Thái Lan - "Hộp cát" tan nát
Vào tháng 7, Thái Lan bắt đầu chương trình thí điểm “hộp cát” ở Phuket, nơi khách du lịch có thể đến nghỉ dưỡng không cần kiểm dịch. Nhưng chỉ 1 tuần sau khi mở cửa trở lại, đã ghi nhận 27 khách du lịch dương tính. “Họ muốn mở cửa hoàn toàn vào tháng 10. Tôi nghĩ điều đó có lẽ quá tham vọng, sẽ khó xảy ra” - Euben Paracuelles, Trưởng phòng Kinh tế ASEAN của NOMURA, nhận định.
Từng là đồng tiền hoạt động mạnh nhất ở châu Á trước đại dịch, đồng Baht của Thái Lan đã giảm đều vào năm 2021, hiện là đồng tiền bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, đồng Baht của Thái Lan tính từ đầu năm đến 25-7 đã giảm hơn 10% so với USD. Vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid tấn công, đã có những lo ngại đồng Baht của Thái Lan mạnh lên, được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại lớn của nước này. Đồng tiền mạnh hơn làm hàng hóa xuất khẩu của quốc gia đắt hơn, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh về số lượng du lịch đã thực sự khiến "sự tàn phá của Covid" đối với nền kinh tế Thái Lan nhân lên gấp bội.
Thái Lan chỉ có hơn 34.000 lượt khách du lịch tính đến tháng 5 năm nay, so với hơn 39 triệu lượt vào năm 2019, theo dữ liệu từ Bộ Du lịch và Ngân hàng Thế giới (WB). Quốc gia Đông Nam Á này chủ yếu dựa vào đô la du lịch để tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu từ khách du lịch chiếm khoảng 11% GDP của Thái Lan năm 2019. Ít khách du lịch hơn cũng có nghĩa là nhu cầu đối với đồng Baht của Thái Lan giảm. “Rủi ro nhiều biến thể coronavirus hơn và hoạt động du lịch/đi lại chậm hồi phục, sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa đối với đồng Baht” - Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Refinitiv, nói.
Thái Lan phụ thuộc quá nhiều vào du lịch nên sẽ rất thách thức khi tìm cách mở cửa trở lại với khách du lịch, trong khi vẫn phải chiến đấu với đại dịch. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn của Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đất nước năm nay xuống 1% so với ước tính trước đó 1,8%. Do những hạn chế của hệ thống y tế công cộng của Thái Lan, các biện pháp ngăn chặn Covid-19 nghiêm ngặt hơn đã được thực hiện, sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến lĩnh vực kinh doanh, việc làm và sức mua, niềm tin của người tiêu dùng.
Sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới làm gia tăng nhanh chóng các ca lây nhiễm. Ngày 26-7 Thái Lan đã có 15.376 ca nhiễm Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục theo ngày trong ngày thứ hai liên tiếp, nâng tổng số ca nhiễm lên 512.678. Tình hình ngày càng tồi tệ làm hệ thống y tế của đất nước chao đảo, khiến chính phủ phải thắt chặt các hạn chế, bao gồm đóng cửa các trung tâm mua sắm, giới nghiêm ban đêm và hạn chế việc đi lại ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nền kinh tế Thái Lan sụt giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất trong hơn 2 thập niên. Chính phủ Thái Lan sẽ đưa ra các biện pháp cứu trợ bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự kiến xuất khẩu năm nay của Thái Lan sẽ tăng 11,5% so với 2020.
Indonesia - Quyết giữ mục tiêu GDP
Indonesia - Quyết giữ mục tiêu GDP
Chính phủ Indonesia cho biết các doanh nghiệp nhỏ và một số trung tâm mua sắm có thể mở cửa trở lại bất chấp cảnh báo việc nới lỏng có thể gây ra làn sóng Covid khác. Tổng thống Joko Widodo mới đây cho biết các biện pháp được áp đặt vào đầu tháng 7 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 2-8, trong khi biến thể Delta đang lan rộng, khiến nước này vượt qua Ấn Độ và Brazil để trở thành tâm dịch của thế giới. Số ca nhiễm chính thức đã giảm từ hơn 50.000 ca/ngày. Nhưng tỷ lệ xét nghiệm cũng giảm, trong khi số kết quả dương tính vẫn ở mức cao, cho thấy virus vẫn đang lây lan nhanh chóng.
Tổng thống Joko Widodo cho biết thêm những điều chỉnh sẽ được áp dụng trên các trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên và văn phòng trước đó bị đóng cửa, bao gồm cả ở thủ đô Jakarta, đảo Java và trên đảo Bali. Trong khi đó, các chợ truyền thống, những người bán hàng ven đường và hàng rong sẽ nằm trong số các hoạt động kinh doanh được phép mở cửa trở lại vào 2-8 với một số hạn chế, ngay cả ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các văn phòng sẽ vẫn tuân theo lệnh đóng cửa.
Ông Widodo trấn an tỷ lệ nhiễm hàng ngày và tỷ lệ nhập viện giảm, bất kỳ sự nới lỏng nào cũng sẽ được thực hiện "dần dần và cẩn thận". Dù vậy, sau khi Indonesia chứng kiến số người chết trong 24 giờ đạt kỷ lục 1.566 người vào ngày 23-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi nước này áp đặt các biện pháp hạn chế virus chặt chẽ hơn. Chính phủ của ông Widodo bị chỉ trích mạnh mẽ trong cách xử lý đại dịch và các chính sách dường như ưu tiên nền kinh tế hơn sức khỏe cộng đồng. Arya Fernandes, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Chính phủ Indonesia cần tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi bằng cách áp đặt các hạn chế nhưng vẫn giữ cho nền kinh tế mở”.
Ngày 20-7, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chính phủ đã tăng 20% mạng lưới an sinh xã hội cho người dân, trong khi chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tăng gần 19%. Các chính sách mạng lưới an toàn xã hội của Indonesia mở rộng hỗ trợ của chính phủ cho người nghèo và những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Bà Indrawati cho biết nền kinh tế Indonesia đã “phục hồi và phục hồi rất mạnh” trong quý II, đồng thời trọng tâm hiện nay là đảm bảo có thể ngăn chặn được biến chủng Delta, cũng như đảm bảo việc bình thường hóa hoạt động kinh tế sẽ không phải trả giá bằng các ca bệnh ngày càng tăng.
Vào đầu tháng 7, Bộ Tài chính dự kiến tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm không thấp hơn 3,7%. Triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 đã bị hạ xuống 3,7-4,5% sau khi chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt ở Java và Bali vào tháng 7. Mức độ tiêm chủng của Indonesia vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu triệu liều mỗi ngày cho tháng 7, và chỉ khoảng 6% trong số gần 270 triệu người của Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ.