. Đó là Chính phủ điện tử, DN chuyển đổi số và kéo theo con người cũng phải chuyển đổi theo trong cách làm ăn, kinh doanh. Do đó, càng ngày đòi hỏi nhu cầu lao động lành nghề, có tay nghề cao thích ứng với công nghệ mới, lao động có chất xám cao”, ông Nguyễn Văn Bé phân tích.