Khôi phục niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp: Xếp hạng tín nhiệm

(ĐTTCO) - Việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022 (NĐ65) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đang được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt của thị trường này.
Khôi phục niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp: Xếp hạng tín nhiệm

Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính, cho rằng các quy định trong dự thảo chỉ tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, còn muốn tạo lại niềm tin cần phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi phát hành để các nhà đầu tư (NĐT) tin tưởng vào độ an toàn của TP.

PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhận định thế nào về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ65 mà Bộ Tài chính đang phối hợp các bộ ngành trình Chính phủ?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Dự thảo có 3 sửa đổi chính. Thứ nhất, đã giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách NĐT chứng khoán chuyên nghiệp tại NĐ65, tức sẽ áp dụng từ năm 2024 thay vì từ năm 2023. Tôi đồng ý với điều này. Vì hiện tại thị trường TPDN đang bị đóng băng, cần điều khoản đó để khôi phục thị trường.

Thứ hai, tôi cũng đồng tình với quy định cho phép các nhà phát hành đã phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa 2 năm. Tức nếu TP đã phát hành đến hạn, trường hợp nhà phát hành gặp khó khăn có thể đàm phán, thương lượng với NĐT để giãn thời hạn trả nợ trong 2 năm.

Tuy nhiên, tôi cũng kiến nghị một bước xa hơn, là Chính phủ cần có chương trình hoãn nợ quốc gia, cho phép tất cả các nhà phát hành TPDN hoãn nợ ít nhất 1 năm cho đến 2 năm, và chỉ áp dụng cho những nhà phát hành đã tuân thủ luật pháp, tuân thủ các quy định về phát hành TP trong quá khứ. Còn những nhà phát hành không tuân thủ luật pháp, không tuân thủ quy định hoặc có vấn đề tiêu cực, lừa đảo, không được hưởng chế độ hoãn nợ này của Chính phủ.

Bởi lẽ quy định của dự thảo 2 bên phải thỏa thuận với nhau về việc hoãn nợ, nhưng nếu NĐT không đồng ý, nhà phát hành vẫn phải trả nợ. Trong trường hợp nhà phát hành không trả được nợ, họ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ, phá sản hàng loạt, tạo hiệu ứng domino trên thị trường tài chính. NĐ65 quy định phát hành TPDN là giao dịch dân sự giữa nhà phát hành và NĐT, Chính phủ không can thiệp khi nhà phát hành không trả được nợ.

Tuy nhiên ở thời điểm này, thị trường đang ở tình huống khẩn trương và có thể ảnh hưởng đến vĩ mô, nên tôi cho rằng Chính phủ cần chương trình cho phép hoãn nợ quốc gia đối với TPDN đã phát hành trước đây. Đồng thời, nguyên tắc tự vay tự trả vẫn áp dụng cho các lô phát hành TP mới từ đây trở đi.

Thứ ba, điều quan trọng nhưng cũng là điều tôi không đồng ý với sửa đổi. Đó là điều kiện xếp hạng tín nhiệm với “ông lớn”. NĐ65 yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với các DN phát hành hơn 500 tỷ đồng TP/năm, hoặc tổng dư nợ TP lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Có nghĩa là yêu cầu xếp hạng tín nhiệm chỉ đặt ra với các nhà phát hành lô lớn, còn phát hành quy mô nhỏ không yêu cầu xếp hạng.

Tôi không đồng ý điểm này và đề nghị quy định DN phải xếp hạng tín nhiệm khi phát hành TPDN từ nay trở đi. Bởi vì dự thảo đã mở 2 cửa về quy định NĐT chuyên nghiệp và cho phép 2 bên thương lượng hoãn nợ, thì cửa thứ 3 phải chặt lại, tức là phải xếp hạng tín nhiệm. Nếu mở toang cả 3 cửa như vậy, mặc dù có thể khôi phục thị trường trong thời gian ngắn, nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho cả NĐT và thị trường tài chính.

Mục đích của việc đưa ra các quy định tháo gỡ hiện tại là để tạo niềm tin cho NĐT. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những biện pháp sửa đổi đang được Bộ Tài chính công bố chỉ tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, không xây dựng lại được niềm tin.

Để tạo niềm tin cần phải có xếp hạng tín nhiệm để các NĐT tin tưởng vào độ an toàn của TP. Đồng thời như tôi đã nói ở trên, để tạo được sự tin tưởng của thị trường, Chính phủ phải can thiệp vào thị trường, cho phép hoãn nợ. Dĩ nhiên những công ty được hoãn nợ, các cơ quan có liên quan phải giám sát, kiểm soát hoạt động của họ.

- Nhưng có ý kiến cho rằng nhiều nước có thị trường TPDN phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Đồng thời, Việt Nam hiện có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm?

- Đúng là về xếp hạng tín nhiệm, các nước không bắt buộc tất cả các DN phát hành TP phải xếp hạng. Mỹ cũng không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi phát hành TPDN. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra điều kiện là các quỹ hưu trí chỉ được mua những TPDN có xếp hạng tín nhiệm với mức xếp hạng từ mức đầu tư (investment grade) trở lên. Còn những TP dù được xếp hạng tín nhiệm nhưng dưới mức này, các quỹ hưu trí cũng không được phép mua.

Với Việt Nam, các sự cố liên quan đến TPDN vừa qua cho thấy, NĐT không có khả năng đánh giá khả năng trả nợ của nhà phát hành. Thế nên, với đặc thù của thị trường Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm nên trở thành điều kiện cần thiết khi phát hành TP cũng như cần thiết cho NĐT, và nên bắt buộc xếp hạng tín nhiệm tại thời điểm này.

Về số lượng tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhiều nước cũng chỉ có 2-3 công ty xếp hạng tín nhiệm. Vì nếu càng có nhiều sẽ càng tạo ra sự cạnh tranh giữa các công ty xếp hạng và có thể đưa ra sự thiếu lành mạnh trong xếp hạng.

Cụ thể khi có nhiều công ty, chi phí xếp hạng có thể sẽ hạ xuống, nhưng họ có thể chấm điểm rộng rãi hơn. Vì vậy, không cần quá nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm. Trên thế giới cũng chỉ có 3 công ty xếp hạng lớn nhất là Moody’s, Standard & Poor’s Global Ratings (S&P) và Fitch Ratings. Hiện nay Việt Nam mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép, chỉ cần thêm 1 công ty nữa là đủ.

Vấn đề là hiện tại Việt Nam chưa phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm, nên NĐT chưa quan tâm. Còn nhà phát hành không chỉ sợ chi phí cao nên không chịu xếp hạng, mà còn vì lý do không muốn công khai toàn bộ hoạt động để các công ty thẩm định, khảo sát chính xác. Chính vì thế, Việt Nam cần phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm.

- Với tầm nhìn lâu dài hơn, để có một thị trường TPDN cần những điều kiện nào thưa ông?

- Việc tạo ra một thị trường TPDN phát triển phụ thuộc vào 3 phía là nhà phát hành, NĐT và các cơ quan giám sát. Trong đó, các nhà phát hành phải là những nhà phát hành có đạo đức kinh doanh. Và muốn nhà phát hành có tư duy mới, có đạo đức kinh doanh để tạo ra độ an toàn cao, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về nhà phát hành có khả năng trả nợ.

Về phía NĐT, họ phải nâng cao kiến thức về tài chính, nếu không có kiến thức về tài chính phải có công cụ xếp hạng tín nhiệm để bù trừ cho sự thiếu thông tin của họ. Còn phía các cơ quan giám sát phải vào cuộc, đồng hành cùng thị trường, vì các sự cố liên quan đến TPDN vừa qua cũng đặt ra câu hỏi cơ quan giám sát đã ở đâu?

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác