Chóng mặt vì giá tăng
Thức ăn chăn nuôi là mặt hàng duy trì mức giá tăng bền vững suốt mấy tháng qua, đẩy nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hòa, hộ nuôi gà ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (TPHCM), cho biết trước đây thường mua cám Cargill nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay giá tăng liên tục hiện ở mức 290.000 đồng/bao 25kg, trong khi giá bán gà thành phẩm ở mức thấp.
Để tránh lỗ ông Hòa chuyển qua mua cám trộn thủ công, cơm thừa ở các nhà máy xí nghiệp để giảm chi phí. Nhiều hộ nông dân ở Củ Chi cũng lâm vào tình cảnh không chăn nuôi không biết làm gì, còn chăn nuôi sẽ lỗ do giá thức ăn quá cao.
Chia sẻ với ĐTTC, giám đốc một DN chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ gia cầm, cho biết giá thức ăn chăn nuôi cao khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản, nhiều liên kết bị đứt gãy. Chỉ những DN với các trang trại quy mô, nỗ lực kiểm soát chi phí đầu vào, chi phí chăn nuôi mới có thể duy trì qua giai đoạn này.
Vị này cũng cho rằng giá thức ăn chăn nuôi chưa thể giảm trong vòng vài tháng tới, vì dịch khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn trong thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.
Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, từ cuối năm 2020 giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-30%. Nguyên nhân do giá các loại nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao, cộng thêm chi phí vận chuyển tăng 200-300% do thiếu container rỗng và tàu vận chuyển.
Một mặt hàng khác cũng tăng nóng trong thời gian gần đây là giá vật liệu xây dựng, đặc biệt giá thép tăng tới 40-50%. Điều này không chỉ tác động mạnh đến các nhà thầu xây dựng, nhiều ngành khác có sử dụng sản phẩm này làm nguyên liệu đầu vào cũng bị khủng hoảng về giá.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết các DN cơ khí hiện đang rất đau đầu vì giá nguyên liệu tăng cao 30-40%, đặc biệt là nguyên liệu có sử dụng nhiều sắt thép như trong nhóm ngành cơ khí kết cấu thép.
Nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đang thiết lập mặt bằng giá mới do giá nguyên liệu đầu vào tăng trước đó, như giá nguyên liệu sản xuất dầu ăn. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I, Tập đoàn Kido cho biết hiện giá một số sản phẩm dầu thực vật trên thị trường bắt đầu tăng, tập đoàn đang nỗ lực kiểm soát hiệu quả nguồn nguyên liệu đầu vào. Các mặt hàng thiết yếu khác như bột chiên xù, mì tôm… cũng khó duy trì mức giá cũ do giá lúa mì nhập khẩu để làm bột mì liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Mặt hàng sữa cũng ghi nhận mức gia tăng trong những tháng gần đây. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, các sản phẩm của Công ty Vinamilk bằng hộp thiếc và hộp giấy điều chỉnh tăng giá 5% từ ngày 29-4.
Trước đó, Công ty TNHH Med Johnson Nutrition (Việt Nam) cũng công bố giá bán mới của 33 sản phẩm sữa từ ngày 15-3. Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam cũng sớm đưa ra mức giá mới cho 11 sản phẩm sữa từ ngày 1-3.
Ngày 12-5 vừa qua, giá xăng dầu trong nước cũng điều chỉnh tăng, chắc chắn sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, sản xuất. Nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đang chóng mặt vì giá nguyên liệu tăng như ngành sản xuất gỗ. Giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển đều tăng, doanh nghiệp dù có nhiều đơn hàng nhưng cũng khó trong hành trình tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh.
Quá phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Quá phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Nghịch lý Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp về làm thức ăn chăn nuôi, đã được nhắc đến rất nhiều lần nhưng đến nay chưa tìm ra lời giải. |
Thực tế việc giá hàng hóa tăng do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tiêu biểu, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gần 80%. Điều này khiến ngành thức ăn chăn nuôi đối mặt với nhiều rủi ro trong thời điểm biến động mạnh. Thức ăn chăn nuôi lại chiếm tới 70% giá thành các sản phẩm chăn nuôi, nên việc tăng giá quá cao khiến người nông dân chịu nhiều sức ép.
Trước mắt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi được khuyến khích tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành. Bởi nếu giá thành cứ tiếp đà tăng, người nuôi bỏ chuồng trại nhiều, nguy cơ thiếu gia cầm trong thời gian tới là hiện hữu.
Nhưng lâu dài cần có kế hoạch cụ thể cho vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu không ngành chăn nuôi của Việt Nam không những khó cạnh tranh ngay trên sân nhà, còn phải bỏ đi ước mơ xuất khẩu sang những thị trường lớn.
Thép cũng là sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Hiện lượng phôi thép sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Điều này khiến giá thép trong nước phụ thuộc lớn vào những biến động của thị trường thế giới, đặc biệt biến động từ Trung Quốc. Tại cuộc họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 mới đây,
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương nghiên cứu, có các giải pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối trên thị trường, ưu tiên thị trường trong nước thông qua điều chỉnh cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm. Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng, nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình.
Đối với các sản phẩm thiết yếu, việc một số mặt hàng đang bắt đầu thiết lập mặt bằng giá mới cũng gây ra lo ngại tình trạng nhiều mặt hàng khác “té nước theo mưa” tăng giá trong thời gian tới.
Trước bối cảnh ấy, ngày 12-5, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 07/CT/BCT về việc thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, chống hành vi đầu cơ, găm hàng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Trong đó, Bộ đề nghị Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án, hoặc đề xuất với Bộ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, không để xảy ra sốt giá, thiếu hàng.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận hiện nay Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đặc biệt, khi dịch bệnh đang tái bùng phát tại nhiều nước, thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.