Những tín hiệu khả quan
Nhìn lại giai đoạn thí điểm từ 10-10 đến nay, có thể thấy quan điểm phải khẩn trương khôi phục vận tải, đặc biệt là hàng không và đường sắt của Chính phủ rất rõ ràng.
Hàng loạt chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT đã buộc các địa phương gỡ bỏ những hàng rào kỹ thuật được dựng lên do quá thận trọng trong công tác phòng dịch.
Kết quả, sau nhiều tháng đóng băng, chỉ trong hơn 1 tuần thực hiện thí điểm, các hãng hàng không đã khai thác 17/21 đường bay theo kế hoạch; đi, đến 17/22 cảng hàng không với 193 chuyến bay, vận chuyển 12.905 hành khách (Vietnam Airlines 49%, Vietjet Air 32,5%, Bamboo Airways 15,6% và Pacific Airlines 2,9%).
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Văn Hảo đánh giá, ngành hàng không đã tiên phong việc khơi thông mạch máu đất nước, giúp hồi sinh nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Việc khôi phục vận tải hàng không có thể coi thành công, khi vừa đảm bảo yêu cầu phòng dịch vừa đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các địa phương.
Đối với vận tải đường sắt, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức chạy tàu trên tuyến Hà Nội – TPHCM 2 đôi tàu/ngày đêm, trong thời gian thí điểm đã vận chuyển gần 10.000 hành khách. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng chạy 1 đôi/ngày đêm, vận chuyển gần 1.500 hành khách.
Từ kết quả thí điểm, Bộ GTVT đã đề xuất giai đoạn tiếp theo, trên tuyến Hà Nội – TPHCM có thể chạy đến 4 đôi tàu/ngày; Hà Nội – Vinh chạy 1 đôi tàu/ ngày; TPHCM – Đà Nẵng chạy 1 đôi tàu; Hà Nội – Hải Phòng chạy tối đa 3 đôi tàu/ngày.
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết các chuyến tàu đầu tiên đều kín khách, đơn vị vận tải đã quyết định khôi phục thêm một số đoàn tàu trên tuyến Bắc Nam và Hà Nội - Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu hành khách.
Vận tải hành khách phục hồi tốt là tín hiệu ngành du lịch đang chờ đợi. Đây là thời điểm có thể tính đến mở cửa du lịch, giúp kích thích các ngành kinh tế khác trở lại bình thường.
Cục HKVN cũng vừa quyết định tăng tần suất chuyến bay trên tất cả đường bay từ ngày 21-10 đến hết ngày 30-11. Trong đó, đường bay Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TPHCM và ngược lại, các hãng được tăng đến 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21-10 đến 14-11, tăng 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15-11 đến 30-11.
Các đường bay khác tăng đến 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều. Tần suất khai thác của mỗi hãng còn được hứa hẹn tăng thêm nếu hệ số sử dụng ghế trung bình trên chặng bay của tất cả các hãng đạt từ 75% trở lên.
Còn nhiều gian nan
Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đang cùng các cảng hàng không triển khai “quy trình xanh” cho các “chuyến bay xanh”. Đây được coi là yếu tố tiên quyết để hành khách yên tâm sử dụng dịch vụ hàng không. |
Từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 10-2021, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị đóng băng. Trong khi đó, mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên. Cùng đó, dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Sau khi được Bộ GTVT cho phép khôi phục hoạt động bay nội địa và nới lỏng các điều kiện đối với hành khách, tình hình có vẻ khả quan hơn nhưng khó khăn vẫn chưa vơi bớt.
Theo thống kê, hiện vẫn nhiều đường bay chưa thể nối lại do nhu cầu hành khách thấp, tâm lý hành khách còn e ngại về dịch và các biện pháp phòng dịch nơi đến. Với những đường bay đã nối lại, các chuyến bay có hệ số sử dụng ghế chỉ đạt trên dưới 30%, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Trong khi đó, ngành du lịch cũng chỉ “mở hé”, khi Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch với Phú Quốc và sắp tới có thể thêm Nha Trang, Đà Nẵng… Các chuyên gia nhận định, hàng không sẽ chỉ sôi động khi ngành du lịch được mở lại.
Được ví có mối quan hệ chặt chẽ như “môi với răng” 2 ngành này sẽ sớm tính đến giải pháp mang tính kích cầu, là tạo ra gói sản phẩm phù hợp với giai đoạn mới, vừa đảm bảo an toàn vừa có giá cả hợp lý, được truyền thông ở quy mô cả nước và cả thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, với đặc thù riêng ngành hàng không rất khó tự mình đứng dậy khi nội lực đã kiệt quệ.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), ông Phạm Việt Dũng, cho biết VABA đã kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ các hãng hàng không. Trong đó đề nghị Chính phủ xem xét chính sách cho hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với VNA (gói 4.000 tỷ đồng vay tối đa 3 năm).
VABA cũng kiến nghị triển khai gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không, giúp các hãng duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.
Về chính sách thuế, phí, VABA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục để giảm 70% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không từ nay đến đến 30-6- 2022.
VABA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có yêu cầu cụ thể đối với việc khôi phục lại các đường bay quốc tế, trên cơ sở đánh giá các nguy cơ bảo đảm công tác phòng chống dịch, từ việc công nhận tiêm vaccine giữa các quốc gia có đường bay đến Việt Nam, giảm hoặc miễn thời gian cách ly đối với hành khách…
VABA cũng đề nghị cho phép các địa phương được xây dựng và chủ động áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế.
Với vận tải đường sắt, sau thời gian dài thua lỗ nặng nề, khó chồng khó khi phải dừng chạy tất cả tàu khách, hiện nhiều đoàn tàu khách đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN, vấn đề vẫn là điều kiện đi lại giữa các địa phương. Hiện các doanh nghiệp vận tải đường sắt đã sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại.