Tuy nhiên, theo một số cảng biển phía Nam, đây chỉ là những biện pháp tạm thời. Bởi nguyên nhân sâu xa của sự ùn tắc này là hoạt động của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ.
Có giải pháp, nhưng còn tùy DN
Mới nhất, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn hỏa tốc về thủ tục hải quan tạm thời, trong đó cho phép vận chuyển hàng nhập từ cảng Cát Lái đến cảng biển khác để lưu giữ, miễn là hàng không thuộc danh mục 14 loại hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.
Hàng muốn chuyển ra khỏi cảng Cát Lái cũng phải chưa đăng ký tờ khai nhập khẩu, không có dấu hiệu nghi vấn; toàn bộ lô hàng phải thuộc cùng một vận tải đơn, cùng một chủ hàng, về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa...
Về điểm đến, tổng cục cũng hướng dẫn hàng của DN tỉnh nào thì sẽ chuyển đến cảng biển gần nhất để lưu giữ theo quy định. Hàng nhập khẩu của DN Đồng Nai được chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch. Hàng nhập khẩu của DN các tỉnh miền Tây được vận chuyển về Tân Cảng Hiệp Phước.
Trường hợp cảng muốn chuyển hàng tồn về gần nơi nhà máy của DN cần phải có sự đồng ý của DN, hãng tàu. Hay khuyến khích DN chủ động lấy hàng ra khỏi cảng để đưa về kho dù có thể đang tạm ngưng sản xuất cũng là một sự chia sẻ lúc này.
Tuy nhiên, đại diện một DN xuất nhập khẩu nguyên vật liệu trong ngành nông nghiệp có trụ sở ở Bình Dương, cho biết bản thân DN có vài container hàng đang lưu kho tại cảng Cát Lái nhưng không thể lấy ra được, vì kho bãi bị cách ly hai đầu. Một số đơn vị khó khăn tài chính, hồ sơ chứng từ gốc nằm ở ngân hàng, thủ tục bị vướng.
Tìm cách tăng nhu cầu lấy hàng ra
Đại diện cảng container quốc tế SP-ITC cho rằng khâu giải phóng hàng chậm ở cảng liên quan một loạt yếu tố trong chuỗi cung ứng. Trong đó đau đầu nhất là liên quan con người. Việc đi lại của bộ phận nhân sự giải quyết hồ sơ xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, kiểm dịch... đều bị chậm lại.
Có DN phản ảnh có thể kéo hàng về kho nhưng do quy định không được tụ tập nên không thể dỡ hàng xuống. "Nếu có cơ chế đi lại thuận lợi cho lực lượng này sẽ góp phần giúp DN lấy hàng nhanh.
Ngay tại nhiều cảng hiện nay, nhân sự làm việc trong cảng bị hạn chế, phải cắt giảm do bị giãn cách dẫn đến năng suất bốc dỡ hàng giảm ít nhất 50%", đại diện cảng SP-ITC nói.
Cục Hàng hải Việt Nam đã thành lập Sở Chỉ huy tại TPHCM, đầu mối để các DN phản ảnh và kịp thời được tháo gỡ khó khăn trong giao nhận, vận chuyển hàng.
Cục này cho rằng để tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng, các đơn vị phải rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng.
Để giảm lượng hàng nhập về cảng, cảng cần thuyết phục chủ hàng hợp tác nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân Cảng Hiệp Phước, các ICD/cảng khu vực ĐBSCL gần nhà máy, DN của mình.
Với quy mô và cường độ khai thác lớn như cảng Cát Lái, hàng chục nghìn lượt xe container ra vào mỗi ngày, về lâu dài, làm sao để các DN duy trì được lực lượng lao động, hàng hóa mới thoát cảnh ùn ứ.
"Giải pháp căn cơ vẫn là sức khỏe của DN. Chỉ khi nhu cầu lấy hàng cao thì cảng mới tránh được tình trạng thời gian qua", đại diện Tân Cảng Sài Gòn nói.
Đề nghị Bộ Tài chính, TPHCM, Đồng Nai vào cuộc
Để xử lý khó khăn, giải phóng hàng hóa tồn ở cảng Cát Lái, Bộ GTVT đã phát công văn đề nghi Bộ Tài chính, TPHCM và Đồng Nai chung tay tháo gỡ.
Bộ GTVT công nhận nguy cơ trong thời gian tới cảng Cát Lái có thể phải tạm thời ngừng tiếp nhận tàu; ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng, tăng chi phí logistics và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Để nhanh chóng tháo gỡ, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tháo gỡ một số vấn đề, và mở rộng các danh mục hồ sơ được tải lên cổng thông tin một cửa quốc gia mà không cần bản giấy...
Đồng thời Bộ GTVT cũng có công văn đề nghị UBND TPHCM và Đồng Nai cho phép số lao động cần kíp trong dây chuyền sản xuất (nếu không lưu trú ở khu vực dân cư đang bị phong tỏa) được cấp phép lưu thông đến cảng Cát Lái làm việc.
Bộ GTVT đề nghị UBND TPHCM xem xét lập điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 và cấp giấy chứng nhận xét nghiệm 24/7 cho tài xế để ra, vào cảng Tân Cảng Cát Lái thuận tiện, nhanh chóng.
Cảnh báo nguy cơ ùn ứ ở nhiều cảng
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM - cho biết việc hàng hóa ùn ứ ở cảng Cát Lái đã bắt đầu từ nửa tháng qua.
Đây là tình huống bất khả kháng của cảng, do đó các DN vẫn tìm cách chở hàng đến các cảng khác ở TPHCM và các tỉnh lân cận, nhưng lại phải chấp nhận tăng thêm chi phí.
Theo đại diện một DN vận chuyển hàng hóa quốc tế tại TPHCM, việc ùn ứ hàng hóa không chỉ xảy ra ở cảng Cát Lái mà là tình trạng chung của hầu hết các cảng ở phía Nam. Nhất là chiều nhận hàng nhập khẩu, vị này cho biết số lượng DN vận chuyển giảm sâu.
Nhiều DN đang đóng cửa sẽ để container lại cảng, không chở về nhà máy bởi tất cả các khâu trong vận chuyển, nhập hàng cũng đều đã ngưng trệ.
Do đó, tình trạng ùn ứ này sẽ còn tiếp diễn, thậm chí tắc tạm thời với cảng Cát Lái và các cảng khác nếu dịch bệnh vẫn còn kéo dài, sản xuất vẫn đình đốn, đi lại vẫn bị siết. Điều này có thể chặn đường, ảnh hưởng rất lớn đến các DN vẫn còn sản xuất, xuất khẩu được.